Cựu Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Đại sứ Anh tại EU Ivan Rogers rời khỏi Hội nghị các nhà lãnh đạo Hội đồng châu Âu ở Brussels (Bỉ) ngày 19/2/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các cuộc bầu cử diễn ra giữa bối cảnh lực lượng dân túy hoài nghi châu Âu đang trỗi dậy và "bóng ma" khủng hoảng tài chính vẫn ám ảnh châu Âu.
Tạp chí The Spectator nhận định rằng tuy nhiều ngân hàng đã được giải cứu, nhưng đà phục hồi chậm chạp khiến người dân EU "vỡ mộng" và giận dữ.
Làn sóng di cư ồ ạt cũng là một chủ đề gai góc trong EU bởi gần như tất cả các thành viên trong khối này đã từ bỏ quyền kiểm soát các đường biên giới của mình khi ký Hiệp định Schengen. Những cử tri không hài lòng với tình hình hiện tại thường quay sang kỳ vọng vào các đảng dân túy mới.
Vì vậy, các cuộc bầu cử ở châu Âu trong năm nay sẽ là những "trận chiến" quyết liệt. Có thể nhận thấy rõ vấn đề trên ở Hà Lan khi người dân nước này sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 15/3 tới. Cuộc bầu cử này được cho sẽ là cuộc chiến giữa đảng Tự do của chính trị gia Geert Wilders và các chính đảng còn lại.
Đảng của ông Wilders có xu hướng muốn rời EU, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận với mức dẫn điểm thường lên tới hai con số.
Chủ tịch Đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Pháp, theo giới phân tích, nữ chính trị gia Marine Le Pen của đảng Mặt trận Quốc gia Pháp có thể sẽ lọt vào vòng hai trong cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 4 tới, trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với cựu Thủ tướng François Fillon trong cuộc đua vào Điện Elysse.
Một phần trong chiến lược của bà Le Pen là thu hút thêm sự ủng hộ của các cử tri nữ và những người làm trong khu vực công sau khi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Bà Le Pen chủ trương khơi dậy những bản năng mang tính bảo hộ chủ nghĩa cũng như vận động chống Hồi giáo cực đoan và vấn đề nhập cư, trong khi ông Fillon chủ trương bảo vệ các quan điểm kinh tế cánh hữu và chủ nghĩa xã hội Thiên chúa giáo.
Cuộc bầu cử nhiều khả năng tác động đến EU nhiều nhất sẽ là cuộc bầu cử ở Italy. Thất bại của cựu Thủ tướng Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp gần đây đã cho thấy mức độ giận dữ của cử tri Italy.
Nếu làm phép so sánh, miền Nam của Italy hiện nghèo hơn Ba Lan, trong khi khu vực sản xuất ở miền Bắc Italy đang phải vật lộn nhằm cạnh tranh bởi đồng euro mất giá làm gia tăng chi phí sản xuất.
Tăng trưởng kinh tế Italy vẫn "giậm chân tại chỗ" trong vòng 15 năm qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo phải đến giữa thập niên tới quốc gia Nam Âu mới có thể quay lại mức đỉnh cao trước khủng hoảng – sau hai thập kỷ thất bại.
Điều khiến Italy khác với các quốc gia khác là ở chỗ nước này không chỉ có duy nhất, mà có hai chính đảng đối lập chủ chốt phản đối đồng euro và một đảng thứ ba đang ngày càng có xu hướng như vậy. Xét rộng ra, nếu một chính phủ phản đối đồng tiền chung lên nắm quyền ở Italy sẽ là một cú sốc đối với EU thậm chí còn lớn hơn cả sự kiện Brexit.
Cuộc bầu cử ở Đức hứa hẹn sẽ không có nhiều kịch tính khi Thủ tướng Angela Merkel cho đến nay vẫn là chính trị gia quyền lực nhất ở châu Âu với tỷ lệ ủng hộ lên tới 57%.
Điều này cho thấy bà là một ứng cử viên triển vọng để có thể giành được một nhiệm kỳ thủ tướng tiếp theo, cho dù đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), đảng phản đối mạnh mẽ nhất trước cách giải quyết của bà Merkel đối với cuộc khủng hoảng người di cư, sẽ có thể lần đầu tiên giành được ghế trong Hạ viện.