4 câu hỏi khiến Mỹ bối rối sau chiến thắng Kherson của Ukraine

Sự bế tắc kéo dài trong xung đột ở Ukraine có thể trở thành một gánh nặng lớn với Washington và tranh luận về thúc đẩy đàm phán hòa bình đang được đặt ra.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine sử dụng súng cối ở tiền tuyến gần Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 27/10/2022. Ảnh: AP 

Theo tờ Washington Post, Ukraine đã ghi một chiến thắng lớn trong cuộc xung đột với Nga: giải phóng thành phố Kherson mà không cần một trận chiến đô thị mệt mỏi. Tuy nhiên, chiến thắng đó đã vấp phải những thông điệp trái chiều từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về một chủ đề rất nhạy cảm: liệu người Ukraine có nên bắt đầu đàm phán hòa bình với Nga hay không.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, lập luận rằng chính phủ Ukraine nên tìm cách giải quyết ngoại giao trước khi cuộc xung đột trở nên bế tắc như Thế chiến I. Các quan chức Mỹ khác phản đối, nói rằng Washington sẽ không bao giờ ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải đàm phán hoặc nhượng bộ. “Không có gì về Ukraine mà không có Ukraine”, Tổng thống Biden cam kết.

Đó là một màn hùng biện lộn xộn hiếm hoi của một chính quyền kỷ luật, phản ánh sự bối rối thực sự về bốn câu hỏi quan trọng, trong đó câu hỏi một cuộc chiến kéo dài sẽ củng cố hay làm suy yếu nước Mỹ.

Chú thích ảnh
Một người lính già Ukraine vác quả đạn ở gần Bakhmut, nơi đang diễn ra giao tranh với Nga. Ảnh: AP

Sau nhiều tháng, các lực lượng Nga phải rút khỏi thành phố Kherson, nơi 20.000 binh sĩ trấn giữ một thành phố cảng ở hữu ngạn sông Dnipro, gần nơi sông đổ vào Biển Đen. Người Ukraine đã tấn công, sử dụng Hệ thống Tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp và các vũ khí khác để cô lập các lực lượng Nga, sau đó dồn dập phản công. Người Nga không thể duy trì vị trí của họ, đành phải rút lui vào đầu tháng 11 để bảo toàn lực lượng khi các đơn vị bị cô lập, thiếu nguồn tiếp tế.

Đó chỉ là một trong một loạt các chiến thắng của Ukraine kể từ đầu tháng 9, bao gồm việc giải phóng những vùng lãnh thổ rộng lớn xung quanh Kharkiv ở phía đông bắc. Nhưng nếu chính quyền Tổng thống Biden dường như đột nhiên mâu thuẫn về diễn biến của cuộc chiến, thì đó là vì một số thách thức chính đang xuất hiện.

Câu hỏi đầu tiên, Ukraine đang hướng đến những lợi ích hơn nữa hay một bế tắc nặng nề? Một mặt, việc giải phóng Kherson đã đưa các đường tiếp tế còn lại của Nga vào trong tầm bắn của các hệ thống HIMARS. Quân đội Ukraine, sau chiến thắng này, có thể chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới ở những nơi khác. Mặt khác, quân đội đã chinh chiến liên miên của Ukraine có thể cần được nghỉ ngơi. Họ cũng có thể phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt hơn khi các lực lượng Nga gia tăng quân số nhờ một lượng lớn lính nghĩa vụ mới huy động; rút ngắn đường tiếp tế của họ; chuẩn bị chiến hào và các lớp phòng thủ khác; cũng như chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá.

Chú thích ảnh
Người dân nấu ăn tạm bợ ngoài trời ở Bakhmut, Donetsk, ngày 26/10/2022. Ảnh: AP 

Công bằng mà nói, người Ukraine đã từng khiến những người hoài nghi trước đây phải ngạc nhiên. Nhưng xét đến việc họ đã đẩy Nga ra khỏi những vị trí dễ bị tổn thương nhất, thì các bước tiếp theo có thể khó khăn hơn.

Câu hỏi thứ hai, nguy cơ leo thang sẽ đến mức nào? Tổng thống Nga Putin đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ 5 khu vực mà Nga đã đơn phương sáp nhập (gồm Crimea và 4 khu vực sáp nhập trong năm nay). Ukraine đã vượt qua những lằn ranh đỏ đó ở miền đông Ukraine và Kherson. Tuy nhiên, Crimea là chuyện khác. Tấn công vào Crimea có thể sẽ gây ra nguy cơ thảm họa.

Thứ ba, liệu liên minh ủng hộ Ukraine có tiếp tục đoàn kết cùng nhau? Các đồng minh châu Âu hầu hết đều vững chắc; Những chiến thắng của Ukraine có thể đã đảm bảo sự ủng hộ của quốc tế trong suốt mùa đông.

Tuy nhiên, đội ngũ của Tổng thống Biden vẫn muốn tránh một kịch bản trong đó Ukraine được cho là đang cản trở con đường ngoại giao, tromg bối cảnh châu Âu phải gánh chịu một mùa đông khắc nghiệt. Nhà Trắng cũng có thể lo ngại về việc Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ có tác động như thế nào đối với quan điểm của Mỹ về viện trợ cho Ukraine vào năm tới.

Đây có lẽ là lý do tại sao chính quyền Mỹ hối thúc Tổng thống Zelensky rút lại tuyên bố trước đó của ông rằng Ukraine sẽ chỉ đàm phán với nhà lãnh đạo tiếp theo của Nga – một tuyên bố thể hiện rằng việc thay đổi chế độ ở Moskva trở thành mục tiêu của phương Tây. Với Washington, nếu Ukraine muốn có sự hỗ trợ cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc xung đột, họ phải thể hiện rằng họ sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine trên một xe tăng T-80 của Nga bỏ lại bên đường ở Bakhmut, ngày 27/10/2022. Ảnh: AP 

Câu hỏi cuối cùng, liệu một cuộc xung đột kéo dài sẽ giúp ích hay gây tổn hại cho nước Mỹ? Nếu cuộc chiến này đã gây ra những tổn thất khủng khiếp cho Ukraine, thì đó lại là một cơ hội chiến lược đối với Washington: Quân đội Nga đang chịu nhiều tổn thất. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang mở rộng và tăng cường khả năng phòng thủ của mình; Các quốc gia châu Âu hiện đang nhìn thấy mặt trái của việc phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Tuy nhiên, các quan chức chủ chốt tự hỏi liệu Mỹ đã gặt hái được tất cả những lợi thế mà cuộc chiến Ukraine mang lại hay chưa. Hay là khi thời gian kéo dài, cái giá phải trả có thể cao hơn, do bị phân tâm khỏi các khu vực khác, do lượng vũ khí tiêu tốn, do dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng nổ ra ở nơi khác.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)
Bác sĩ Ukraine phẫu thuật dưới ánh đèn pin khi lưới điện bị đánh sập
Bác sĩ Ukraine phẫu thuật dưới ánh đèn pin khi lưới điện bị đánh sập

Bác sĩ Oleh Duda đang trong ca phẫu thuật đặc biệt phức tạp tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine thì nghe thấy tiếng nổ gần đó. Một lúc sau, đèn vụt tắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN