Một là, nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden không bao giờ chấp nhận đánh đổi giữa ưu tiên an ninh với thương mại – đúng như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton từng nói. Kế đến, chính sách thương mại của Mỹ sẽ hướng đến cắt giảm và kiểm soát chặt mất cân bằng thương mại. Cuối cùng, ông Biden có thể dựng lên một khung hợp tác hẹp hơn mang tính bắt buộc giữa các công ty của Mỹ và Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ nắm quyền của ông Trump, Trung Quốc là người được lợi trên cả hai hướng. Thứ nhất, Tổng thống Mỹ là người “ưa thích” mẫu lãnh đạo quyền lực như Chủ tịch Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Kế đến, ông Trump gần như là Tổng thống Mỹ đầu tiên muốn kết hợp hai luồng chính sách hoàn toàn khác biệt với nhau trong một tổng thể chiến lược - đó là giữa an ninh và thương mại.
Xu hướng “đánh đổi” giữa an ninh và thương mại thể hiện rõ qua việc ông Trump đã như rút lại gần như toàn bộ đòn trừng phạt cứng rắn nhằm vào tập đoàn ZTE trước đó, với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên.
Theo mô tả của ông Bolton, quyết định đảo ngược này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình. Tại đó, Chủ tịch Trung Quốc gợi ý sẽ “tạo lợi thế cho ông Trump” trong đàm phán thương mại nếu như Mỹ rút trừng phạt ZTE. Ông Trump sau đó làm đúng như vậy – đánh đổi tính toán về an ninh để lấy ưu thế thương mại.
Cũng chính bằng phương pháp “thẩm thấu” cá nhân này, ông Tập đã đưa ra một số cam kết mơ hồ về việc Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu một số mặt hàng, sản phẩm của Mỹ, đẩy ông Trump vào tình thế ngập ngừng, dừng đòn áp thuế nhanh, toàn diện như dự tính trước đó nhằm vào một “người khổng lồ” khác trong ngành viễn thông của Trung Quốc là tập đoàn Huawei - thực thể bị Washington coi là “đe dọa an ninh”.
Chính quyền Mỹ dưới thời Joe Biden trong giai đoạn đầu sẽ chọn cách tiếp cận gây sức ép cứng rắn. Điểm khác biệt nằm ở chỗ sẽ không có cơ hội cho ông Tập Cận Bình diễn lại lá bài dùng cam kết thương mại mơ hồ để đẩy lui biện pháp trấn áp về an ninh nhằm vào các công ty, thực thể Trung Quốc.
Theo Mehrdad Emadi, Giám đốc công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Betamatrix có trụ sở ở Anh, thương mại – mà trọng tâm là tạo lập cân bằng trong cán cân thương mại Mỹ-Trung, sẽ là điểm trung tâm trong đối sách của ông Biden về Trung Quốc. Nhưng mọi xem xét, tính toán về an ninh sẽ được tách riêng, cả chính sách đối ngoại, không được phép lẫn với nghị trình thương mại.
Cũng theo các nguồn tin ẩn danh ở Washington, London và Trung Đông, ngay sau thời điểm ông Joe Biden nhậm chức, các công ty Mỹ sẽ không còn được phép ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc trong đó có điều khoản chia sẻ công nghệ.
Chính sách ép buộc chuyển giao công nghệ mà Trung Quốc áp dụng với các công ty Mỹ mở hoạt động đầu tư, kinh doanh tại đại lục đã giúp Bắc Kinh nắm được bí quyết kinh doanh và chuyển thành tài sản của riêng mình, bán hàng hóa quay ngược trở lại Mỹ và phần còn lại của thế giới với mức giá rẻ hơn, nhờ giá nhân công thấp, từ đó tạo ra thặng dư thương mại kỉ lục với Mỹ và đa số các nước.
Điểm then chốt trong chương trình nghị sự của ông Biden sẽ là xử lý mất cân bằng thương mại Mỹ-Trung theo cách thức dài hạn hơn, như cách Mỹ từng làm với Nhật Bản trước đây trong những năm 1980. Ông Emadi đánh giá, Mỹ dưới thời Joe Biden sẽ tập trung chỉnh sửa cấu trúc thương mại song phương dài hạn gắn với tình trạng mất cân bằng kéo dài nhiều thập kỉ qua mà các đòn chống trợ cấp xuất khẩu, chặn phá giá đồng nhân dân tệ hay phá rào cản về nhập khẩu Mỹ áp dụng ít mang lại kết quả.
Thay vào đó, chính quyền của ông Joe Biden sẽ áp đặt một tỉ lệ cứng về mức thâm hụt ngân sách trên tổng GDP của Mỹ tính theo chu kỳ 5 năm – một số nguồn tin tiết lộ. Tỉ lệ đó có thể sẽ ở mức dưới 4,85% trên GDP cho bất kỳ năm nào trong chu kỳ. Hiện nay, thâm hụt của Mỹ trước Trung Quốc trong thời hạn 5 năm rơi vào khoảng 1.390 tỉ USD, với thâm hụt ở mức 6,48% GDP (2019), 6,76% GDP (2018) và 7,13% GDP (2017). Với mức 4,85% được đem vào áp dụng, thâm hụt thương mại của Mỹ trước Trung Quốc chỉ rơi vào khoảng 170 tỉ USD/năm cho chu kỳ vừa qua.