Ga Hà Nội được xây dựng từ năm 1902. Trải qua bao năm tháng, với tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng ga Hà Nội và khu vực phụ cận đã không còn theo kịp sức bật của thời gian, xuống cấp nghiêm trọng và sinh hoạt của người dân trong khu gặp nhiều trở ngại.
Theo định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt xác định ga Hà Nội sẽ trở thành trung tâm giao thông cấp vùng, đầu mối của các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt liên vận quốc tế, trung tâm của hệ thống giao thông công cộng, nơi giao nhau của 2 tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 3.
Ngoài ra, đây là điểm trung chuyển giữa phương tiện giao thông đường sắt và các tuyến xe buýt của thành phố. Cùng với đó, Quy hoạch chung Thủ đô cũng đã xác định việc cải tạo, xây dựng lại ga Hà Nội theo mô hình: "lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị".
Đây là mô hình kết hợp giữa việc phát triển giao thông công cộng với phát triển đô thị và trọng tâm là tại các ga đường sắt đô thị, các đầu mối giao thông công cộng được nhiều nước trên thế giới thực hiện với mô hình TOD (Transit Oriented Development).
Trên cơ sở này, năm 2012, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu lập quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận. Đến năm 2014, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch phân khu ga và vùng phụ cận.
Qua rất nhiều lựa chọn, cuối cùng thành phố đã “chấm” đơn vị tư vấn là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd - Nhật Bản, đơn vị có bề dày kinh nghiệm thực hiện các dự án đa dạng trong lĩnh vực quy hoạch - thiết kế hạ tầng đô thị tại Nhật Bản, Việt Nam và nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ khác trên thế giới để tư vấn đồ án.
Về phạm vi nghiên cứu, quy hoạch phân khu ga Hà Nội và phụ cận có diện tích 98,1 ha. Ở đây có 2 nội dung được thực hiện, thứ nhất là quy hoạch lại ga, thứ 2 là tái thiết khu vực xung quanh ga.
Mục đích để tạo thành một tổ hợp làm sao để vừa kết hợp đầu mối phát triển giao thông ở đây, gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và điểm trung chuyển xe buýt, kết hợp với tổ hợp trung tâm dịch vụ, thương mại, văn phòng và kể cả tái thiết nhà ở với khu vực xung quanh.
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch đồ án thuộc quận Đống Đa bao gồm phường Văn Chương, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Khâm Thiên; quận Hoàn Kiếm có phường Cửa Nam; quận Ba Đình là phường Điện Biên; quận Hai Bà Trưng có phường Nguyễn Du.
Tổng dân số dự kiến khoảng 44.000 người; trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người.
Xây dựng biểu tượng mới cho Thủ đô Ghi nhận tại các khu dân cư quanh khu vực ga Hà Nội hiện nay cho thấy, mật độ xây dựng dày đặc với nhiều loại kiến trúc, tầng cao khác nhau tạo bộ mặt đô thị lạc hậu, chưa phát huy hết giá trị, tiềm năng của đất.
Phối cảnh Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận. Ảnh: Văn Cảnh/TTXVN |
Cùng với đó, hiện khu vực này đặc biệt thiếu đường giao thông và bãi đỗ xe. Hệ thống cây xanh, đường dạo chưa phù hợp với đô thị. Đặc biệt khu tập thể Văn Chương, hiện bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hộ dân ở đây đã cơi nới, theo kiểu “đeo ba lô” cho căn hộ tạo ra hình ảnh một khu tập thể có tuổi đời hơn 50 năm càng thêm nhếch nhác.
Cạnh đó, khu vực quanh hồ Linh Quang đang có mật độ tập trung cao, hoạt động buôn bán tấp nập, dây điện, ô dù, mái che che chắn các hàng quán lấn chiếm chiếm gây mất mỹ quan đô thị. Hàng nghìn hộ dân ở khu tập thể Văn Chương đang phải sống trong chật hẹp, môi trường bị ô nhiễm.
Để thay thế hình ảnh trên, tại Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, khu tập thể Văn Chương và hồ Linh Quang lại được tạo thành điểm nhấn đô thị với cụm công trình cao tầng. Theo đó, UBND thành phố đề xuất lựa chọn phương án bố trí một công trình điểm nhấn chính cao 200 m tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang, tạo bố cục cân đối trong tổng thể không gian quy hoạch cảnh quan; gần với ga đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hiệu quả trong hoạt động theo đúng mô hình TOD - phát triển theo định hướng giao thông công cộng.
Như vậy, nếu đồ án được duyệt và đi vào thực hiện, thì khu phía Tây ga Hà Nội; trong đó, đặc biệt khu Văn Chương, sẽ là khu đô thị mới hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là sự tiện lợi trong đi lại của người dân với sự kết nối hệ thống giao thông công cộng, giao thông đường sắt đô thị. Đặc biệt, trong quy hoạch phân khu ga này, lần đầu tiên còn nghiên cứu đồng bộ về khai thác không gian ngầm.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong phạm vi lập đồ án cơ bản đã tính toán đáp ứng đủ theo chỉ tiêu quy định tại Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành tương ứng với dân số quy hoạch như trên. Đồ án nghiên cứu đề xuất 3 phương án thiết kế chiều cao các công trình trong phạm vi quy hoạch, các công trình cao từ 100 - 200 m xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang.
Tuy nhiên, UBND thành phố đề xuất lựa chọn phương án bố trí một công trình điểm nhấn chính cao 200 m tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang, tạo bố cục cân đối trong tổng thể không gian quy hoạch cảnh quan; gần với ga đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hiệu quả trong hoạt động theo đúng mô hình TOD - phát triển theo định hướng giao thông công cộng. Điều đáng nói, trong tổng diện tích 98,1 ha nói trên, hiện mật độ đất cho cây xanh chỉ đạt 1,5%, song ở đồ án quy hoạch này con số đã lên tới 10,5%.
Dù cấp thiết phải tái thiết ga Hà Nội và khu vực phụ cận. Khi tái thiết sẽ tăng được diện tích cây xanh và mật độ xây dựng giảm nhưng dư luận vẫn băn khoăn về chiều cao các công trình trong đồ án, liệu rằng có làm ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng quanh khu vực.
Bài cuối: Cao ốc và bài toán quá tải hạ tầng