Báo Nga phân tích về lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 29/1, trang mạng Gazeta.ru (Nga) có bài viết với nhan đề: “Chủ nghĩa xã hội đã đổi mới như thế nào?”, trong đó có nêu lên ý kiến của các chuyên gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nga về Việt Nam.

Bài viết trên trang Gazeta.ru.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức 5 năm 1 lần. Tại Đại hội lần thứ 12 vừa diễn ra tại Hà Nội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bầu Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính Trị, Tổng Bí thư và đề cử nhân sự tham gia các vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước để Quốc hội khóa tới thông qua. Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu phương Đông của báo Gazeta bình luận về Đại hội như sau:

Lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 30/1/1930, một nhóm người Việt đại diện cho các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và Đông Dương bị Pháp đô hộ, khi đó được gọi là Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã quyết định nhóm họp ở Cửu Long (Hong Kong) để hợp nhất thành một tổ chức Đảng thống nhất.

Điều hành hội nghị là Phái viên của Quốc tế Cộng sản – Nguyễn Ái Quốc, sau này được biết đến là Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hội nghị thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản, ngày 31/10/1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương bắt tay vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, lãnh đạo công nhân và nông dân tiến hành cuộc chiến chống thực dân Pháp đô hộ. Mùa Xuân 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào nhân dân giải phóng dân tộc đã rầm rộ nổ ra ở cả Bắc Kỳ, An Nam và Nam Kỳ, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung Việt Nam là Nghệ An và Hà Tĩnh, những nơi đã lập nên các phong trào Xô viết kháng chiến. Tuy nhiên, thực dân Pháp với khí tài hiện đại đã không ít lần đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam.

Đảng Cộng sản Đông Dương đã phải mất 15 năm đấu tranh để giành được độc lập dân tộc. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuy nhiên, trong 15 năm chống Pháp, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng phải gánh chịu không ít tổn thất, và để bảo vệ sinh lực, ngày 11/11/1945 đã tuyên bố tự giải tán, chuyển sang hoạt động bí mật và chỉ để lại một bộ phận hoạt động công khai dưới danh nghĩa “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Đông Dương”.

Trên thực tế, Đảng vẫn bí mật hoạt động và lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua tổ chức “Việt Minh”, tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống Pháp, và với sự trợ giúp của các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa anh em, đã giành thắng lợi lịch sử ở Điện Biên Phủ năm 1954, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Sau giải phóng, Đảng Cộng sản Đông Dương đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam.

Nhiệm vụ thống nhất đất nước

Giữa năm 1950, Hiệp định Geneve bị vi phạm với sự ra đời của Việt Nam Cộng hòa đứng đầu là Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh thống nhất đất nước và phải mất 20 năm mới hoàn thành nhiệm vụ này.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định có khả năng tiến hành cuộc tổng tiến công vào các sào huyệt của Việt Nam Cộng hòa. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị quyết định “Từ thời điểm này sẽ bắt đầu trận đánh chiến lược của quân và dân ta”.

Cuối tháng 3/1975, quân đội Việt Nam đã tập trung hết sức lực để giải phóng Sài Gòn với tên gọi “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Ngày 26/4, các lực lượng giải phóng đã tiến vào Sài Gòn và 17 giờ cùng ngày đã nổ ra cuộc tổng tiến công giải phóng thành phố.

9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đã phải ra lệnh cho quân lực Việt Nam Cộng hòa ngừng bắn. 10 giờ 45 phút quân đoàn 2 tiến vào Dinh độc lập, buộc Chính phủ chế độ miền Nam phải đầu hàng vô điều kiện và 11 giờ cùng ngày chính quyền miền Nam thuộc về miền Bắc, ghi dấu Việt Nam thống nhất.

Tại Đại hội IV tổ chức sau ngày thống nhất đất nước, Đảng Lao động Việt Nam hợp nhất với Đảng Nhân dân giải phóng và khôi phục lại tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam như hiện nay. Như vậy Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất gần một nửa thế kỷ để thống nhất đất nước và quay lại với tên gọi cũ.

30 năm trước

Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng 12/1986 đã mở ra một trang mới trong lịch sử Việt Nam. Đại hội đã thông qua quyết định quan trọng – tiến hành chính sách “Đổi mới”, mà bản chất là phát triển tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, kể cả kinh tế tư nhân, khuyến khích sáng kiến cá nhân, giảm cơ chế quản lý tập trung đối với nền kinh tế quốc dân, cũng như tiến hành chính sách “Mở cửa” trong quan hệ đối ngoại.

Sự thất bại của Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và việc Liên Xô sụp đổ năm 1991 là nhân tố khiến Việt Nam đẩy nhanh cải cách kinh tế và tái định hướng đối ngoại.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau thống nhất đất nước đã thực hiện đường lối nhất quán từng bước tự do hóa kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tìm đến do sự hấp dẫn của nhân công lao động giá rẻ và thị trường mới mở cửa.

Việt Nam cũng bắt đầu đẩy nhanh công nghiệp hóa. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một trong những ước nghèo nhất thế giới đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, nếu năm 1990 tổng thu nhập quốc nội tính theo đầu người của Việt Nam chỉ đạt 220 USD thì đến năm 2014 con số này đã tăng gấp 10 lần, đạt 2052 USD.

Điều này có được là nhờ Việt Nam đã hội nhập với nền kinh tế thế giới, bởi cũng giống như tất cả các công xưởng khác của thế giới, thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam là ở bên ngoài. Chỉ trong năm 2015 Việt Nam ký Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc và Liên Minh châu Âu.

Theo kế hoạch, tháng 2/2016 Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ có hiệu lực, với mục đích thành lập khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương.

Nhận định về vấn đề này, ông Mazyrin - Tiến sỹ Kinh tế, Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng: “Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trước thềm Đại hội XII có ý nghĩa to lớn đối với tương lai phát triển đất nước. Đại hội đã tổng kết 30 năm tiến hành chính sách đổi mới và mở cửa được khởi xướng từ năm 1986. Chính sách đối nội của Việt Nam đã đi theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần với vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Mô hình này được gọi là kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Sau 30 năm, chính sách này đã mang lại cho Việt Nam nhiều thành công quan trọng và cho cả Đại hội XII”.

Và hiện nay

Các chuyên gia cho rằng sau Đại hội sẽ khó xảy ra sự thay đổi quan trọng. Phó Tiến sỹ sử học Lokshin thuộc Viện Viễn Đông nhận định: “Nhìn chung, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ được sự thống nhất, thành phần đội ngũ lãnh đạo được trẻ hóa. Tuy nhiên, sẽ không xảy ra sự thay đổi đáng kể trong đường lối đối nội cũng như đối ngoại sau Đại hội. Đường lối của Việt Nam được hoạch định trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn và Việt Nam hiểu rõ điều gì mang lại thành công, điều gì không. Tất cả các quyết sách cụ thể ở Việt Nam đều được thông qua dựa trên tình hình thực tế”.

Tiến sỹ Mazyrin bổ sung thêm: “Nhìn chung, Đại hội khẳng định tính kế thừa đường lối trước đây, vì vậy ít khả năng có sự thay đổi trên bình diện này hay bình diện khác. Việc bầu đội ngũ lãnh đạo mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái cử đã khẳng định Việt Nam trung thành với đường lối đối ngoại cân bằng, tự chủ và cải cách kinh tế thị trường. Khuynh hướng đối ngoại chủ đạo của Việt Nam trong nhiều năm qua là hội nhập sâu vào đời sống quốc tế, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam tiến hành rộng rãi chính sách này, bằng cách thành lập các khu vực thương mại tự do và chiếm lĩnh thị trường các nước”.

Kinh tế: tăng trưởng 7%


Chuyên gia Lokshin đưa thông tin: “Đại hội XII đã đi đến các kết luận mới, đề ra nhiệm vụ mới, trong đó có nhiệm vụ nâng GDP bình quân đầu người lên 3300 USD và giữ mức tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%/năm”. Các chuyên gia nhận định, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không được bầu làm Tổng Bí thư cho thấy sẽ không có thay đổi lớn, tuy nhiên Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách đổi mới.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ra mắt Đại hội. Ảnh: TTXVN

Chuyên gia Anton Svetov thuộc Hội đồng Đối ngoại Nga cho rằng: “Các cuộc cải cách của Việt Nam sẽ mang tính liên tục, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Nền kinh tế của Việt Nam sẽ bớt dần lệ thuộc vào Trung Quốc để định hướng sang các đối tác khác, trong đó có Mỹ. Trong khu vực châu Á, Việt Nam sẽ chú trọng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN. Trong đó, Hiệp định TPP đóng vai trò quan trọng”.

Tiến sỹ Mazyrin đánh giá: “Tháng 5/2015 Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu và cuối năm kết thúc đàm phán đồng thời cả về TPP lẫn FTA với Liên minh châu Âu. Việt Nam không đề cao quan hệ với bất cứ đối tác nào, điều này đã được thể hiện qua các Nghị quyết của Đại hội XII. Tuy nhiên trên thực tế Việt Nam ưu tiên hợp tác với TPP và Liên minh châu Âu hơn. Việt Nam đã ký hơn 10 Hiệp định thương mại tự do, trong khi Nga lần đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với nước ngoài thông qua Liên minh kinh tế Á – Âu".

"So với các nước thành viên khác của Liên minh kinh tế Á – Âu, Nga có cơ hội bù đắp được sự tụt hậu khi chưa có khu vực thương mại tự do với Việt Nam. Trước đây trong khi các nước khác được mua bán hàng hóa với giá rẻ thì Nga vẫn phải trao đổi thương mại với giá cao hơn và mất khả năng cạnh tranh trước các đối tác khác trên thị trường Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trao đổi thương mại Nga – Việt năm 2014 và 2015 có chiều hướng chậm lại”, ông Mazyrin bổ sung.

Quan hệ với Nga

Thượng nghị sỹ Arnold Tulokhonov, Ủy viên Ủy ban đối ngoại thuộc Hội đồng Liên Bang (Thượng viện) Nga đánh giá: “Quan hệ Việt – Nga hiện nay đã rất tốt nhưng còn có thể tốt hơn. Mối quan hệ giữa Hà Nội và Moskva, hợp tác thương mại nhìn chung là tốt, tuy nhiên đó là trên bình diện quốc gia. Điều làm tôi quan tâm là hợp tác địa phương. Theo lời mời của tôi, Phó Thủ tướng Việt Nam đã thăm Ulan – Ude. Trong chuyến thăm tôi đã dự thảo Thỏa thuận hợp tác địa phương và đang chờ đợi ký kết. Về hợp tác kỹ thuật quân sự, giáo dục…chúng tôi đã đề cập vấn đề trao đổi sinh viên. Phía Việt Nam đã thể hiện mong muốn”.

Chuyên gia Anton Tsvetov: “Tôi cho rằng sẽ không có thay đổi lớn trong quan hệ Việt Nam với LB Nga. Mối quan hệ hai nước hiện mang tính đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, vẫn còn phương hướng có thể phát triển đó là hợp tác thương mại bởi kim ngạch ngoại thương hiện nay còn ở mức rất khiêm tốn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh hải quan là bước đi quan trọng, tuy nhiên mọi việc còn phụ thuộc vào hành động cụ thể”.

Mỹ, Trung Quốc và SNG

Theo ông Anton Svetov, nền kinh tế Việt Nam sẽ giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc để chuyển sang hợp tác với các đối tác khác, trong đó có Mỹ. Trong khu vực, Việt Nam sẽ đề cao quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Ở đây, việc ký Hiệp định TPP có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong khi đó, Tiến sỹ Kolotov nhận định: “Sẽ không có bước chuyển đột ngột trong chính sách của Việt Nam. Việt Nam hiện là thành viên có uy tín của ASEAN và cộng đồng quốc tế và sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình, cũng như tiến hành chính sách đa phương".

"Về phương diện thương mại, Việt Nam nằm giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên cả hai quốc gia này đều tìm cách can dự vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Nga không làm như vậy mà sẽ chỉ đóng vai trò nhân tố ổn định trong khu vực. Nga là đất nước hữu nghị với Việt Nam và mọi người đều biết điều đó. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường quan hệ thương mại với LB Nga song rất tiếc kết quả chưa thực sự rõ nét. Nhìn chung kinh tế Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có mối quan hệ vững chắc với Mỹ, các nước EU, Nhật Bản và Trung Quốc”.

Từ thời Liên Xô quan hệ giữa Việt Nam với các nước SNG vốn tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật – quân sự. Hiện nay mối quan hệ này vẫn như vậy, ví dụ với Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Với các nước còn lại, hợp tác vẫn ở mức khiêm tốn và mang tính tượng trưng là chính. Nhìn chung, Việt Nam là thành viên có uy tín của ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Lê Quang Vinh (P/v TTXVN tại Nga)
Đảng Cộng sản Argentina đánh giá cao thành công của Đại hội XII
Đảng Cộng sản Argentina đánh giá cao thành công của Đại hội XII

Ông Jorge Kreyness, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Argentina đã đánh giá cao thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN