Tin tức về việc vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào quốc gia này. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, việc chấm dứt tình trạng đổ máu đang diễn ra ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề và khó khăn.
Người dân Syria tại trại tị nạn Al Zaatri ở thành phố Mafraq, Jordan ngày 30/4/2013. Ảnh : Xinhua/TTXVN |
Tổng thống Mỹ Barack Obama liên tục nói rằng việc (chính quyền Syria) sử dụng vũ khí hóa học sẽ vượt quá "giới hạn đỏ" và có thể khiến Mỹ can thiệp quân sự ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, ngày 30/4, ông Obama đã phát tín hiệu cho thấy ông không vội vã phản ứng trước những thông tin trên, ngược lại, ông còn đưa ra cách tiếp cận khá thận trọng đối với cuộc nội chiến ở Syria. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói rằng ông cần phải thu thập thêm bằng chứng về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Một số chuyên gia cho rằng cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở Syria có thể là một chiến dịch kéo dài và vất vả, chứ không mau lẹ và dễ dàng như chiến dịch do phương Tây đứng đầu năm 2011 ở Libya. Trong khi đó, một số ý kiến còn khẳng định bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ vào Syria rốt cuộc cũng sẽ thất bại.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Tình báo Toàn cầu Stratfor George Friedman ngày 30/4 viết trên trang web của công ty rằng, sự can thiệp của Mỹ sẽ đơn thuần đẩy thêm một lực lượng khác vào cuộc xung đột chứ không chấm dứt được tình trạng đổ máu tại Syria. Ông Friedman lập luận: "Mỹ, cùng các đồng minh châu Âu, không có đủ lực lượng cần thiết để chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria. Nếu Mỹ tiến hành can thiệp quân sự, nước này sẽ chỉ bị quy trách nhiệm gây đổ máu chứ không đạt được bất kỳ mục tiêu chiến lược nào".
Ông Friedman cho biết trên thực tế, qua hai cuộc chiến tranh hao tiền tốn của ở Iraq và Afghanistan, Mỹ đã nhận ra rằng việc phá hủy một chính phủ tương đối dễ, nhưng việc áp đặt nền dân chủ theo kiểu phương Tây khó hơn nhiều, nếu không muốn nói là không thể. Ông nhấn mạnh: "Còn có nhiều cái nằm ngoài sức mạnh quân sự của Mỹ. Việc tạo ra các nền dân chủ lập hiến thông qua hành động xâm lược là một trong số đó". Theo ông, việc chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria sẽ đồng nghĩa với việc sử dụng "sức mạnh vượt trội", mà điều đó cũng sẽ gây ra những thương vong "vô cùng lớn". Ông khẳng định: "Người ngoài không thể làm thay đổi văn hóa chính trị của một nước trừ phi họ sẵn sàng hủy hoại nó, như những gì đã diễn ra tại Đức và Nhật Bản".
Tuy nhiên, việc chính quyền Obama theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tại Syria làm dấy lên tin đồn Mỹ sẽ thiết lập một vùng cấm bay ở nước này, giống như những gì đã diễn ra ở Libi trước khi nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi bị lật đổ. Những lựa chọn được đưa ra gồm không kích các cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học, hoặc tấn công máy bay chiến đấu của Syria, hoặc tấn công các địa điểm pháo binh hạng nặng. Tuy nhiên, trao đổi với Tân Hoa Xã, học giả Wayne White của Viện Trung Đông cho biết, hệ thống phòng không của Syria khá tân tiến, đủ để gây ra những rủi ro lớn cho máy bay và phi hành đoàn của NATO.
Ông cũng lưu ý rằng hầu hết các mục tiêu ở Syria nằm sâu trong nội địa, khiến cho các phi công của Mỹ hoặc quân đồng minh dễ dàng bị hệ thống phòng thủ chống máy bay của Syria phát hiện và làm tăng khả năng các phi công của quân đồng minh bị bắt giữ.
Địa hình của Syria khác hẳn Libya. Hơn thế nữa, ông White - trước đây là Phó Giám đốc của Văn phòng Tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ - cho biết việc thiết lập vùng cấm bay sẽ không ngăn được các đơn vị chiến đấu trên bộ của Syria tiến hành các vụ tấn công sát thương bằng vũ khí hóa học. Các lựa chọn khác bao gồm: Tiến hành các chiến dịch chung cùng một số đối tác nhằm cung cấp vũ khí cho những lực lượng nổi dậy không liên kết với những kẻ cực đoan Hồi giáo, tuy nhiên, lựa chọn này sẽ vấp phải nhiều trở ngại. Ông White cho rằng các nhóm nổi dậy có ảnh hưởng nhất ở Syria đều đã trở thành những kẻ cực đoan Hồi giáo. Trong 12 - 15 tháng qua, nhiều nhóm đã công khai liên kết với al-Qaeda, làm gia tăng lo ngại về khả năng các vũ khí này rơi vào tay của những phiến quân Hồi giáo.
TTK