Australia sẵn sàng không kích Syria?

Thủ tướng Australia Tony Abbott đã xác nhận việc Mỹ chính thức đề nghị Australia tăng cường tham gia các hoạt động tác chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, và Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) có thể sẽ tiến hành không kích vào lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Australia có nên làm như vậy?

Nếu Mỹ gây áp lực, nhiều khả năng Australia sẽ chấp thuận mở rộng hoạt động chống IS. Do có quan hệ thân thiết với Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai, Australia hiếm khi từ chối các yêu cầu hỗ trợ về mặt quân sự từ "vị ân nhân đầy quyền lực" của mình. Ngày 26/8, Phó Đô đốc David Johnston - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy tác chiến hỗn hợp Australia ở Trung Đông - cho biết Chính phủ của Thủ tướng Abbott đã xem xét vấn đề này như một nghĩa vụ.

Hiện trường vụ đánh bom tại quận al - Antariyeh của thành phố Qamishli, miền Bắc Syria do IS tiến hành. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, ông Johnston cũng cho biết do căng thẳng leo thang, sự tham gia của Australia cũng khó có thể thay đổi được tình thế bởi điều này đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn. Sự tăng cường hiện diện của Australia góp phần làm tăng tính hợp pháp quốc tế và thể hiện sự đồng thuận với tinh thần của liên minh Australia - New Zealand - Mỹ (ANZUS). Tuy nhiên, việc có thêm một vài máy bay chiến đấu trên bầu trời Raqqa (Syria) chưa chắc đã giúp giảm bớt gánh nặng trách nhiệm cho không quân Mỹ - lực lượng chịu trách nhiệm chính trong chiến dịch không kích IS.

Nếu Australia tham gia không kích Syria, RAAF sẽ gặp ít rủi ro về mặt quân sự. IS không có năng lực đáp trả các cuộc oanh kích của liên minh mặc dù sở hữu những tên lửa đất đối không hạng nặng. Tuy nhiên, những máy bay chiến đấu này có thể gặp trục trặc và dẫn đến một hậu quả tồi tệ, như trường hợp phi công người Jordan Moaz al - Kasasbeh bị thiêu sống. Mặc dù vậy, một kịch bản như thế khó có thể xảy ra.

Ở Australia hiện nay, sự đồng thuận của dư luận về việc mở rộng vai trò trong cuộc chiến IS đang trở nên khó đoán định. Các cuộc thăm dò dư luận năm 2014 cho thấy đa số người được hỏi ủng hộ việc can thiệp chống IS, song số liệu gần đây cho thấy khoảng gần một nửa số người được hỏi không chấp nhận nước này mở rộng can dự vào Trung Đông. Trong khi đó, những cuộc thăm dò gần đây do Viện nghiên cứu Lowy và Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành cho thấy đa số người dân Australia coi IS là mối đe dọa lớn nhất.

Trong khi các hoạt động chống IS về hình thức là nhằm ủng hộ các phần tử nổi dậy có quan điểm ôn hòa trong phe đối lập ở Syria thì các báo cáo gần đây của nhóm phân tích Stratfor cho biết có thể Nga đang tham gia dàn xếp một thỏa hiệp chia sẻ quyền lực giữa các phe nhóm nổi dậy với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al - Assad. Điều này không phải là hoàn toàn tưởng tượng. Một số nhóm thuộc phe nổi dậy ở Syria có xu hướng coi những tay súng Hồi giáo cực đoan người nước ngoài là mối de dọa lớn hơn đối với chính quyền Assad. Nếu những đồn đoán này dẫn đến một thỏa hiệp thực sự, thì rốt cuộc, Liên minh phương Tây và Australia có thể sẽ buộc phải hỗ trợ một chính phủ liên minh bao gồm phần lớn thành viên thuộc chính quyền mà họ muốn xóa bỏ từ lâu.

Trên thực tế, IS hiện có sức ảnh hưởng và hấp dẫn lớn. Việc Australia gia tăng hoạt động quân sự, phần nhiều chỉ mang tính biểu tượng, sẽ không mang lại ảnh hưởng quan trọng đến thực trạng chiến trường vùng Cận đông. Thực tế chiến dịch không kích gần đây ở Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu cho thấy hiệu quả của hoạt động không kích còn phụ thuộc vào việc phối hợp với lực lượng tác chiến trên bộ để có thể mở rộng vùng kiểm soát. Liên quân Arập vùng Vịnh đã triển khai bộ binh tham gia chiến đấu với quân đội nước sở tại. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà Mỹ và những đồng minh của họ sẵn sàng thực hiện trong cuộc chiến chống IS.

Hơn nữa, những vấn đề căn bản liên quan đến IS không thể giải quyết bằng lối tư duy "hòa bình thông qua sức mạnh quân sự vượt trội". Các vụ hành quyết và các cuộc tấn công không chấm dứt được tình trạng nổi dậy vì các bên đều thất bại trong việc xác định nguyên nhân thực sự đã gây ra tình trạng này ở các nước Trung Đông, đó chính là sự quản lý yếu kém của các chính phủ sở tại.

Sao Băng (Theo “The Conversation", Australia)
IS phá hủy ngôi đền La Mã nổi tiếng ở Syria
IS phá hủy ngôi đền La Mã nổi tiếng ở Syria

Nhóm phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã phá hủy ngôi đền La Mã Bel nổi tiếng ở thành phố cổ Palmyra, miền Trung Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN