4 cách thức ngành tình báo Mỹ tiến hành cuộc chiến ngầm chống COVID-19

Các cơ quan tình báo sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong giữ gìn đất nước của họ an toàn trong đại dịch, có thể là bằng bất cứ cách nào cần thiết.

Chú thích ảnh
Nhân viên vệ sinh lau sàn nhà tại trụ sở CIA ở Langley, Virginia. Ảnh: AFP

Đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn thế giới không chỉ là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Nó còn đặt ra những mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh quốc gia và quốc tế, và nỗ lực chiến đấu chống lại, như nhiều nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh, sẽ giống như một cuộc chiến lớn. Các cơ quan tình báo sẽ đóng một vai trò lớn trong cuộc đấu tranh này, giống như họ đã từng làm trong các cuộc chiến khác suốt lịch sử.

Theo tạp chí Foreign Policy, có bốn cách mà các cơ quan báo sẽ góp phần vào cuộc chiến chống COVID-19.

Đầu tiên, họ sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những đánh giá về sự lây lan và tác động của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Cộng đồng tình báo Mỹ hiện đã có một cơ sở chuyên dụng ở tuyến đầu chiến đấu với COVID-19, đó là Trung tâm Tình báo Y tế Quốc gia (NCMI), tại Fort Detrick, bang Maryland.

Với nhân viên bao gồm các nhà dịch tễ học, nhà virus học và các chuyên gia khác, NCMI hoạt động như một đầu mối lọc mọi nguồn thông tin tình báo Mỹ về virus SARS-CoV-2. Dựa trên tiền thân từ thời Chiến tranh Lạnh, kể từ năm 2008 đến nay, NCMI là “tai mắt” của Chính phủ Mỹ khi nói đến các mối đe dọa sinh học, bao gồm cả dịch COVID-19. Theo báo cáo công khai, vào tháng 1 và tháng 2 năm nay, cộng đồng tình báo Mỹ đã cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump về mối đe dọa của chủng virus mới khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump được cho là đã xem nhẹ những cảnh báo này.

Cách thứ hai mà ngành tình báo sẽ góp phần chống lại dịch COVID-19 là đánh cắp bí mật. Hoạt động gián điệp có liên quan đến việc “moi” được thông tin mà người khác muốn giữ bí mật. Với đại dịch COVID-19, tình báo Mỹ sẽ có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách ở Washington những thông tin “độc” không có sẵn từ bất kỳ nguồn nào khác về các bí mật quốc gia liên quan đến virus, bao gồm cả đánh giá liệu tỷ lệ lây nhiễm công bố chính thức có chính xác hay không.

Chú thích ảnh
Một trung tâm triển lãm ở Madrid, Tây Ban Nha biến thành bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số thông tin tình báo này sẽ đến từ hoạt động gián điệp, một hoạt động truyền thống lâu đời liên quan đến tuyển dụng nguồn nhân lực có quyền truy cập vào các thông tin bí mật. Nó chắc chắn cũng sẽ đến từ tình báo kỹ thuật, chẳng hạn như tình báo tín hiệu hoặc hình ảnh, nhằm phát hiện các sự thật ở các quốc gia khác về đại dịch COVID-19.

Cách thứ ba mà các cơ quan tình báo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với COVID-19 cũng như các đại dịch trong tương lai, là chống lại thông tin sai lệch. Liên quan đến cuộc chiến tuyên truyền này, Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra “khẩu chiến” về COVID-19. Mỹ cáo buộc Trung Quốc là nguyên nhân gây ra đại dịch, trong khi đó Bắc Kinh “phản pháo” rằng virus này do chính quân đội Mỹ tạo ra.

Không có gì ngạc nhiên khi đối mặt với một loại virus mới gây chết người, không có cách chữa trị, các xã hội thường bối rối, sợ hãi và hỗn loạn, dễ dàng trở thành "con mồi" cho sự bất đồng. Trong những trường hợp như vậy, bản chất con người có xu hướng tìm kiếm lời giải thích, và một bàn tay ẩn giấu thù địch có thể thấy đây là cơ hội hấp dẫn để đưa ra lời giải thích mang động cơ chính trị.

Chiến lược có từ thời Chiến tranh Lạnh này đang được áp dụng để chống lại thông tin sai lệch về COVID-19 ngày nay. Tuy nhiên, trong thời đại truyền thông xã hội, những nỗ lực của ngành tình báo sẽ cần phải được đẩy nhanh và cần sự hợp tác từ các công ty truyền thông xã hội phần lớn không được kiểm soát chặt chẽ.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Cách thứ tư và cuối cùng mà ngành tình báo có thể giúp chống dịch COVID-19 và các đại dịch khác là giám sát. Trung Quốc đã triển khai giám sát hàng loạt để giúp ngăn ngừa virus lây lan. Họ sử dụng công nghệ nhận diện thông minh để truy dấu các đối tượng nghi nhiễm, thậm chí cung cấp phần thưởng cho việc thông báo về những người hàng xóm bị bệnh.

Hàn Quốc cũng tích cực theo dõi các ca nghi nhiễm, người cách ly bằng mạng lưới thám tử, điện thoại di động và công nghệ vệ tinh, qua đó xác định các ca nhiễm, cách ly và gửi cảnh báo đến những người tiếp xúc gần. Một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, Israel, đã triển khai một chương trình giám sát kỹ thuật số trên toàn quốc bằng công nghệ phần mềm gián điệp theo dõi điện thoại, ban đầu được thiết kế để chống khủng bố, nhằm lập bản đồ lây nhiễm và thông báo cho những người có thể bị nhiễm bệnh.

Cho đến khi một loại vắc-xin được tìm thấy, có khả năng mất từ ​​12 đến 18 tháng, người Mỹ cần giải quyết xem họ có sẵn sàng áp dụng các biện pháp giám sát xâm nhập tương tự như Israel hay không. Đây là những vấn đề thực tế cấp bách do những ràng buộc về bảo vệ thông tin cá nhân. Tại Anh, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Jonathan Sume trong tuần này đã chỉ trích cảnh sát Anh vì công khai danh tính những người đi tập thể dục trong các công viên công cộng, không chấp hành yêu cầu hạn chế của chính phủ.

Chú thích ảnh
Người dân đi dạo trong công viên Trung tâm New York bất chấp yêu cầu ở trong nhà. Ảnh: New York Post

Chính phủ Mỹ có các năng lực công nghệ cần thiết để tạo ra một mạng lưới kỹ thuật số trong nước tương tự như Israel. Năm 2018, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết (theo tỷ lệ sít sao 5-4), cho rằng nhìn chung chính quyền Mỹ cần phải tôn trọng dữ liệu định vị điện thoại di động nhưng có những tình huống khẩn cấp nhất định khi việc thu thập dữ liệu được cho phép, như đe dọa đánh bom, theo dõi những kẻ chạy trốn, hoặc để bảo vệ những cá nhân bị đe dọa bởi mối nguy hại sắp xảy ra.

Quốc hội Mỹ cần có một chính sách khẩn cấp cũng như một cuộc tranh luận pháp lý về tình khuống khẩn cấp như vậy với COVID-19 – cuộc tranh luận dựa trên những cảnh báo mạnh mẽ từ lịch sử về các chương trình của chính phủ nhằm thu thập dữ liệu truyền thông số lượng lớn.

Trong quá khứ, các chương trình như vậy của Mỹ được tiến hành trong các cuộc chiến tranh, nhưng lại có xu hướng tiếp tục, trong bí mật, ngay cả sau khi cuộc chiến đó kết thúc. Nếu Mỹ tạo ra một mạng lưới kỹ thuật số tương tự với Israel để bảo vệ sức khỏe cộng đồng chống lại COVID-19, thì người Mỹ nên yêu cầu giám sát và minh bạch về nó.

Đó là bốn phương thức mà các cơ quan tình báo báo chắc chắn góp phần đánh bại COVID-19. Nhưng khi các tài liệu cuối cùng được giải mật về tình trạng khẩn cấp y tế ngày hôm nay, chúng có thể sẽ tiết lộ rằng các cơ quan tình báo đang hỗ trợ chính phủ của họ theo những cách thức khác nữa. Cơ quan tình báo quan trọng của Israel, Mossad, được cho là đã tiến hành hoạt động bí mật để thu mua bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 từ nước ngoài. Không khó để tưởng tượng các quốc gia khác cũng có các hoạt động tương tự.

Thu Hằng/Báo TIn tức
COVID-19 – ‘Sát thủ giấu mình’ với người trẻ khoẻ
COVID-19 – ‘Sát thủ giấu mình’ với người trẻ khoẻ

Cái chết của Ben đã để lại một bí ẩn. Brandy biết chồng cô mắc COVID-19, nhưng vẫn tự hỏi làm thế nào một huấn luyện viên bóng chày 30 tuổi khoẻ mạnh, không có bệnh lý nền lại ra đi quá nhanh như vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN