8 điểm nóng có nguy cơ bùng phát xung đột năm 2017

Thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ. Sự gia tăng nhanh chóng những cuộc xung đột đang gây ra những hậu quả khôn lường, từ cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu đến sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố. Thất bại chung trong việc giải quyết xung đột đang tạo ra những mối đe dọa mới và cấp bách.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế Jean-Marie Guehenno, người từng là Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách về các hoạt động gìn giữ hòa bình giai đoạn 2000-2008 đã liệt kê những điểm nóng trên thế giới có nguy cơ bùng phát xung đột năm 2017 trên tờ Chính sách Đối ngoại (Mỹ) mới đây. Cụ thể:

1. Syria và Iraq

Sau gần 6 năm xung đột tại Syria, ước tính có 500.000 người thiệt mạng và 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hiện nay, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn đang nắm quyền, nhưng ngay cả với sự ủng hộ từ bên ngoài, các lực lượng của ông Assad cũng không thể kết thúc cuộc xung đột và giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước trong năm 2017, vì có nhiều bên liên quan, cả ở trong và ngoài nước, với những mục tiêu chiến lược khác nhau. Điều này được minh chứng trong việc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tái kiểm soát thành cổ Palmyra gần đây, chỉ 9 tháng sau khi một chiến dịch quân sự do Nga hậu thuẫn đã đánh bật IS ra khỏi khu vực này. 

Sau gần sáu năm xung đột tại Syria, ước tính có 500.000 người thiệt mạng, và 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Ảnh: FS

Tại Iraq, cuộc chiến chống IS đã làm xói mòn khả năng quản lý của nhà nước do bị hủy diệt rất lớn, thanh niên bị quân sự hóa, và một xã hội bị tổn thương. Nước này đã bị chia rẽ từ các đảng phái chính trị người Kurd và người Shiite, thành nhiều phe phái đối đối địch cùng các lực lượng bán quân sự phụ thuộc vào những nước ủng hộ trong khu vực, đồng thời cạnh tranh với nhau về các nguồn lực của Iraq. 

Thành công trong chiến dịch quân sự do Mỹ hậu thuẫn nhằm giành lại quyền kiểm soát Mosul gần đây, nếu không được quản lý, có thể trở thành thất bại. Bên cạnh quân đội chính quy Iraq, các lực lượng chống khủng bố đặc biệt, cảnh sát liên bang, các nhóm địa phương liên quan, đang đòi quyền lợi. Hơn nữa, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang cạnh tranh ảnh hưởng bằng cách sử dụng lực lượng ủy nhiệm địa phương. Giao tranh càng kéo dài, sẽ càng có nhiều nhóm khác nhau lợi dụng cơ hội để giành được lợi thế chiến lược thông qua kiểm soát lãnh thổ, làm phức tạp  tiến trình hướng đến một giải pháp chính trị.

2. Thổ Nhĩ Kỳ

Vụ tấn công ngày đầu năm mới ở Istanbul, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng, có vẻ như là dấu hiệu cho sự xuất hiện tình trạng bạo lực nguy hiểm hơn trong thời gian tới. Ngoài tình hình đang trở nên tồi do các cuộc xung đột ở Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với một cuộc xung đột đang leo thang với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Bị chia rẽ về chính trị, nền kinh tế đang gặp khó khăn và một liên minh yếu (mối quan hệ xấu đi với Mỹ và EU), Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ xảy ra biến động lớn trong năm nay.

3. Yemen

Cuộc chiến ở Yemen đã tạo ra một thảm họa nhân đạo, đang tàn phá quốc gia vốn là nước nghèo nhất trong thế giới Arab. Với việc hàng triệu người hiện nay đang nguy cơ bị nạn đói hoành hành, một lệnh ngừng bắn toàn diện và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này là cần thiết và ngày càng trở nên cấp bách. 

Cuộc chiến ở Yemen đã tạo ra một thảm họa nhân đạo, đang tàn phá một quốc gia vốn là nước nghèo nhất trong thế giới Arab. Ảnh: BBC

Yemen đã phải trải qua những tổn thất lớn từ các cuộc không kích, tấn công bằng tên lửa và phong tỏa về kinh tế. Theo LHQ, khoảng 4.000 dân thường đã thiệt mạng, phần lớn trong các cuộc không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu. Tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, trong đó có các cuộc tấn công bừa bãi vào những khu vực dân sự.

4. Nam Sudan

Sau ba năm nội chiến, quốc gia non trẻ nhất thế giới này vẫn chìm trong hỗn loạn bởi các cuộc xung đột, khiến 1,8 triệu người mất nhà cửa và khoảng 1,2 triệu người chạy trốn khỏi đất nước. Trong tháng 12/2016i, Tổng thống Salva Kiir kêu gọi khôi phục lệnh ngừng bắn và đối thoại quốc gia để thúc đẩy hòa bình và hòa giải. Nhưng nỗ lực này có thành công hay không còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của chính phủ chuyển tiếp trong việc đàm phán với những nhóm vũ trang đơn lẻ và với các cộng đồng bất mãn cấp cơ sở.

5. Afghanistan

Chiến tranh và bất ổn chính trị ở Afghanistan gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, hơn 15 năm sau khi lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ Taliban như là một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm đánh bại al-Qaeda. Hiện nay, Taliban đang giành được một số lợi thế trên thực địa; mạng lưới Haqqani đang tiến hành các vụ tấn công ở những thành phố lớn; trong khi IS tuyên bố sẽ tiến hành một loạt các cuộc tấn công nhằm vào người Hồi giáo Shiite để làm bùng lên cuộc xung đột bạo lực giáo phái. Số lượng các cuộc đụng độ vũ trang tại quốc gia này trong năm ngoái đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2007, gây thương vong lớn cho dân thường. Việc các lực lượng an ninh Afghanistan ngày càng suy yếu khiến nguy cơ để lại nhiều khu vực không được kiểm soát vốn có thể bị khai thác bởi các nhóm chiến binh trong khu vực và xuyên quốc gia.

Trong khi đó, mối quan hệ của Afghanistan với Pakistan từ lâu đã trở nên căng thẳng do cáo buộc Islamabad hỗ trợ cho Taliban và các nhóm chiến binh khác. Căng thẳng gia tăng vào mùa Thu năm ngoái khi hàng nghìn người tị nạn Afghanistan ở Pakistan đã buộc phải chạy trốn trong bối cảnh bạo lực gia tăng, bị giam giữ và sách nhiễu. Cuộc khủng hoảng người tị nạn Afghanistan đã trở nên tồi tệ hơn bởi kế hoạch của EU trục xuất 80.000 người tị nạn trở về Afghanistan. 

Tất cả điều trên làm tăng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị đối với quốc gia này năm 2017.

6. Myanmar

Chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi đã cam kết hòa bình và hòa giải dân tộc là những ưu tiên hàng đầu của mình; tuy nhiên, sự bùng phát bạo lực gần đây đã hủy hoại nỗ lực nhằm chấm dứt gần 70 năm xung đột vũ trang. Tháng 11 vừa qua, "Liên minh phương Bắc" gồm 4 nhóm vũ trang sắc tộc đã thực hiện các cuộc tấn công chung chưa từng có tiền lệ nhằm vào các mục tiêu đô thị ở một khu vực thương mại trọng điểm trên biên giới với Trung Quốc, gây ra sự leo thang quân sự ở phía Đông Bắc quốc gia Đông Nam Á này. Đây không phải là điềm tốt cho tiến trình tại Hội nghị Hòa bình Palong thế kỷ 21, dự kiến diễn ra trong tháng 2 tới, phần của tiến trình hòa bình mới để thống nhất các nhóm vũ trang sắc tộc chính của nước này.

7. Ukraine

Tình hình Ukraine vẫn có nguy cơ bất ổn năm 2017. Ảnh: AFP

Ukraine đã trải qua gần ba năm xung đột, khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng. Việc thực thi thỏa thuận Minsk được ký vào 2/2015 cũng đang bị đình trệ. Bị chia rẽ bởi cuộc xung đột và vấn đề tham nhũng, tương lai phía trước của nước này thực sự không mấy sáng sủa. 

8. Mexico

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Mexico có vẻ không thể tránh khỏi sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Trump cam kết xây dựng một bức tường biên giới, trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ và chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Ông chỉ trích người nhập cư Mexico với các tội như buôn bán ma túy, tội phạm và hãm hiếp... Trong một nỗ lực nhằm tránh đối đầu trong tương lai, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto đã mời ông Trump đến thăm nước này trong tháng 9 tới - một động thái ban đầu đã phản tác dụng trong bối cảnh công chúng Mexico đang giận dữ về tình trạng tội phạm, tham nhũng và một nền kinh tế yếu kém.

Nếu Mỹ theo đuổi chính sách trục xuất hàng loạt, điều này sẽ có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo tồi tệ. Trong khi đó, người tị nạn và người di cư từ Mexico và Trung Mỹ đang tìm cách chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói. Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy bạo lực vũ trang tại Mexico và Bắc Triangle đã khiến khoảng 34.000 người thiệt mạng, cao hơn số người chết tại Afghanistan trong cùng giai đoạn. Tăng cường trục xuất và kiểm soát biên giới sẽ có nguy cơ đẩy người di cư không có giấy tờ vào kênh nguy hiểm hơn - trong khi các băng nhóm tội phạm và các quan chức tham nhũng hưởng lợi. 

Công Thuận (FP)
Năm 2017 sẽ là năm lắng nghe, đổi mới và hành động
Năm 2017 sẽ là năm lắng nghe, đổi mới và hành động

Năm 2016 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận của ngành Giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản và toàn diện. Bên cạnh đó cũng còn nhiều trăn trở về những việc đáng lẽ ngành có thể làm tốt hơn. Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ với báo Tin Tức về dự định của ngành trong năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN