4 ngày thử tên lửa 4 lần, Triều Tiên khiến thế giới bất lực

Với 4 lần tên lửa đạn đạo chỉ trong 4 ngày, Triều Tiên đang muốn gửi lời nhắc nhở trực tiếp tới Mỹ rằng chương trình vũ khí hạt nhân của họ sẽ giữ nguyên như vậy. Các chuyên gia cho rằng hiện tại không có phương án nào đủ hiệu quả để đối phó với Triều Tiên vì không một ai biết phải làm gì với họ.

Tổng thống Trump từng tuyên bố có thể sử dụng hành động quân sự trong cuộc khủng hoảng tại Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng cộng Triều Tiên đã phóng 21 quả tên lửa trong 14 lần thử từ tháng 2, với các kết quả đánh giá sau mỗi lần phóng lại cho thấy sự hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật.

Phản ứng trước lần phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Thế giới đã nhận được thông điệp mới nhất của Triều Tiên một cách rõ ràng. Hành động đe dọa và làm bất ổn chỉ khiến cho chính quyền Triều Tiên càng bị cô lập trong khu vực nói riêng và cả thế giới nói chung. Tất cả phương án đều được tính đến”.

Tokyo và Washington đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức một cuộc họp khẩn sau khi Bình Nhưỡng phóng một quả tên lửa bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản, rơi ngoài đảo Hokkaido vào sáng 29/8.

Mặc dù cuộc họp đã nằm trong chương trình nghị sự, song vẫn chưa rõ HĐBA LHQ có thể làm những gì để ngăn cản Triều Tiên phóng tên lửa.

Đầu tháng 8 vừa qua, một loạt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên đã được thông qua trong nỗ lực ngăn cản quốc gia này kiếm thêm ngoại tệ - một nguồn thu giúp Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí.

Tuy nhiên, thay vì ngăn chặn những lần phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng, chiến dịch gây sức ép từ phía quốc tế dường như càng làm tăng quyết tâm của quốcgia này.

John Delury – Giáo sư Đại học Yonsei - cho biết: “Điểm mấu chốt ở đây là họ đã phóng một quả tên lửa bay ngang qua lãnh thổ nước láng giềng mà không đưa ra cảnh báo trước. Những lần phóng thử tên lửa này là dấu hiệu cho thấy tình trạng an ninh hỗn loạn đang xảy ra mà ở đó các bên thù địch đang thực hiện từng bước nhằm ngăn cản nhau, và mỗi một lần tiến bộ trong khả năng phòng ngự của một bên thì bên kia lại coi đó là hành động gây hấn”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng cạnh tấm bảng ghi tên loại SLBM trong một chuyến thăm Viện Nghiên cứu vật liệu hóa học. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hiện chính quyền Tổng thống Trump đang theo đuổi chính sách “gây sức ép hòa bình” để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Mỹ tuyên bố họ không tìm cách thay đổi chế độ Triều Tiên, nhưng phía Bình Nhưỡng lại liên tục nói họ cần phát triển chương trình vũ khí để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Mỹ.

Trong khi Nhà Trắng cho rằng chính sách đối ngoại được ưu tiên khi bàn về vấn đề giải quyết Bình Nhưỡng, nhưng với tình hình hiện nay, các cuộc đối thoại không thể nào không có điều kiện kèm theo và phương án quân sự vẫn được tính đến.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Triều Tiên phải đưa ra một vài bằng chứng cho thấy họ sẽ đàm phán một cách đầy thiện ý.

Ngoại trưởng Tillerson cho rằng tình trạng không còn thử tên lửa gần đây của Triều Tiên có thể là “tín hiệu chúng ta tìm kiếm”.

Tuy nhiên, lần phóng thử tên lửa vào sáng 29/8 đã thay đổi cuộc chơi. Ông Adam Mount thuộc tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Tiến bộ Mỹ nhận xét: “Nếu chúng ta có một ô cửa sổ trong tháng 8, và ô cửa đó lại khép, điều đó không có nghĩa là không thể không có các cuộc đối thoại, tuy nhiên sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn, từ phía Mỹ”.

Ông Mount cho rằng Mỹ đã làm không tốt trong việc phác thảo hành động có thể chấp nhận được từ phía Triều Tiên và điều mà Mỹ nên mong đợi để đón nhận. Một số lời đe dọa của Tổng thống Trump như Triều Tiên hứng chịu “lửa cháy và thịnh nộ” có thể lên trang nhất các báo, nhưng nó lại quá chung chung để có bất kỳ hiệu quả ngăn chặn hữu hình nào.

Ông Mount cho rằng Mỹ cần phải có một phản ứng mạnh mẽ và cứng rắn đối với Triều Tiên, nếu không việc thử tên lửa vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai.

Bruce Bennett – một nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức RAND Corporation – bày cách Mỹ có thể phóng một quả tên lửa hành trình Tomahawk bay trực tiếp qua Bình Nhưỡng để chứng minh rằng hai bên có thể cùng tham gia trò chơi này. Mỹ cần phải chuyển hướng sang một chiến lược đa chiều vừa có thể giảm thiểu khả năng leo thang nghiêm trọng trên Bán đảo Triều Tiên mà vẫn trừng phạt được Triều Tiên.

Tuy nhiên, dựa trên thực tế, sau 5 lần thử hạt nhân và 2 lần phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, phần lớn các chuyên gia tin rằng bất kỳ nỗ lực nào muốn loại bỏ vũ khí tại Triều Tiên đều có thể cực kỳ mạo hiểm.

“Nếu như bạn tấn công họ sau khi họ sở hữu vũ khí hạt nhân, đó không phải là một cuộc chiến mang tính chất ngăn chặn, mà đơn giản là một cuộc chiến tranh hạt nhân”, Jeffrey Lewis – một chuyên gia nghiên cứu về hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế James Martin nhận xét.

Thậm chí ngay cả khi chưa cần sử dụng đến vũ khí hạt nhân, hàng pháo khổng lồ dọc biên giới liên Triều cũng có thể san phẳng thủ đô Seoul và các khu vực xung quanh. Quân đội Nhật Bản có thể không đủ khả năng đối phó với Triều Tiên nếu không có sự trợ giúp của Mỹ.

Với một số nhà quan sát Triều Tiên, đối thoại vô điều kiện là một trong số ít phương án giải quyết cần thử.

Trong khi đó, Robert Kelly – một giáo sư ngành khoa học chính trị thuộc Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) lại cho rằng thực sự không có một phương án lựa chọn nào tốt cả. “Không có một ai biết làm gì với Triều Tiên”.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
HĐBA LHQ tuyên bố cứng rắn, Triều Tiên kêu gọi tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa mới
HĐBA LHQ tuyên bố cứng rắn, Triều Tiên kêu gọi tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa mới

Trong cuộc họp khẩn cấp diễn ra vào sáng 30/8 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an LHQ đã ra tuyên bố lên án vụ Triều Tiên vừa phóng thử một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản, coi đây là "mối đe dọa thái quá", đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng không được tiến hành thêm bất kỳ vụ thử tên lửa nào và chấm dứt toàn bộ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN