Ba lựa chọn của Mỹ nếu can dự vào Syria

Nước Mỹ có lý do để kiềm chế khi cuộc khủng hoảng ở Syria tiếp tục diễn ra nhưng Washington đang chịu sức ép ngày càng tăng từ cả trong nước và quốc tế đòi Mỹ phải can dự vào cuộc khủng hoảng này.


Syria vẫn đang chìm trong bạo lực. Ảnh chụp một vụ nổ ở thủ đô Damascus ngày 30/4. Ảnh: AFP/TTXVN.


Chính quyền Obama không muốn các kho vũ khí hóa học của Syria rơi vào tay lực lượng khủng bố hoặc được sử dụng trong cuộc xung đột hiện nay. Nhưng việc loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa vũ khí hóa học sẽ đòi hỏi việc can thiệp quân sự trên bộ với quy mô lớn, điều mà Mỹ đang cố tránh. Washington có thể buộc phải tìm cách can thiệp mà không phải đưa binh sỹ của mình vào nơi này. Theo mạng tin tình báo Stratfor, ông Obama sẽ có 3 lựa chọn nếu can dự vào Syria.


Lựa chọn thứ nhất là khả năng can thiệp trực tiếp nhưng hạn chế thông qua việc thiết lập một vùng cấm bay. Điều này đòi hỏi quân đội Mỹ phải tiến hành một chiến dịch không kích quy mô lớn trước khi triển khai các máy bay tuần tra để thực thi lệnh cấm này. Thiết lập được khu vực cấm bay sẽ lấy đi lợi thế lớn nhất của quân đội chính phủ Syria, tạo điều kiện cho các lực lượng nổi dậy đẩy mạnh chiến dịch trên mặt đất. Tuy nhiên, để thành công trong lựa chọn này, Mỹ cần sự đoàn kết và thống nhất giữa các lực lượng nổi dậy, điều mà tới nay Mỹ và phương Tây chưa làm được. Một rủi ro nữa là không loại trừ các phe nhóm cực đoan có thể lợi dụng xây dựng vùng lãnh thổ cho phe nhóm mình, dẫn tới một cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Ngoài ra, kế hoạch này cũng sẽ không giải quyết được vấn đề vũ khí hóa học mà vẫn gây nguy hiểm cho binh sỹ Mỹ vì phải tham gia chiến dịch kéo dài.


Lựa chọn thứ hai của Obama là thực hiện một chiến dịch tấn công có lựa chọn sử dụng máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo. Cuộc tấn công kiểu này gần giống với chiến dịch “Con cáo sa mạc” (vụ ném bom Iraq năm 1998) nhằm bắn tín hiệu rõ ràng tới Syria mà không phải phơi lực lượng Mỹ trong một chiến dịch kéo dài như thiết lập vùng cấm bay. Nếu Washington muốn giải quyết vấn đề vũ khí hóa học, họ có thể trực tiếp tấn công các cơ sở chứa các loại vũ khí này, nhưng điều đó cũng dễ làm ô nhiễm các khu vực dân cư xung quanh. Thêm vào đó, tính hiệu quả của các cuộc tấn công này phụ thuộc phần lớn vào thông tin tình báo chính xác, điều mà Mỹ hiện chưa có.


Lựa chọn thứ ba, mà theo dư luận gần đây cho rằng đang nhận được sự cân nhắc nhiều nhất từ chính quyền Obama, là việc cung cấp trực tiếp các loại vũ khí sát thương cho quân nổi dậy. Mỹ có các hệ thống vũ khí hiện đại như tên lửa chống tăng dẫn đường và tên lửa đất đối không, những thứ mà quân nổi dậy đang rất cần. Tuy nhiên, quân nổi dậy nếu được trang bị vũ khí cần phải được tin tưởng, huấn luyện để có khả năng kiểm soát các hệ thống vũ khí hiện đại này của Mỹ, bao gồm cả vũ khí hóa học mà họ có thể sở hữu. Một khi các loại vũ khí này rơi vào tay quân nổi dậy, sẽ cực khó để lấy lại chúng. Điều này nhắc Mỹ nhớ lại các chương trình trang bị vũ khí tương tự ở Afghanistan những năm 80 của thế kỷ trước, kế hoạch đã để lại hậu quả nghiêm trọng qua nhiều thập kỷ.


Cuộc nội chiến ở Syria vô cùng phức tạp và không có giải pháp dễ dàng nào cho chính quyền Mỹ. Mỹ muốn kéo dài việc kiểm soát gián tiếp tình hình hiện nay càng lâu càng tốt, nhưng chiến lược này khó có thể trụ vững. Khi cuộc chiến leo thang, sức ép từ trong nước và quốc tế đối với chính quyền Mỹ vì thế cũng tăng theo và tới thời điểm này theo nhiều luồng dư luận, ba lựa chọn trên đây đang được Washington cân nhắc.


TTXVN/Tin Tức

Mỹ tuyên bố có thể vũ trang cho phe đối lập Syria
Mỹ tuyên bố có thể vũ trang cho phe đối lập Syria

Trả lời câu hỏi trực tiếp rằng liệu Washington có "nghĩ lại lập trường phản đối vũ trang cho quân nổi dậy Syria, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã nói "Có".

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN