Bản chất cuộc khủng hoảng ở châu Âu: Chính trị chứ không phải tài chính

Theo mạng tin Economywatch ngày 28/11, Liên minh châu Âu (EU) đang đối diện với thử thách lớn nhất từ trước đến nay. Mặc dù cuộc khủng hoảng ở châu Âu sắp tới sẽ tập trung tại Tây Ban Nha hay Italia, song đến năm 2015, bức tranh chính trị của châu Âu sẽ thay đổi mạnh, với sự xuất hiện của các đảng, cá nhân và giá trị mới. Do vậy, câu hỏi thực sự không phải là cuộc khủng hoảng tài chính sẽ diễn biến ra sao, mà là liệu EU có tồn tại được hay không.

Dựa vào bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay tại châu Âu, như tình hình đang diễn ra tại Hy Lạp, giới lãnh đạo châu Âu chỉ có thể cứu vãn sự tồn tại của EU và các lợi ích của họ bằng việc chuyển phí tổn cứu trợ các nền kinh tế đang gặp khó khăn cho dân chúng. Các nước chủ nợ như Đức cũng phải gánh chịu chi phí này và chia sẻ với các công dân của họ bởi vì các ngân hàng Đức không thể gánh nổi khoản thua lỗ, và giống như các ngân hàng Pháp, họ sẽ cần được tái cấp vốn, có nghĩa là những người đóng thuế phải chịu chi phí này.

EU đã được thành lập để tạo ra sự phồn vinh vĩnh viễn và ngăn chặn chiến tranh tại châu Âu. Việc không thực hiện được một trong hai hứa hẹn trên đang phá hủy tính hợp pháp của kế hoạch này. Nếu cái giá của việc duy trì EU là sự suy giảm mạnh mức sống của người châu Âu thì luận cứ ủng hộ việc duy trì sự tồn tại của EU sẽ suy yếu. Điều quan trọng không kém là nếu kế hoạch xây dựng EU bị xem là thất bại do sự thất bại của giới cầm quyền, và giới chóp bu đang bị coi là đang bảo vệ EU để duy trì lợi ích của họ, thì cam kết của người dân châu Âu đối với EU sẽ giảm sút. Ngày càng có nhiều người châu Âu tin rằng cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được xử lý trong nội bộ những cấu trúc hiện thời của EU. Việc mất phần nào chủ quyền vì sự phồn vinh hơn có thể được chấp nhận tại châu Âu, nhưng việc mất chủ quyền để trả các khoản nợ cho các ngân hàng châu Âu thì khó được chấp nhận hơn nhiều.

Tất cả những điều trên diễn ra vào thời điểm thái độ chống người nhập cư, nhất là người Hồi giáo, đang lan tràn tại châu Âu. Tại một số quốc gia, sự tức giận ngày càng tăng đang hướng về EU và các chính sách biên giới của liên minh này cũng như giới lãnh đạo chóp bu của EU. Họ là những người đã sử dụng chính sách nhập cư để thúc đẩy kinh tế, trong khi chính sách này đang tạo ra những căng thẳng về cả kinh tế lẫn văn hóa với người dân bản địa. Vì vậy, vấn đề nhập cư bắt đầu được gắn với những khái niệm chung của EU, dẫn tới những mâu thuẫn về kinh tế và văn hóa cơ bản giữa người dân và giới chóp bu cầm quyền tại châu Âu.

Nhiều cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tại châu Âu trong các năm 2012 và 2013, trong đó có cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2012 và cuộc bầu cử quốc hội Đức vào năm 2013, sẽ là các cuộc quyết đấu giữa những đảng truyền thống, đang chi phối châu Âu từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II ở phía Tây và sau năm 1989 ở phía Đông, với các đảng mới chống EU có thể được thành lập, hoặc các phái chống EU trong nội bộ các đảng hiện nay. Do vậy sự tồn tại của EU đang phụ thuộc vào việc liệu giới lãnh đạo châu Âu có thể duy trì được tính hợp pháp của họ hay không. Tính hợp pháp này sẽ không mất đi một cách đột ngột, mà trong một tiến trình thử thách chưa từng có. Người ta cũng khó thấy cách thức mà giới chóp bu chính trị có thể duy trì tính hợp pháp này. Bức tranh chính trị châu Âu chắc chắn sẽ thay đổi mạnh trong vài năm tới. Phạm vi những khó khăn của châu Âu đang vượt xa khỏi lĩnh vực tài chính.

Cuộc khủng hoảng ở châu Âu là cuộc khủng hoảng chủ quyền, bản sắc văn hóa và tính hợp pháp của giới chóp bu cầm quyền. Cuộc khủng hoảng tài chính đang có một số hậu quả xấu. Bất chấp việc châu Âu lựa chọn giải pháp nào, ảnh hưởng đối với hệ thống chính trị đều sẽ rất lớn.


Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN