Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có trên 11.000 ha cây trồng bị hạn; trong đó, gần 2.000 ha lúa bị chết, cháy khô không còn khả năng cứu vãn.
Hiện vùng lúa bị hạn nặng tập trung ở các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh… bởi các huyện này chủ yếu sử dụng nguồn nước bơm lấy từ cống bara Nam Đàn về, song mức nước chảy qua cống giảm hơn 50% so với dung tích thiết kế. Vì vậy, lúa ở vùng này đã khô cạn nước, nhiều nơi đất đã nẻ, trắng xóa; lúa trên nhiều diện tích đã khô héo vàng. Nếu trong thời gian tới, trời không mưa, diện tích lúa bị hạn và chết cháy sẽ tiếp tục ngày một gia tăng.
Đơn cử tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), hiện toàn huyện có khoảng 1.500 ha lúa bị hạn nặng trên tổng số 4.500 ha lúa Hè Thu đã gieo cấy. Tại kênh Xuân Đào, kênh dẫn nước chính, cung cấp nước tưới chảy qua các xã Hưng Tân, Hưng Thắng, Hưng Tiến, Hưng Phúc… của huyện Hưng Nguyên cũng đã bị cạn kiệt.
Những ngày qua, nông dân đã tập trung máy bơm dầu để vét nước tưới cho lúa, tuy nhiên lượng nước tưới là không đáng kể, lượng nước ít, ruộng lại bị nứt nẻ, nước tưới vào không đủ ngấm đất.
Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Nguyên cho biết, hiện toàn huyện có 2.000 ha lúa bị hạn, chủ yếu là lúa trong thời kỳ đẻ nhánh; trong đó, 1.500 ha bị hạn nặng, đặc biệt nghiêm trọng và rơi vào tình trạng “bất khả kháng”, nếu trời không mưa trong một tuần tới sẽ chết cháy.
Bên cạnh diện tích lúa bị hạn, nhiều diện tích lúa đã được tưới một lần, sau đó người dân bón đạm nên gặp nắng nóng lại bị khô héo, cháy “vo gọng hành”.
Ông Hoàng Đức Ân cho biết thêm, để cứu lúa hiện nay, cần phải có giải pháp điều hành tổng thể ở cấp tỉnh, phải xả nước và điều tiết nước tại các thủy điện ở vùng đầu nguồn về để cứu lúa ở vùng hạ du. Bên cạnh đó, điều tiết nước ở đập Bara Đô Lương để đưa nước vào khu vực Nam Hưng Nguyên, may ra mới cứu được một phần diện tích lúa bị hạn, phần còn lại vẫn phải chờ trời mưa.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong nhiều ngày tới. Do đó, diện tích cây trồng bị hạn cũng như diện tích lúa bị chết cháy trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Cùng với diện tích lúa bị hạn nặng, hiện toàn tỉnh Nghệ An còn gần 14.000 ha lúa mùa, hơn 10.000 ha ngô và hàng trăm ha vừng, đậu, lạc Hè Thu chưa gieo cấy, trồng trỉa do thiếu nước.
Ông Nguyễn Kim Thủy, Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn (Chi cục Thủy lợi Nghệ An) cho biết, hiện có 97 hồ lớn ở Nghệ An do các Công ty Thủy lợi quản lý có mực nước từ 30 - 60% dung tích thiết kế; còn 1.061 hồ nhỏ do các địa phương quản lý mực nước đều đã dần cạn kiệt, chỉ đạt 20 - 30 % dung tích thiết kế. Do đó, không thể cung cấp nguồn nước tưới cho diện tích lúa bị hạn ở nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn và thành phố Vinh.
Để khắc phục tình trạng hạn hán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đất bị hạn thiếu nước sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chuyển đổi được 302,9 ha; trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm (ngô, mía, lạc, vừng, nghệ, khoai lang, rau đậu các loại) 252,8 ha; chuyển sang trồng cây lâu năm (cây ăn quả, táo, ổi, na) 17,1 ha; chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản (lúa - cá) 33 ha.
Riêng vụ Hè thu năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đủ nước gieo cấy ngay khi có điều kiện.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An chỉ đạo Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê trong quá trình điều tiết, cấp nước cho hạ du; người dân các địa phương tích cực dùng trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến để bơm vét nước từ các trục tiêu, ao, hồ, bầu biền lên để cấp nước cho vùng bị hạn; tổ chức nạo vét kênh mương, đắp chặn kênh tiêu để sử dụng nước hồi quy; thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn trên các dòng sông (nhất là tại các cửa sông), kênh dẫn và tại các bể hút các trạm bơm, thông báo kịp thời cho các hộ dùng nước biết.