Ba Lan trên tuyến đầu của khủng hoảng Ukraine-Kỳ 1: Bế tắc chiến lược với Nga

Ba Lan là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi những thay đổi trong môi trường an ninh toàn cầu và khu vực từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Những bất ổn ngày càng tăng ở Ukraine, những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực trong mối quan hệ song phương với Moskva và những phản ứng quốc tế “nhập nhằng” về sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga cũng như cuộc bầu cử mới được tổ chức gần đây ở khu vực Donbass đang đặt ra những thách thức lớn đối với Vacsava (Warsaw).

Tình hình khó dự đoán ở miền Đông Ukraine

Mối đe dọa cơ bản nhất đối với Ba Lan là liên quan đến sự bất ổn và khó đoán định ngày càng tăng về tình hình ở Ukraine. Cuộc xung đột giữa Kiev với phe ly khai và Nga đã lắng dịu hiện nay nhưng có thể sẽ bùng phát bất cứ lúc nào, vì không ai trong các bên liên quan hoàn toàn đạt được các mục tiêu chiến lược riêng của họ. Tồi tệ hơn, diễn biến tiếp theo trong cuộc khủng hoảng Ukraine rất có thể sẽ bị chi phối bởi một loạt các nhân tố khác.

Tổng thống Ukraine Poroshenko (trái) và Thủ tướng Ba Lan Donald Franciszek Tusk.


Nền kinh tế của Ukraine vẫn còn rất mong manh và tiếp tục có chiều hướng xấu đi, điều mà cuối cùng có thể là chất xúc tác dẫn đến những bất ổn xã hội, khuyến kích chủ nghĩa dân túy và dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Cuộc xung đột cũng dẫn đến việc tạo ra các nhóm bán vũ trang phức tạp, thường theo đuổi những chương trình nghị sự chính trị của riêng mình, hoạt động ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Một số nhóm này thực sự có những mối quan hệ căng thẳng với chính quyền ở Kiev, và có thể theo đuổi những mục tiêu của riêng họ một cách cực đoan thông qua việc sử dụng vũ lực.

Vì có vị trí địa lý gần gũi và chung đường biên giới dài 529km với Ukraine nên về mặt tự nhiên, cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng luôn có nguy cơ lan rộng sang Ba Lan. Các nhà hoạch định chiến lược ở Vacsava hiện phải đối mặt với một vùng xám bất ổn và khó dự báo tiềm tàng dọc khu vực trên.

Căng thẳng với Nga

Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ba Lan. Sự đối đầu giữa hai quốc gia đang ngày càng tăng lên trong một loạt các vấn đề. Trao đổi kinh tế bị cản trở vì các lệnh trừng phạt, đối thoại chính trị bị gián đoạn trong các diễn đàn cả song phương và đa phương, quan hệ quân sự cũng đang trong thế đối đầu khi cả hai bên đang coi nhau là đối thủ. Ngoài ra, hai bên cũng có cách hiểu khác nhau về các vấn đề lịch sử và thận chí những sáng kiến văn hóa cấp cao, nhìn bề ngoài dường như phi chính trị bị hủy bỏ. Tình hình đang rơi vào thế bế tắc về chính trị và chiến lược, nơi mà cả hai bên đang bị mắc kẹt vào một cuộc xung đột với quy mô và phạm vi ngày càng tăng.

Tình huống trên, mặc dù ảnh hưởng đến cả hai nước, nhưng đặt Ba Lan vào thế bất lợi hơn vì nước này có sự chênh lệch tương đối về các nguồn lực so với Nga. Trên thực tế, một cuộc xung đột toàn diện với Nga có thể hạn chế khả năng của Ba Lan để theo đuổi những mục tiêu chính sách đối ngoại khác của nước này vì Vacsava có lẽ cần phải tìm kiếm sự ủng hộ chính trị quốc tế lâu dài để bù đắp vào khoảng cách chênh lệch so với Moskva. 

Bị coi là “một quốc gia không ủng hộ Nga nhưng lại thiếu khách quan và thiện chí” có thể sẽ làm nản lòng các đối tác chính trị ủng hộ những sáng kiến khu vực của Ba Lan vì lo ngại Moskva sẽ phản ứng. Thực tế, nó cũng hạn chế vai trò của Vacsava trong bất kỳ cuộc đàm phán đa phương nào liên quan đến Nga, bởi vì bị cho là “thiên vị”. 

Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Ba Lan và Nga.


Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng dẫn đến những thay đổi địa chính trị tiêu cực đối với Ba Lan vì nước này rất có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và phương Tây. Quan trọng hơn, mối quan hệ ngày càng đối đầu với Nga đã khiến Ba Lan trở thành tiền tuyến trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này rõ ràng là đặt Vacsava vào một vị trí bất lợi và có nguy cơ hứng chịu những hậu quả trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm năng nào với Moskva, có thể là trong hoặc ngoài khuôn khổ NATO. Mối quan hệ giữa Nga và Ba Lan càng trở nên đối đầu thì rủi ro sẽ ngày càng nhiều đối với Vacsava. 
 
Mâu thuẫn giữa các nước phương Tây 
 
Mặc dù cuộc khủng hoảng Ukraine đã không kiểm nghiệm được cam kết của NATO trong việc bảo vệ Ba Lan, tuy nhiên nó đã làm nổi bật sự mâu thuẫn lớn trong nhận thức về Nga như là “một mối đe dọa về an ninh”. Sự quan ngại và những lời kêu gọi NATO tăng cường triển khai binh sĩ thường trực của Vacsava đã chia rẽ liên minh này. Sự khác biệt trong nhận thức về các sự kiện ở Ukraine cho thấy một yếu tố không chắc chắn trong việc các đồng minh trong NATO sẽ phản ứng như thế nào trong tương lai, đặc biệt là trong trường hợp các tình huống mơ hồ về chính trị.
 
Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã chứng minh rằng Vacsava thiếu các đối tác trong khu vực, những nước sẵn sàng chia sẻ nhận thức và mối quan ngại về Nga. Nhóm Visegrad (gồm 4 quốc gia khu vực Trung Âu là CH Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia) đã thể hiện những quan điểm rất khác nhau về cuộc khủng hoảng Ukraine và để mặc Ba Lan một mình theo đuổi phản ứng cứng rắn đối với Moskva. Mặc dù cuộc khủng hoảng đã không ngăn cản các thỏa thuận hợp tác trong khối Visegrad, nhưng rõ ràng là điều đó cho thấy khối này không có một nền tảng phù hợp để phát triển thành một liên minh chính trị-quân sự, đặc biệt là trở thành một khối thống nhất để đối đầu với Nga. 

Đức cũng đã đưa ra những thông điệp lẫn lộn liên quan đến cuộc khủng hoảng này. Berlin thể hiện quan điểm ôn hòa hơn với Nga vốn không như mong muốn của Vacsava và thậm chí trong một số trường hợp, Đức còn trực tiếp phản đối sáng kiến của Ba Lan.  

Ba Lan dường như đã nhận thấy vai trò chính trị của mình bị giảm vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khi mà nước này không được tham dự trong một loạt các cuộc họp ngoại giao cấp cao về vấn đề Ukraine diễn ra trong mùa hè vừa qua. Điều đó thể hiện rằng cả Moskva, Berlin và Paris đã không xem trọng vai trò chính trị của Ba Lan trong các cuộc đàm phán. Về phía Kiev, Vacsava vẫn là một đối tác quan trọng nhưng không phải là một bên chủ yếu, nhưng ảnh hưởng của Berlin, Brussels, Moskva, Paris và Washington luôn lớn hơn. Kinh nghiệm này nên được sử dụng để thiết lập mục tiêu và kỳ vọng thực tế về vai trò của Ba Lan như là một nhân tố chính trị trong không gian hậu Xô-viết.


Công Thuận(còn tiếp)

Ba Lan mua tên lửa tầm ngắn do căng thẳng với Nga
Ba Lan mua tên lửa tầm ngắn do căng thẳng với Nga

Ba Lan đã mời các nhà sản xuất tên lửa đất đối không tầm ngắn tham gia hội thảo về công nghệ liên quan tới kế hoạch tân trang cho quân đội quốc gia này trong bối cảnh căng thẳng với Nga leo thang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN