Anh hùng bắn rơi 7 máy bay địch
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy, còn gọi là Bảy A, sinh năm 1936, tại xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Năm 1953, không chịu lấy vợ theo ý gia đình, chàng thanh niên Nguyễn Văn Bảy theo bộ đội, trở thành du kích. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc; đến năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Lúc đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig15, Mig17. Tháng 4/1965, ông hoàn thành xuất sắc chương trình học lái Mig-17, trở về nước nhận nhiệm vụ lái Mig-17 đi đánh Mỹ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Văn Bảy thuộc biên chế của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 (mật danh Đoàn Yên Thế) và tham gia trận đánh đầu tiên trên vùng trời Bắc Sơn - Chi Lăng. Trong hai năm 1966-1967, ông đã lái chiếc MiG 17 xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và bắn rơi 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4).
Trong lần đầu xuất kích vào khoảng tháng 10/1965, máy bay của ông bị trúng nhiều đạn, trên thân và đuôi máy bay có những vết thủng lớn hơn cả bàn tay, nhưng ông vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay hạ cánh an toàn. Đây được xem là kỳ tích.
Liên tiếp các trận sau, Bảy A rút ra nhiều kinh nghiệm để bay, chiến đấu và đạt chiến công lẫy lừng khi bắn hạ được 7 máy bay địch.
Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong giới phi công quân sự trên thế giới, phi công nào bắn hạ được từ 5 máy bay của đối phương trở lên thì đạt được cấp ACE - cấp cao nhất. Việt Nam có 16 phi công đạt cấp này, riêng phi công Nguyễn Văn Bảy là người duy nhất dùng Mig-17 bắn rơi 7 máy bay địch.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, chiếc máy bay Mig-17 rất thô sơ, thấp hơn rất nhiều về tính năng tác chiến, kỹ thuật, vũ khí so với không quân Mỹ. Vì vậy, phi công Nguyễn Văn Bảy đã chọn cách đánh quần thảo, bám gần sau lưng máy bay địch để đánh. Do đó, ông Bảy chính là một trong những người đưa ra cách đánh du kích bằng không quân. Các thế hệ phi công sau này đều học tập cách đánh của ông.
Sau năm 1967, theo chính sách giữ gìn phi công giàu kinh nghiệm, ông không tiếp tục chiến đấu mà được rút về làm công tác huấn luyện, đào tạo và truyền thụ kinh nghiệm cho lớp phi công mới.
Ông từng tâm sự, cuộc đời ông gắn với con số 7: Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay Mig 17, được phong Anh hùng năm 1967...
Thời gian sau đó, ông được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.
Năm 1975, ông chỉ huy tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy không quân làm nhiệm vụ tại Campuchia.
Cuộc sống bình dị
Năm 1989, Đại tá Nguyễn Văn Bảy nghỉ hưu, về làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1990, ông về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) sống cảnh điền viên cùng gia đình.
Dù tài giỏi và lập được nhiều chiến công nhưng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy luôn là người chất phác, giản dị, được bà con lối xóm yêu mến, kính trọng.
Trở về quê nhà sau nhiều năm cống hiến cho đất nước, ông Bảy không nghỉ ngơi mà tiếp tục cống hiến cho quê hương, cộng đồng. Năm 2009, ông bà Bảy chuyển về quê là ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) sinh sống. Khu vực này là vùng sâu, không điện, không nước sạch, mưa lớn là ngập hết các lối đi. Khi về đây, ông Bảy đã vận động và tự thân đóng góp để xây đường bê tông, dựng cột điện, đưa điện và nước máy đến từng nhà, giúp điều kiện sống của bà con tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên hỗ trợ các cháu học sinh nghèo, hiếu học ở địa phương.
Ông sống cuộc sống bình dị, trồng lúa, làm vườn, đào ao trồng sen, nuôi cá… Công việc tuy nhiều lúc vất vả nhưng ông luôn vui vẻ, ông nói càng làm việc càng khỏe người...
Ông được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng ba.
Tên ông cũng được đặt cho một con đường tại phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.