Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), hôm 11/8, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố New Zealand sẽ duy trì kiểm soát chặt biên giới trong năm nay, song hy vọng sẽ dần mở cửa trở lại nền kinh tế vào đầu năm 2022, sau khi nhóm cố vấn độc lập khuyến nghị nới lỏng các hạn chế một cách thận trọng với điều kiện tất cả người dân đủ điều kiện đều được tiêm chủng đầy đủ.
Khuyến nghị của nhóm cố vấn y tế công cộng COVID-19 cho rằng New Zealand bước đầu chỉ nên mở cửa trở lại cho những người đã tiêm phòng đầy đủ, cho phép mọi người thực hiện các chuyến đi ngắn ngày đến các quốc gia có nguy cơ thấp và trung bình. Các chuyên gia không nêu rõ mục tiêu tiêm chủng và khuyến nghị quốc gia này duy trì lập trường “không khoan nhượng” với COVID-19, ngay cả khi các biện pháp kiểm soát biên giới được nới lỏng.
Ông Michael Plank, Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago ở Wellington, mong đợi lộ trình mở cửa của Chính phủ Thủ tướng Ardern phải “hết sức thận trọng”.
“Cột mốc quan trọng sẽ là thời điểm mà tất cả người trưởng thành và trẻ em đủ điều kiện tiêm chủng đều được tiêm 2 liều vaccine Pfizer”, ông nói. “Chúng ta sẽ đạt được cột mốc này vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Diễn biến của đại dịch và hiểu biết của chúng ta về cách kiểm soát nó đang thay đổi liên tục, vì vậy việc không đưa ra các thời điểm quyết định khó khăn hàng tháng trong tương lai sẽ có lợi hơn”.
Giống như các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương khác như Australia, Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát biên giới cứng rắn để ngăn chặn đại dịch. Nước này đã triển khai các đợt phong toả nghiêm ngặt dù chỉ xảy ra một vài ổ dịch nhỏ, yêu cầu những công dân trở về phải cách ly 2 tuần tại cơ sở kiểm dịch do chính phủ quản lý.
Quốc gia 5 triệu dân này cũng được biết đến là một trong những khu vực có tỉ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới, chỉ với 26 trường hợp tử vong. Công dân New Zealand hầu hết vẫn được hưởng một cuộc sống bình thường trong suốt đại dịch. Ngoài ra, sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái, nền kinh tế nước này đã phục hồi mạnh mẽ, với GDP tăng 1,6% trong ba tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên, dù các biện pháp bảo vệ biên giới nghiêm ngặt đã giữ đất nước an toàn trước dịch COVID-19, chiến lược này đã khiến nhiều lĩnh vực chủ chốt, bao gồm du lịch và giáo dục quốc tế bị đóng băng. Tương tự như Australia và Hong Kong, quá trình tiêm chủng của New Zealand cũng bị tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển khác, với chỉ khoảng 20% người trưởng thành tiêm chủng đầy đủ. Một phần nguyên nhân do người dân quá tự tin cho rằng họ đang sống ở một nơi virus không phải là mối đe doạ nguy hiểm.
Theo bà Ardern, điều kiện để nới lỏng biên giới là đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng với mục tiêu toàn bộ đối tượng trong diện tiêm chủng tại nước này được tiêm vaccine vào cuối năm nay.
Tháng trước, Australia đã công bố kế hoạch nới lỏng dần các biện pháp phòng dịch sau khi 70% người trưởng thành được tiêm chủng và tái mở cửa biên giới cho các quốc gia “an toàn” sau khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 80%. Hiện nay, quốc gia này đang phải vật lộn với làn sóng dịch mới, với sự bùng phát của biến thể Delta nguy hiểm ở bang New South Wales và Victoria.
Hôm 9/8, Hong Kong cũng đã bắt đầu cho phép công dân đến từ các quốc gia khác đã được tiêm vaccine đầy đủ giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày, nhưng vẫn chưa cho biết thời điểm mở cửa rộng rãi.
Mặc dù chiến lược đối phó với COVID-19 của New Zealand đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng, nhưng một số người dân đã tỏ ra thất vọng với cách xử lý của chính phủ trong việc khắc phục hậu quả đại dịch.
Ông Neil Carr, Giáo sư tại khoa du lịch của Đại học Otago, cho biết ngành du lịch nói riêng đã gia tăng áp lực lên Chính phủ Thủ tướng Ardern trong việc tìm cách thoát khỏi đại dịch. Ông cho rằng việc không có du khách quốc tế đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào suy thoái. Họ rất mong muốn đón khách quốc tế trở lại.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Sir David Skegg, khuyến nghị chính phủ tiếp tục theo đuổi chiến lược loại bỏ COVID-19 đầy tham vọng của mình ngay cả khi mở cửa biên giới. Ông nhấn mạnh chiến lược này có nghĩa là coi việc loại bỏ COVID-19 là một quá trình chứ không phải là loại bỏ vĩnh viễn.
“Loại bỏ COVID-19 không có nghĩa là không còn khả năng lây lan virus. Phương pháp loại bỏ COVID-19 có nghĩa là 'nhổ tận gốc' ca mắc mới, thay vì mục tiêu không có trường hợp mới”, ông Skegg nói. Ông cũng cảnh báo rằng việc cho phép người dân đi lại mà không kiểm dịch sẽ làm tăng nguy cơ các biến thể COVID-19 xâm nhập vào cộng đồng. Thậm chí dù có tỉ lệ tiêm chủng cao, dịch bệnh vẫn có thể bùng phát.
Giáo sư Plank, nhà thống kê tại Đại học Canterbury, cũng cho biết ông hy vọng nhiều về một “kế hoạch mở cửa thận trọng hơn là một lộ trình chi tiết”.
“Tôi nghĩ rằng mọi người đều nhận thấy rằng việc đóng cửa biên giới đều phải trả giá và chúng ta không thể duy trì chiến lược ‘không COVID-19’ mãi mãi. Nhưng chúng ta cần phải thận trọng ít nhất cho đến khi tất cả mọi người đều có cơ hội được tiêm chủng”, ông nói. “Bài học từ New South Wales (Australia) đang cho thấy mở cửa trở lại quá sớm sẽ gặp khó khăn như thế nào trong việc kiểm soát sự bùng phát của đại dịch và mức độ quan trọng của việc ngăn chặn nó ra sao, trong bối cảnh biến thể Delta nguy hiểm lây lan rộng rãi”