Theo Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), quy hoạch ga Hà Nội phải bám sát Luật Đường sắt, Luật Thủ đô. Ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực nội đô, nên quy hoạch nhà ga sẽ phải nghiên cứu một cách tổng thể về dự kiến tương lai, việc kết nối với hệ thống đường bộ, giao thông đô thị, đặc biệt là đường sắt đô thị... từ đó mới có thể đưa ra được quy mô xây dựng nhà ga.
Ga Hà Nội là di tich lịch sử lâu dời của Thủ đô. |
"Phải có quy hoạch tổng thể tương lai nhà ga Hà Nội một cách chi tiết, từ đó mới xác định khối nào bao nhiêu tầng, làm gì, mở rộng đường bộ ra sao, kết nối đường sắt đô thị như thế nào và cả quy hoạch đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường nào đi trên, đường nào đi dưới… Đặc biệt, quy hoạch phải có sự thống nhất từ Chính phủ đến Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, trong đó, nêu rõ mục tiêu của quy hoạch để lấy ý kiến cộng đồng", đại diện lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.
Được biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang mời gọi các nhà đầu tư để cải tạo, sửa chữa nhà ga hiện có, còn tương lai theo quy hoạch, nhà ga như thế nào, sẽ do Bộ GTVT quyết định. Quỹ đất tại Ga Hà Nội hiện nay đã có chỉ giới đường đỏ được Hà Nội phê duyệt và thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, không thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000. Theo đó, quy hoạch chia 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40 - 70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch, khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40 - 60 tầng, bố cục ở phía tây nam khu đất lập quy hoạch, khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40 - 60 tầng…
Theo quy hoạch này, ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị và các loại hình vận tải đa phương thức của Thủ đô.