Bênh cạnh thái độ thương xót hay trách móc nạn nhân, lên án sự tàn ác của các đường dây đưa người vượt biên trái phép thì dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để không tái diễn thảm kịch này?
Những con số - những số phận
Thảm họa nhập cư trái phép xảy ra ngày 23/10 chỉ là một trong dãy dài những con số khủng khiếp được báo chí thế giới nhắc đến. Trên thực tế, không ai thống kê được bao nhiêu người đã bỏ mạng trên đường đến “miền đất hứa”, thậm chí là sau khi đặt chân được đến đó.
Tháng 8/2014, trong số 35 người Sikh (Afghanistan) được tìm thấy trong một thùng container vận chuyển bị khóa trái ở bến cảng Tilbury gần Thurrock (hạt Essex, Anh) nhiều người đã chết, số còn lại bị mất nước và hạ thân nhiệt nghiêm trọng (theo tờ Mirror của Anh).
Tháng 6/2000, thi thể của 58 người quốc tịch Trung Quốc đã được tìm thấy trong một container vận chuyển ở thành phố cảng Dover (Anh), theo tờ Guardian (Anh).
Một năm sau, năm 2001, tại Rosslare (Ireland) một tài xế xe tải đã phát hiện 13 người từ Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Albania bị nhốt trong container. 8 người, trong đó có 4 đứa trẻ, đã bị chết ngạt. Tháng 2/2004, trong khi đang nhặt sò cho “ông chủ” tại vịnh Morecambe (Anh) 23 người Trung Quốc nhập cư trái phép đã bị thủy triều nhấn chìm dưới làn nước biển lạnh buốt (theo The Sun của Anh).
Tháng 8/2015, người ta phát hiện trong một chiếc xe tải đỗ bên lề đường cao tốc ở Áo có 71 thi thể người nhập cư Syria, Iraq và Afghanistan, trong đó có 4 trẻ em, cũng theo tờ Mirror.
Tờ The Sun cho biết: Li Hua là người duy nhất sống sót trong thảm kịch làm chấn động nước Anh năm 2004 tại vịnh Morecambe. Anh này sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Phúc Kiến (Đông Nam Trung Quốc).
Năm 2002, Li Hua đã phải chạy vạy để có 14.000 bảng Anh (hơn 400 triệu đồng Việt Nam vào thời điểm đó) nộp cho bang "Đầu Rắn" (Snakehead)" - tổ chức buôn người chuyên nghiệp lớn tại Trung Quốc. Phải mất hai năm vừa lao động như một nô lệ vừa di chuyển qua nhiều nước, năm 2004 anh mới đặt chân tới Anh. Li Hua và những người đồng hương không có sự lựa chọn nào khác là lao động khổ sai với tiền công rẻ mạt theo lệnh của “ông chủ” để trả khoản nợ lớn ở quê nhà.
Theo tờ Mirror, đọc tin về vụ 39 người tử vong trong xe container tại Essex, anh Ahmad al-Rashid, một người Syria nhập cư vào Anh năm 2015, rùng mình nhớ lại “mùi tử thần trong chiếc container địa ngục" mà anh từng nếm trải. Ahmad và hàng chục người nhập cư trái phép khác chỉ chút nữa là bỏ mạng trong thùng xe đông lạnh thiếu không khí và ánh sáng.
Anh Jawad Amiri (người nhập cư Afghanistan 28 tuổi) cũng bị ám ảnh nặng nề về phút giây Thần Chết đã sờ tới chân mình, cậu em trai Ahmed và 13 người khác trong hành trình sang Anh vào tháng 4/2016. Lúc tất cả mọi người sắp chết ngạt thì nhờ tin nhắn điện thoại của Ahmed gửi tới một tình nguyện viên người Anh mà họ được cứu kịp thời (theo tờ The Sun).
Hãn tin AFP (Pháp) cho biết: Có lẽ cho đến cuối đời anh Nguyễn Cường (Cuong Nguyen), người đàn ông trên 40 tuổi ở Hải Phòng sẽ không bao giờ quên hành trình hãi hùng qua Đức, Pháp để đặt chân tới Anh, miền đất mà anh được hứa hẹn về “việc nhẹ lương cao”.
Vào năm 2008 Cường bỏ ra 20.000 USD (trên 400 triệu đồng) để được đường dây buôn người đưa tới Anh. Suốt 6 năm người đàn ông này sống chui lủi, làm nghề phi pháp và năm 2014 bị kết án 10 tháng tù giam rồi bị trục xuất về Việt Nam với hai bàn tay trắng. Cường nói rằng giờ đây anh đã thay đổi nhận thức, muốn sống một cuộc đời bình yên ở quê nhà…
Thay đổi nhận thức - khó nhưng là điều tiên quyết
Sau thảm họa ngày 23/10, phóng viên của tờ The Sun đã đến một trại tị nạn ở Pháp để phỏng vấn nhóm 13 người nhập cư trái phép. Phóng viên này cho biết, nhóm người châu Á rất sợ hãi, không muốn số phận mình cũng giống như 39 người xấu số nọ, trong đó có thể có đồng hương của họ.
Nhưng họ vẫn quyết tâm đến Anh bởi mục tiêu đang “trong tầm tay”. Mỗi người trong nhóm đã chi cho người đàn ông Pakistan dẫn đường 25.000 bảng Anh (khoảng 750 triệu đồng) để theo chuyến hành trình dài hơn 9.600 km từ Trung Quốc tới Đức trước khi đến khu rừng đầm lầy ở Pháp.
Điều này cho thấy việc tránh lặp lại những thảm kịch nhập cư trái phép vào châu Âu nói chung và vào Anh nói riêng, khó đến mức nào.
Mọi việc phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức của những người trong cuộc và của cộng đồng nơi họ lớn lên.
Nhìn từ góc độ pháp luật thì những người vượt biên trái phép vừa là nạn nhân của các tổ chức buôn người nhưng cũng là đối tượng vi phạm pháp luật.
Khó có thể nghĩ rằng khi nhập lậu sang châu Âu và sống chui lủi bằng những công việc phi pháp mà những người trong cuộc không ý thức được về hành vi của mình. Chỉ có thể là động cơ thúc đẩy hành vi đã lấn án nhận thức về hậu quả gây ra cho đất nước mà họ rời đi, đất nước mà họ nhắm đến và ngay cả cho bản thân, gia đình họ.
Về động cơ dẫn đến hành động của con người, nhà tâm lý học Mỹ Abraham Maslow (1908–1970) đã đưa ra một hệ thống các thứ bậc nhu cầu, bắt nguồn từ các nhu cầu sinh tồn cơ bản nhất cho đến những nhu cầu mang tính nhân văn hơn như các nhu cầu mang tính nhận thức, xã hội, thẩm mỹ... Động cơ được hiểu như là nhu cầu, động cơ cũng mang tính thứ bậc, có động cơ thuần thúy sinh học và có động cơ mang tính văn hóa - xã hội - nhân văn...
Cụ thể, động cơ nhập cư trái phép có sự thống nhất giữa hai loại yếu tố tâm lý: kích thích (nhu cầu) và điều chỉnh (quan điểm, đạo đức, sự hiểu biết...). Khi hai loại yếu tố này còn mâu thuẫn nhau thì có nghĩa là chủ thể của hành động còn do dự, lấn cấn. Nhưng khi nhu cầu đã lấn át lý trí và quan niệm đạo đức (yếu tố kích thích mạnh hơn yếu tố điều chỉnh) thì con người sẽ đưa ra sự lựa chọn, chấp nhận đánh đổi khi đi theo con đường không chính ngạch.
Kết quả trắc nghiệm của Thạc sỹ Nguyễn Thị Minh (Học viện Tòa án) cho thấy, trong phần lớn các trường hợp, trước khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật con người ta thường ý thức được hành động của mình là sai trái nhưng vẫn cố ý thực hiện. Trong số các động cơ thúc đẩy hành vi “lệch chuẩn” bất chấp sự trừng phạt của pháp luật và xã hội thì ham muốn làm giàu nhanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất.
Theo Tiến sỹ Đỗ Thành Trường (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), trong cơ chế tâm lý-xã hội của hành vi vi phạm pháp luật có nhiều nguyên nhân và điều kiện có mối quan hệ qua lại.
- Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường tự nhiên - địa lý:
Đặc điểm dân số, tỷ lệ hộ nghèo, chất lượng nguồn nhân lực, vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn… dẫn đến điều kiện kinh tế bị hạn chế là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp làm nảy sinh những hành vi vi phạm pháp luật cụ thể và cũng là nguyên nhân sâu xa, cốt lõi làm phát sinh “phong trào” xuất cảnh ra nước ngoài bằng mọi giá và kiếm tiền bằng mọi cách.
Điển hình của trường hợp này là tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), đại bản doanh của tổ chức buôn người “Đầu Rắn” và cũng là nơi có “phong trào” đi lậu sang Anh và làm ăn phi pháp.
Huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) và huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) là hai địa phương ở Việt Nam có tỷ lệ thanh niên ra nước ngoài kiếm việc làm rất cao, kể cả bằng con đường hợp pháp và không chính ngạch.
- Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường gia đình:
Trong một gia đình có truyền thống đặt nặng vấn đề kinh tế thì con người ta dễ dàng lựa chọn con đường nhập cư bất hợp pháp và làm ăn phi pháp để có nhiều tiền hơn là ở lại quê hương làm ăn chân chính mà thu nhập thấp. Bố mẹ không khuyên bảo, ngăn cản mà thậm chí còn khuyến khích con cái đi vào con đường mạo hiểm thì họ chỉ có thể tự trách mình khi kết cục xấu xảy ra.
Anh Li Hua đã được nhắc tới ở phần trên sẵn sàng từ bỏ nghề trồng rau “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền” ở miền Đông Nam Trung Quốc để nhập lậu vào Anh với mong muốn “đổi đời”. Kết cục là anh suýt bỏ mạng ở "miền đất hứa”, kéo theo gánh nợ lớn cho bản thân và gia đình.
Nhóm 13 người nhập cư châu Á tại trại tị nạn ở Pháp cũng để ham muốn kiếm tiền lấn át nỗi lo sợ sẽ chết lạnh, chết ngạt trong container chở thực phẩm. Họ sẵn sàng đánh cược tính mạng của mình với hy vọng sẽ đến được nước Anh và có một công việc, dù là công việc phi pháp, để tránh gánh nặng nợ nần cho gia đình.
- Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường xã hội:
Nếu cơ quan quản lý ở địa phương làm tốt chức năng của mình thì nạn đưa người vượt biên trái phép sẽ bị hạn chế. Dư luận xã hội của cộng đồng dân cư ở địa phương cũng có tác dụng điều chỉnh hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân.
Theo tờ Mirror (Anh), thanh niên Trung Quốc, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp, liên tục bị mồi chài tới châu Âu và Bắc Mỹ với lời hứa về mức lương cao gấp nhiều lần so với số tiền mà họ có thể kiếm được ở nhà, bất chấp tất cả. Họ cho rằng việc buôn người không phải là tội ác mà đem đến cơ hội thoát nghèo, là thỏa thuận tự nguyện giữa nhóm "Đầu Rắn" và các khách hàng.
Tại một số xã của huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) người ta khen gia đình ông A, bà B, chị C tốt số vì con trai, con gái có hiếu, ra nước ngoài làm ăn và thường xuyên gửi tiền về để bố mẹ xây nhà cao tầng, anh em trai sắm ô tô. “Tấm gương hiếu thảo”, “ý chí thoát nghèo” vẫn được ca tụng ngay cả khi người ta lờ mờ, thậm chí biết rõ đây là đồng tiền được làm ra bằng cách vi phạm pháp luật.
-Nguyên nhân và điều kiện thuộc về nhân thân chủ thể hành động:
Con người ta ai cũng có mưu cầu hạnh phúc. Nhưng mưu cầu đó phải dựa trên cơ sở năng lực, ý chí, sự chuyên cần của bản thân, điều kiện của gia đình, xã hội. Nếu năng lực, sự hiểu biết, điều kiện có hạn nhưng lại muốn có thu nhập vượt hẳn mặt bằng chung trong thời gian ngắn nhất, cộng với nền tảng đạo đức yếu thì rất dễ trượt sâu vào con đường vi phạm pháp luật.
Điều này hoàn toàn chính xác đối với trường hợp của Nguyễn Cường đã được nhắc tới ở trên. Trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng tin AFP (Pháp), người đàn ông có quá khứ nghiện ma túy và không có năng lực gì đặc biệt thú nhận: “Tất cả những gì tôi muốn (hồi đó) là kiếm tiền... bất kể bằng cách hợp pháp hay bất hợp pháp".