Nguyên nhân khiến lúa chết non ở huyện vùng biên Đồng Tháp

Liên quan đến việc “chết non” của hàng loạt diện tích lúa Hè Thu của bà con nông dân ở khu đê bao 2.600 ha thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, mới đây, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh chính thức công bố nguyên nhân.

Chú thích ảnh
 Khảo sát thực tế tại các ruộng. Ảnh: baodongthap.vn

Theo kết quả phân tích của Trường Đại học Cần Thơ và kết luận của ngành chuyên môn, lúa chết do ngộ độc mặn. Nguyên nhân gây ra độ mặn cao trong đất và nước tưới cho lúa có thể do nước thải từ các ao hầm nuôi cá lóc.

Tính toán sơ bộ, hiện khoảng 300 ha của hơn 580 hộ ở xã Thường Phước 2 và Thị trấn Thường Thới Tiền bị thiệt hại từ 80 - 100%. Kết quả phân tích 10 mẫu đất và 10 mẫu nước cho thấy, tất cả các ruộng lúa bị chết là do ngộ độc mặn. Độ mặn trong nước và đất rất cao, cao hơn từ 0,14 - 8,81‰ ở trong nước tưới và cao hơn 1,7 - 6,7‰ ở trong đất ruộng lúa so với ngưỡng quy định.

Độ mặn cao trong đất và nước tưới cho lúa có thể do nước thải xả trực tiếp ra kênh từ các ao hầm nuôi cá lóc nằm dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 843 tiếp giáp với khu ruộng lúa. Khu vực bị ảnh hưởng có khoảng 10 đường nước (lớn, nhỏ) bơm tưới cho ruộng lúa. Tuy nhiên, dọc theo các đường nước này thì nhiều hộ nuôi cá lóc đều xả nước thải trực tiếp từ trong ao nuôi cá.

Qua điều tra, tất cả những hộ nuôi cá hầu như đều sử dụng muối ăn (NaCl) để nuôi cá lóc và cá khác. Trong khi đó, giai đoạn sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, các trạm bơm ngừng hoạt động, các hộ nuôi vịt chạy đồng, mua đồng cho vịt ăn lại dùng máy bơm nước từ đường nước lên ruộng đã vô tình làm cho đất bị nhiễm mặn. Điều này khiến độ mặn trong nước tăng cao nhất là khi gặp nắng nóng nước bốc hơi nhanh.

Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, giải pháp trước mắt là dừng ngay việc xả nước thải từ các ao nuôi cá lóc xuống chung với đường nước tưới cho khu ruộng lúa. Đối với những ruộng lúa đang nhiễm nhẹ, lúa chưa bị chết, khuyến cáo nông dân cần xả bỏ cạn nước, sau đó bón vôi nung hoặc phân bón thạch cao CaSO4 (Canxi Sunfat).

Khoảng 3 - 4 ngày sau thì bơm nước mới không bị nhiễm mặn do nước thải ao nuôi cá, sau đó bón phân bình thường cho lúa. Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại phân bón lá có hàm lượng lân dễ tiêu cao (Hydrophos, K-Humate...), chất điều hòa sinh trưởng (Brassinolide) phun trên lá để hỗ trợ cây lúa tăng sức chống chịu mặn, ra rễ mới và mau hồi phục.

Trên các ruộng lúa đã bị chết do nhiễm mặn cần phải cày phơi ải và nên bỏ đất trống qua 1 vụ, rải vôi nung 1 tấn/ha, trục trạc kỹ, xả bỏ nước, đo lại độ dẫn điện EC của đất trước khi gieo sạ lại vụ lúa mới; tốt nhất không nên sản xuất lúa trong vụ Thu Đông 2020 để xả lũ nhằm giúp giải độc mặn cho đất.

Về biện pháp căn cơ lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị  Ủy ban nhân dân huyện Hồng Ngự quy hoạch lại vùng nuôi cá lóc, xây dựng hệ thống đường nước thải riêng cho các hộ nuôi.

Chương Đài (TTXVN)
Hạn, mặn đồng bằng sông Cửu Long: Lúa chết hàng loạt, nước sạch cạn khô
Hạn, mặn đồng bằng sông Cửu Long: Lúa chết hàng loạt, nước sạch cạn khô

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khốc liệt. Đã có hơn 39.000 ha lúa bị thiệt hại, hơn 96.000 hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, dự báo con số thiệt hại sẽ tiếp tục tăng lên. Nếu như đợt xâm nhập mặn năm 2016 được xem là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới lặp lại, thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN