Ấn Độ thách thức sự độc quyền năng lượng của Trung Quốc ở Trung Á

Trên thực tế, Trung Á là một khu vực nhận được sự ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ, bởi không chỉ có diện tích rộng lớn và nhiều sự kết nối với các nền văn minh cổ xưa, khu vực này còn có những lợi thế to lớn về kinh tế, an ninh và năng lượng.

Tuy nhiên, việc suốt một thời gian dài vừa qua, Trung Quốc tự do tăng cường sự hiện diện, cùng việc thiếu những kết nối trực tiếp giữa Ấn Độ và Trung Á, đã khiến khu vực này không còn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của New Delhi. Chính sách Kết nối Trung Á mà cựu Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ E.Ahamed công bố năm 2012 đã không thể tạo ra những động lực mới do các thách thức cố hữu này.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã giúp Ấn Độ vượt qua rào cản để kết nối với khu vực lân cận rộng lớn này. Chuyến thăm Trung Á vào năm 2015 và thăm Iran hồi tháng 5/2016 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ bắt đầu tiến trình gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cho thấy một sự thay đổi đáng chú ý trong quan hệ Ấn Độ và Trung Á. Trong khi chuyến thăm Trung Á của ông Modi là nhằm tìm kiếm các phương hướng hợp tác mới, thì việc Thủ tướng Ấn Độ ký kết Thỏa thuận Chabahar với Iran đã hồi sinh Chính sách Kết nối Trung Á của Ấn Độ với việc mở thêm nhiều tuyến đường giao thương qua Pakistan.

Lãnh đạo các quốc gia thuộc SCO chụp ảnh chung tại hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại thủ đô Taskent của Uzbekistan trong hai ngày 23-24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh mối quan hệ mới được củng cố về mặt chính trị và kinh tế với Trung Á, việc thúc đẩy quan hệ song phương bình đẳng với Iran và việc trở thành thành viên của SCO sẽ giúp Ấn Độ thúc đẩy các mục tiêu an ninh năng lượng, bằng cách đa dạng hóa nguồn cung từ Tây Á. Về mặt này, việc Ấn Độ tích cực tham gia Câu lạc bộ Năng lượng SCO, Liên minh Kinh tế Á - Âu và “Chiến lược Năng lượng châu Á” (theo đề xuất của Kazakhstan) có thể trở thành “nhân tố thay đổi cuộc chơi”.

Biết được giá trị của các nguồn năng lượng dồi dào ở khu vực này, SCO đã đưa ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Năng lượng SCO vào năm 2006 nhằm thúc đẩy hợp tác năng lượng sâu sắc hơn giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, cơ chế hợp tác với Trung Quốc trên thực tế rất kém hiệu quả, và điều này khiến câu lạc bộ này khó có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Nguyên nhân chính là bởi Trung Quốc không hứng thú với việc thiết lập và phát triển một trung tâm năng lượng trong khu vực. Mục tiêu của quốc gia này là tìm kiếm các nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của riêng nước này bằng cách quyết tâm mua lại các nguồn dầu mỏ và khí đốt.

Tư cách thành viên SCO cho phép Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo sự hợp tác về năng lượng sâu rộng và mạnh mẽ hơn giữa các nhà khai thác năng lượng và khách hàng, thông qua việc kết nối Trung Á và Nam Á. Điều này cũng tạo điều kiện để Iran linh hoạt hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển của Câu lạc bộ Năng lượng SCO khi trở thành trung tâm mua bán năng lượng với việc mở cảng Chabahar.

Sự phát triển của câu lạc bộ này sẽ giúp thúc đẩy một số dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng ở Trung Á và Iran, bao gồm đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ và Hành lang Vận tải Bắc Nam. Bên cạnh đó, câu lạc bộ này có thể tìm kiếm nguồn đầu tư nhằm đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực thủy điện và hóa dầu, các lĩnh vực mà Ấn Độ cũng có thế mạnh. Trong chuyến thăm Trung Á của ông Modi, Turkmenistan đã nhất trí mở rộng hợp tác năng lượng và học hỏi kinh nghiệm của các công ty dầu khí Ấn Độ về đào tạo, thiết kế, xây dựng, khai thác và sản xuất.

Kazakhstan, nước khai thác dầu mỏ và khí đốt lớn nhất Trung Á, cũng ủng hộ “Chiến lược Năng lượng Trung Á” nhằm đưa ra một giải pháp toàn diện cho vấn đề an ninh năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả khai thác năng lượng và bảo vệ môi trường. Xét tới khía cạnh này, CAR có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác sản sinh năng lượng sạch giữa các nước thành viên nói riêng và toàn khu vực nói chung.

Có thể nói, Trung Á, nơi từng chứng kiến sự cạnh tranh “một mất một còn” giữa nhiều quốc gia bên ngoài, có thể sẽ là một sân chơi hợp tác năng lượng sau khi Ấn Độ gia nhập SCO. Điều này chắc chắn sẽ nhận được phản ứng tích cực của nhiều quốc gia trong khu vực.
TTK
Trung Quốc không yên ổn ở Trung Á
Trung Quốc không yên ổn ở Trung Á

Báo Pháp Le Monde vừa có bài viết chú ý đến sự kiện đại sứ quán Trung Quốc ở Kyrgyzstan là mục tiêu của một vụ tấn công liều chết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN