Mô hình khu vực ga Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN |
Theo văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất về các lý do và sự cần thiết phải lập quy hoạch, nhất là việc xác định ga Hà Nội và vùng phụ cận cần được xây dựng một cách thống nhất, đồng bộ và là cơ sở để tổ chức thực hiện quy hoạch; đồng thời, để hướng tới Thủ đô văn minh, hiện đại và để cụ thể hoá Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn phạm vi quy hoạch, phân khu chức năng và tính cấp thiết của việc lập quy hoạch.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đồ án Quy hoạch được lập khá công phu, nhiều nội dung nghiên cứu khá chi tiết, đã có mối liên hệ mật thiết với định hướng quy hoạch phát triển Giao thông vận tải Hà Nội và các dự án phát triển đường sắt có liên quan khu vực ga Hà Nội (Dự án tuyến Đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến Đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội); đồng thời, đã đề xuất giải quyết hệ thống giao thông trong khu vực bằng các giải pháp giao thông khác mức, kết nối với giao thông đô thị, đặc biệt là kết nối Đông - Tây ga Hà Nội; cũng như giải pháp bảo tồn các công trình kiến trúc trong khu vực, dự kiến phân khu chức năng để định hướng phát triển trong tương lai.
Mặc dù vậy, khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận là trung tâm và là cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố, vì vậy, Đồ án cần có sự so sánh đối chiếu cụ thể các chỉ tiêu và các tác động của Đồ án với quy hoạch chung của thành phố.
Mặt khác, đây là đồ án quy hoạch có tác động lớn đến việc bảo tồn kiến trúc cổ, ảnh hưởng lớn cảnh quan và cấu trúc đô thị Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội cần làm việc hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về kiến trúc, quy hoạch và lịch sử để hoàn thiện Đồ án.
Văn bản của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, Đồ án tập trung bố trí đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng khu vực ga Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội cần căn cứ lộ trình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải của các lĩnh vực (nhất là lộ trình hoàn thiện mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và hệ thống giao thông công cộng tại khu vực ga Hà Nội) để dự kiến lộ trình thực hiện Đồ án bảo đảm tính khả thi; hạn chế đến sinh hoạt và cuộc sống người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực quy hoạch.
Riêng về lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ cho rằng, hiện nay TP. Hà Nội đang bị quá tải về hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông khi mật độ dân cư đô thị và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, trong khi hạ tầng giao thông chậm phát triển.
Cụ thể, trong báo cáo mới nêu được chỉ tiêu quy hoạch đất dành cho giao thông khoảng 25%, chưa nêu được nhu cầu giao thông của người dân tăng/giảm so với trước đây và so với các chỉ tiêu yêu cầu như mật độ đất dành cho giao thông; mật độ đường giao thông/1000 dân; mật độ đường giao thông/1km2, phương án tổ chức giao thông...
Đặc biệt cần rà soát kỹ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải khi dân số quy hoạch tại đồ án này là 220% so với nhiệm vụ được duyệt và 120% so với hiện trạng. Đồ án cũng chưa tính toán kỹ lượng khách ra/vào khu vực đầu mối giao thông các khu vực thương mại trong phạm vi quy hoạch, nhất là khi hình thành các trung tâm thương mại tập trung tại khu vực này; chưa tận dụng, khai thác triệt để không gian ngầm khu vực ga Hà Nội.
Theo quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải, với vai trò là đầu mối giao thông đa phương tiện của thành phố, kết hợp với các trung tâm thương mại, mật độ giao thông của khu vực quy hoạch sẽ tăng lên rất nhiều so với số dân cư thường trú dự báo, cũng như so với mật độ giao thông như hiện nay.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cần rà soát các số liệu điều tra khảo sát hiện trạng về dân cư, mật độ giao thông trên các tuyến đường trong khu vực quy hoạch cũng như các tuyến giao thông kết nối vùng quy hoạch với khu vực lân cận để đảm bảo liên thông vận tải toàn thành phố; phân tích tính toán kỹ về dự báo nhu cầu vận tải khu vực quy hoạch để đảm bảo tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông, cũng như năng lực đáp ứng của các loại hình vận tải so với nhu cầu hành khách tham gia giao thông.
Bên cạnh đó cần lưu ý, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, ga Hà Nội còn được xác định là ga của tuyến đường sắt tốc độ cao, vì vậy đề nghị cần nghiên cứu bổ sung dự báo lưu lượng hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao phân bổ cho khu vực quy hoạch.
Mặt khác, ga Hà Nội sẽ là ga trung tâm trung chuyển của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác, vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung các chỉ tiêu dự báo nhu cầu vận tải trong tương lai cho từng loại hình giao thông tại khu vực. Đồng thời, cần rà soát các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông trong khu vực xây dựng quy hoạch, các bước triển khai thực hiện.
Đánh giá cụ thể các hạng mục công trình nhằm đảm bảo công năng phục vụ cho hoạt động vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch và cần có cơ chế để tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông quốc gia.
Bộ Giao thông Vận tải cũng thống nhất với việc bảo tồn nhà ga Hà Nội hiện tại và có bổ sung các công năng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển Giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đã xác định tuyến đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội, vì vậy, Bộ đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu bổ sung, làm rõ các công năng phục vụ cho tàu tốc độ cao, tàu đô thị và cho tàu của đường sắt quốc gia để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị rà soát nhu cầu vốn đầu tư, trong đó làm rõ cơ cấu các nguồn vốn để thực hiện quy hoạch theo hướng vốn ngân sách trung ương chỉ tập trung đầu tư các công trình đường sắt quốc gia; đối với các công trình, hạng mục còn lại từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Làm rõ cơ chế, chủ thể quản lý khai thác các công trình, nhất là các công trình khu vực ga Hà Nội.