Con người hoàn toàn chịu trách nhiệm
IPCC đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để khẳng định loài người đang gây ra biến đổi khí hậu. Dòng đầu tiên của báo cáo là: “Chắc chắn là ảnh hưởng của con người đã khiến khí quyển, đại dương và đất ấm dần lên”.
Ngôn ngữ thẳng thắn này khác hẳn với các báo cáo trước đó của IPCC. Trong các báo cáo trước đó, IPCC chỉ nói rằng “có khả năng cực kỳ cao” rằng hoạt động công nghiệp là nguyên nhân.
Ông Friederike Otto, nhà khí hậu học tại Đại học Oxford và là đồng tác giả báo cáo, nhận định: “Không có từ ngữ thể hiện sự hoài nghi trong câu này vì chắc chắn rằng tình trạng ấm lên toàn cầu là do hoạt động của con người và hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra”.
Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng
Báo cáo vạch ra những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai, tùy thuộc vào việc thế giới cắt giảm khí thải mạnh tới mức nào.
Tuy nhiên, ngay cả kịch bản cắt giảm khí thải mạnh nhất cũng khó có thể giữ nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu không cắt giảm khí thải sâu và ngay lập tức, nhiệt độ trung bình có thể tăng vượt 2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Các nhà khoa học cũng xem xét các sự kiện từng được coi là ít khả năng xảy ra nhưng vẫn có thể xảy ra và họ không loại trừ ảnh hưởng lớn từ các sự kiện mang tính bùng phát này, ví dụ như mất băng ở Bắc Cực hay rừng biến mất.
Thời tiết sẽ ngày càng cực đoan hơn
Các hình thái thời tiết cực đoan từng hiếm khi xảy ra hoặc chưa từng có tiền lệ đang ngày một phổ biến hơn. Đây là xu hướng sẽ tiếp tục ngay cả nếu giữ được nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng từng chỉ xảy ra 50 năm một lần nay đang diễn ra 10 năm một lần. Bão nhiệt đới sẽ ngày một mạnh hơn. Phần lớn diện tích đất liền sẽ có nhiều mưa hoặc tuyết hơn trong một năm. Hạn hán nghiêm trọng sẽ xảy ra nhiều hơn 1,7 lần. Mùa cháy rừng sẽ kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn.
Trong thập kỷ qua, tiến bộ khoa học cũng đang giúp các nhà khoa học phát hiện xem liệu biến đổi khí hậu gây ra hay làm cho các sự kiện thời tiết nào đó tệ hơn.
Ông Michael Wehner, nhà khoa học khí hậu kiêm đồng tác giả báo cáo tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley ở California, nhận định: “Trước đây, người ta nói rằng không thể biết điều gì chỉ dựa vào vào một sự kiện đơn lẻ. Ngày nay, chúng ta thực sự có thể đưa ra các đánh giá định lượng về sự kiến thời tiết cực đoan”.
Chẳng bao lâu Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè
Theo kịch bản khả quan nhất của IPCC, băng biển trên Bắc Băng Dương vào mùa hè sẽ hoàn toàn biến mất ít nhất là một lần tới năm 2050. Khu vực này là khu vực ấm lên nhanh nhất trên toàn cầu, với tốc độ ấm lên nhanh hơn ít nhất hai lần so với mức trung bình toàn cầu.
Mặc dù độ dày lớp băng biển Bắc Cực khác nhau trong năm, nhưng mức thấp trung bình trong mùa hè đang giảm dần từ những năm 1970 và giờ đang ở mức thấp nhất trong 1.000 năm. Tình trạng băng tan này tạo ra các lỗ hổng, để lộ nước biển có màu tối hơn, do đó hấp thụ bức xạ mặt trời nhiều hơn, khiến khu vực thêm nóng hơn.
Chắc chắn mực nước biển sẽ tăng
Mực nước biển chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong hàng trăm hoặc hàng nghìn năm tới. Ngay cả nếu giữ được mức 1,5 độ C, mực nước biển trung bình sẽ vẫn tăng khoảng 2-3 mét và có thể hơn.
Mực nước biển tăng ngày càng nhanh hơn khi các tảng băng địa cực tan chảy và nước đại dương ngày càng nhiều. Tình trạng lũ lụt do băng tan đã tăng gần gấp đôi ở nhiều khu vực duyên hải từ những năm 1960. Tới năm 2100, vùng ven biển sẽ có ít nhất một đợt tăng mực nước biển cả thế kỷ mới xảy ra một lần.
Các nhà khoa học không thể loại trừ kịch bản cực đoan là mực nước biển tăng hơn 15m tới năm 2300, nếu các sự kiện bùng phát kích hoạt tình trạng ấm dần lên nhanh hơn.
Nhân loại đang cạn thời gian
Đạt mục tiêu 1,5 độ C theo hiệp định khí hậu Paris sẽ đòi hỏi chúng ta phải gắn với “ngân sách carbon”, thuật ngữ mô tả lượng carbon có thể được thải thêm vào bầu khí quyển sao cho mục tiêu đó không ngoài tầm với.
Video người dân Hy Lạp tháo chạy khỏi cháy rừng (nguồn: Guardian):
Thế giới đang trên đà sử dụng hết “ngân sách” này chỉ trong một thập kỷ nữa.
Với 2,4 nghìn tỷ tấn CO2 bị thải vào bầu khí quyển từ giữa những năm 1800, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1 độ C. Điều này có nghĩa là chỉ có thể thải thêm 400 tỷ tấn CO2 nữa vào bầu khí quyển là hết “ngân sách carbon”. Tổng lượng khí thải toàn cầu đang là trên 40 tỷ tấn/năm.