Những hình ảnh này không chỉ cung cấp dữ liệu quan trọng về quần thể mà còn góp phần tăng sự kết nối giữa con người và loài động vật lớn nhất thuộc họ mèo, thu hút mọi người tham gia các nỗ lực bảo tồn. Đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ cho thấy sức mạnh của công nghệ trong việc bảo tồn động thực vật hoang dã.
Động thực vật hoang dã cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người trên Trái Đất khi đáp ứng các nhu cầu từ thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men, nhà ở cho đến quần áo. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, môi trường sống bị phá hoại, nạn khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên đẩy 1 triệu loài động, thực vật hoang dã đến bờ tuyệt chủng. Điều này cũng đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và sinh kế của hàng tỷ người trên Trái Đất, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới (3/3) là dịp để “tôn vinh” vẻ đẹp cũng như sự đa dạng của thiên nhiên và nâng cao nhận thức về những lợi ích to lớn của công tác bảo tồn động, thực vật đối với con người. Đây cũng là dịp nhắc nhở con người cần khẩn trương hành động để chống lại tội phạm buôn bán động, thực vật hoang dã và ngăn sự suy giảm số lượng các loài.
Năm nay, Ban thư ký Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) quyết định chọn chủ đề cho ngày này là: “Kết nối con người và hành tinh: Khám phá sự đổi mới kỹ thuật số trong bảo tồn động thực vật hoang dã”. Với chủ đề này, sự kiện đề cao những ứng dụng mới nhất của công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động bảo tồn, buôn bán động thực vật hoang dã, cũng như tác động của những biện pháp can thiệp bằng kỹ thuật số đối với các hệ sinh thái và cộng đồng trên thế giới. Thông qua nhiều hoạt động, Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới năm 2024 sẽ khám phá sự đổi mới công nghệ, nêu bật cách các dịch vụ và công nghệ số hóa bảo tồn có thể hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn động, thực vật hoang dã, sự tồn tại song hành giữa con người và động, thực vật hoang dã cho thế hệ hôm nay và mai sau trong một thế giới ngày càng kết nối.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số hiện nay đang giúp phá vỡ các rào cản để tiến tới chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm, cũng như đem lại cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Các công nghệ tiên tiến đang được ứng dụng rộng rãi vào đời sống con người, trong hoạt động thương mại và bảo tồn động thực vật hoang dã, trở thành một phần không thể thiếu để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030.
Công nghệ giúp tăng khả năng kết nối mọi người ở mọi độ tuổi, giới tính và điều kiện địa phương, giúp họ tham gia các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, hài hòa với điều kiện sống của con người. Nhiều sáng kiến do phụ nữ và người bản địa dẫn đầu và tìm cách ứng dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu hệ sinh thái, các điều kiện địa phương và sinh kế của họ. Các hệ thống tài chính và dịch vụ số hóa tăng cường giải pháp tài chính toàn diện, kết nối các cá nhân và tổ chức với các phương tiện tài chính để tạo thu nhập và hoàn thành các mục tiêu bảo tồn. Hệ thống cấp phép điện tử của CITES giúp ngăn chặn buôn bán trái phép động, thực vật. Trong khi đó, bằng cách đổi mới các công nghệ giúp nghiên cứu và truyền thông dựa trên dữ liệu hiệu quả hơn, các nhà khoa học có thể dễ dàng chia sẻ thông tin, xác định, giám sát, chụp ảnh và theo dõi các quần thể động, thực vật hoang dã dưới nước và trên cạn ở quy mô lớn, đồng thời cải thiện tính bền vững của các hoạt động đánh bắt và nông nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho con người và hành tinh.
Đổi mới công nghệ đang thay đổi cách bảo tồn sự đa dạng sinh học. Các ứng dụng mang tính đột phá hiện giúp con người có thể phân biệt các loài hổ khác nhau chỉ trong vài giây. Máy bay không người lái giúp các nhà nghiên cứu tìm kiếm ở các khu vực rộng lớn để xác định vị trí làm tổ của rùa biển, hay giúp theo dõi liên tục loài tê giác một sừng quý hiếm được bảo tồn ở Vườn quốc gia Kaz Kazngnga (Ấn Độ). Hệ thống theo dõi tiên tiến, phân tích dữ liệu thời gian thực và các giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) cung cấp cho các nhà bảo tồn trên thế giới những công cụ chưa từng có để giúp xác định, giám sát, theo dõi và cuối cùng là bảo vệ động, thực vật hoang dã. Đơn cử như Công cụ báo cáo và giám sát không gian (SMART) hiện được sử dụng tại 2.000 địa điểm trên toàn cầu để theo dõi quần thể voi, báo tuyết, tê giác, cá heo... Việc ứng dụng SMART đã giúp giảm hơn 70% số vụ săn bắn trái phép tại Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara (Kenya). Công cụ này cũng đã được triển khai ở hơn 40 khu rừng đặc dụng và phòng hộ tại Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả lực lượng kiểm lâm. Nhờ ứng dụng AI
Tuy nhiên, mục tiêu số hóa toàn cầu năm 2030 vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua. Khoảng cách “số hóa” đang dần thu hẹp, với khả năng kết nối tốt hơn và dân số được truy cập Internet đạt 66% trên toàn cầu, tuy nhiên, khoảng 2,7 tỷ người trên Trái Đất vẫn “ngoại tuyến”. Trung bình, chỉ có 36% dân số tại các nước kém phát triển nhất và các nước đang phát triển không giáp biển sử dụng mạng Internet. Thống kê cho thấy phụ nữ tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình ít có cơ hội sử dụng mạng Internet hơn so với nam giới. Các công nghệ số hóa đôi khi lại bị lợi dụng vào mục đích xấu như buôn bán trái phép trên mạng các loài động vật được bảo vệ.
Trong thông điệp nhân Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ khi được sử dụng một cách có trách nhiệm, bền vững và công bằng, các công nghệ kỹ thuật số có tiềm năng cách mạng hóa công tác bảo tồn. Tuy nhiên, đây chỉ là những công cụ hỗ trợ, chứ không phải là giải pháp toàn diện. Ông Guterres nhấn mạnh con người vẫn cần các nỗ lực phối hợp giữa các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân nhằm đẩy lùi nguy cơ tuyệt chủng của các loài động, thực vật hoang dã trên hành tinh và xây dựng một tương lai bền vững. Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định: “Chúng ta phụ thuộc vào thiên nhiên. Hãy cho thấy thiên nhiên có thể phụ thuộc vào chúng ta và hành động ngay lúc này để bảo vệ thiên nhiên”.