Thủ tướng Chính phủ giao 3 bộ làm rõ nguyên nhân lúa chết do nhiễm mặn 'bí ẩn'

Vấn đề lúa chết do nhiễm mặn nhưng chưa xác định được nguồn mặn từ đâu tại tỉnh Hậu Giang đã được phóng viên TTXVN tại Hậu Giang vào cuộc, phản ánh bằng nhiều tin, bài trong thời gian qua.

Chú thích ảnh
Công văn truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Mới đây, công văn số 3888/VPCP-CN, ngày 5/6/2024, do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp ký, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc phản ánh của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm.

Công văn nêu: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân liên quan đến thiệt hại 2 vụ lúa (nếu có) tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý, trả lời đầy đủ cho Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân trước ngày 20/6/2024.

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng đo nồng độ mặn tại thời điểm tháng 5/2024. Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN

Theo phản ánh của phóng viên TTXVN, nhiều diện tích đất lúa cạnh Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau (thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau), qua địa bàn ấp 9, xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) bị nhiễm mặn đến gần 7 phần nghìn.

Tình trạng này làm cho ruộng lúa của nhiều hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng với diện tích gần 3 ha; lúa chỉ đạt năng suất dưới 7 tấn/ha; tổng sản lượng thiệt hại trên 5,4 tấn lúa. Theo ước tính, với giá bán 8.000 đồng/kg, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, các hộ dân nơi đây thiệt hại gần 44 triệu đồng.

Vụ lúa Hè Thu 2024, khu vực này tiếp tục có nhiều diện tích lúa từ 25 - 30 ngày tuổi bị ảnh hưởng; trong đó, số bị chết chiếm trên 70%, số bị cháy lá, thối rễ... từ 20 - 50%.

Chú thích ảnh
Khu vực lúa bị nhiễm mặn chưa xác định được nguồn gây mặn. Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN

Trong khi đó, theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, tại thời điểm tháng 2, tháng 3 ở xã Vị Thắng và khu vực bị ảnh hưởng trên, sinh vật gây hại lúa không đáng kể. Qua theo dõi, rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn ở mức thấp, không ảnh hưởng lúa. Hơn nữa, địa bàn xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy) nằm trong khu vực an toàn, không nhiễm mặn tự nhiên và không bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Duy Khương (TTXVN)
Làm rõ nguyên nhân khiến lúa chết bất thường tại Cà Mau
Làm rõ nguyên nhân khiến lúa chết bất thường tại Cà Mau

Liên quan đến việc người dân tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời phản ánh tình trạng lúa chết bất thường, nguyên nhân được cho là vì sử dụng thuộc diệt cỏ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản xác minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN