Theo bà con, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các thủy điện tích nước, khiến hàng trăm ha hoa màu của người dân tại huyện Kon Rẫy có nguy cơ chết khô.
“Đua nhau” bức tử sông
Trong lúc người dân Kon Tum đang gồng mình chống hạn, những ngày qua, tại huyện Kon Rẫy, hai công trình thủy điện Thượng Kon Tum (công suất 220MW) và Đăk Ne (8,1MW) lại cùng nhau tích nước. Bất chấp sự lên tiếng của chính quyền các cấp, hai công trình trên không trả nước về tự nhiên như quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, khiến hàng trăm ha hoa màu có nguy cơ chết khô.
Cuối tháng 2/2020, UBND tỉnh Kon Tum có công văn số 554/UBND-HTKT về việc tích nước tạm hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum (trên địa bàn huyện Kon Plông) phục vụ công tác nghiệm thu hạng mục cụm đầu mối (đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước) và vận hành thử nghiệm thiết bị. Theo đó, thời gian cho thủy điện tích nước là 60 ngày. Ngay sau khi thủy điện này bắt đầu quy trình tích nước thì tình trạng khô hạn xuất hiện.
Sau công trình này, một đoạn sông dài hơn 30 km, dòng nước ở các khe suối nhỏ, hợp lưu đưa nước về sông Đăk Snghé (nhánh cấp I của sông Đăk Bla, thượng nguồn sông Sê San) để dẫn nước về hạ lưu cũng bị chặn bởi thủy điện Đăk Ne. Đến nay, sau hơn 20 ngày tích nước từ thượng nguồn, hạ lưu con sông bị “bức tử”. Hàng trăm ha hoa màu nơi đây đang đứng trước nguy cơ khô cháy.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Kon Rẫy đã có văn bản gửi các cấp, ngành và UBND tỉnh Kon Tum phản ánh về ảnh hưởng của việc tích nước tạm hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum. UBND huyện Kon Rẫy và các cấp, ngành trong tỉnh đã vào cuộc nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Đến ngày 5/3, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản số 652/UBND-HTKT về việc triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân ở hạ lưu các công trình thủy điện. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị chủ đầu tư 2 dự án thủy điện trên phối hợp với chính quyền huyện Kon PLông và huyện Kon Rẫy kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý (trước mắt, lâu dài) nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Mong đợi giải pháp mạnh từ chính quyền
Theo thống kê của UBND huyện Kon Rẫy, sau hơn 20 ngày sông Đăk Snghé bị thủy điện “bức tử”, đến nay trên địa bàn huyện có hơn 113 ha cây công nghiệp, cây ăn trái, gần 3 ha lúa vụ Đông Xuân (trong đó nặng nhất là xã Tân Lập với 92 ha cà phê, gần 6 ha tiêu…) bị khô hạn nặng.
Dấu hiệu khô hạn ngày một nghiêm trọng, ngày 12/3, UBND huyện Kon Rẫy tiếp tục có buổi làm việc với các nhà đầu tư của thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Ne. Tại buổi làm việc, Công ty cổ phần thủy điện Trường Thịnh (chủ dự án thủy điện Đăk Ne) không hợp tác với chính quyền. UBND huyện Kon Rẫy đã yêu cầu thủy điện Đăk Ne phải đảm bảo duy trì lưu lượng xả thường xuyên xuống hạ lưu đập không nhỏ hơn 1,29 m3/giây, không gây biến đổi lớn đến chế độ dòng chảy hạ lưu hồ (như Quy định số 1838/GP-BTNMT ngày 28/9/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi dự án được cấp phép khai thác sử dụng nước mặt).
"Tại buổi làm việc, các bên đều thống nhất, riêng đại diện thủy điện Đăk Ne không chịu ký vào văn bản. Họ viện lý do sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà không nghĩ đến thiệt hại của người dân", ông Phan Duy Huynh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy thông tin.
Thủy điện Thượng Kon Tum là dự án thủy điện đang thi công lớn nhất Tây Nguyên, sau tích nước, phát điện, lượng nước phần lớn sẽ dẫn từ Kon Tum về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Công trình mới tích nước được 1/3 thời gian nhưng hệ lụy đã hiện rõ.
UBND huyện Kon Rẫy cũng đã tìm giải pháp tạm thời để hỗ trợ nhân dân. Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện cấp bao cát, rọ sắt và huy động gần 150 người dân xã Tân Lập triển khai chặn các dòng nước nhỏ để dẫn vào cửa lấy nước của công trình thủy lợi Đăk Snghé. Biện pháp này tạm thời giúp tích nước để người dân bơm tưới cây. Để ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực hạ du thủy điện, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, đơn vị chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với địa phương kiểm tra, xác định phương án kiên cố hóa việc chặn, dẫn dòng vào cửa lấy nước của công trình. Sở Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư 2 công trình thủy điện thực hiện nghiêm việc duy trì lưu lượng dòng chảy tối thiểu về phía hạ du đập để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trong lúc đợi các bên tìm hướng giải quyết, ngoài giải pháp tạm thời của chính quyền, những ngày qua người dân Kon Rẫy đã tự cứu mình bằng cách thay nhau trực bơm nước tưới cây khi thủy điện xả nước.
Trưa 19/3, chúng tôi có mặt tại cửa lấy nước của công trình thủy lợi Đăk Snghé, lượng nước về công trình rất ít, nhà máy không xả nước. Những cố gắng chặn dòng, dẫn nước của chính quyền không giúp nước về hạ lưu nhiều hơn. Người dân đang ngóng đợi giải pháp mạnh tay từ chính quyền các cấp để sông Đăk Snghé không bị “bức tử” mỗi ngày khi mùa khô đến.