George Washington (năm 1796): Bài diễn văn chia tay của ông là trường hợp đầu tiên và cũng là ấn tượng nhất trong lịch sử Mỹ.
Ông Washington và bài diễn văn chia tay. |
Bài diễn văn dài 32 trang giấy viết tay đã được in trọn trên tờ American Daily Advertiser ở Philadelphia vào ngày 19/9/1796. Qua đó, Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đã gửi gắm nhiều ý tưởng để người kế nhiệm tiếp tục định hình đất nước. Sau khi tạo tiền lệ hai nhiệm kỳ làm tổng thống, ông Washington tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Ông cũng cảnh báo các bè phái hay đảng chính trị có thể trở thành một mối đe dọa với nền thống nhất, một quan điểm gây tiếng vang trong bối cảnh chính trị phân cực ngày nay.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng thống Washington đã nhận lại các sai sót trong chính quyền và xin dân chúng Mỹ lượng thứ về những khiếm khuyết của mình.
Andrew Johnson (năm1869): Ông Johnson bước vào Nhà Trắng trong bối cảnh Tổng thống Lincoln bất ngờ bị ám sát. Ngày ông rời nhiệm sở thì Liên bang miền Bắc đã giành phần thắng trong cuộc nội chiến Mỹ, đất nước đang ở trong giai đoạn Tái kiến thiết đầy rẫy chông gai.
Thông điệp từ biệt của ông được đăng trên tờ New York Times bị xếp hạng là bài diễn văn chia tay ít giá trị nhất trong lịch sử Mỹ vì nó không phải một thông điệp truyền cảm hứng mà giống như một nỗ lực để minh oan và ghi điểm cho cá nhân ông Johnson.
Harry S. Truman (năm 1953): Ông Truman là người đầu tiên đọc diễn văn chia tay được truyền hình trực tiếp từ Phòng Bầu dục vào lúc 10h30 tối 15/1/1953.
Ông Harry S. Truman đọc thông điệp chia tay.
|
“Ông Truman đã thể hiện điều tốt nhất của mình”, nhà tiểu sử David McCullough viết. Bài phát biểu rời Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ thứ 33 là một lời nhắc nhở quan trọng về thực trạng thế giới đã thay đổi thế nào đối với người dân Mỹ trong nhiệm kỳ của ông và những năm tiếp theo, cũng như việc những đổi thay trên đã tác động đến vai trò tổng thống ra sao.
Nước Mỹ vẫn giữ vị trí hàng đầu trong trật tự thế giới mới, vừa trải các mối nguy như cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh Thế giới Hai và "nổi lên như một siêu cường, lần đầu trong lịch sử, mang trách nhiệm đối với toàn thể thế giới". Không một tổng thống nào trước đây phải đối với một gánh nặng toàn cầu như vậy.
Trong bài phát biểu, ông Truman thừa nhận các quyết sách của ông không phải lúc nào cũng hợp lòng dân chẳng hạn như đưa quân tới Hàn Quốc và ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, song cũng yêu cầu người dân Mỹ hãy đặt mình vào địa vị của ông. “Tôi mong mọi người nhận ra công việc này to lớn và khó khăn đến nhường nào. Điều này – không phải vì quyền lợi của tôi, bởi vì tôi sắp bước ra khỏi nó – mà cho quyền lợi của người kế nhiệm”.
Dwight D. Eisenhower (năm 1961): Là người kế nhiệm ông Harry Truman, trong lễ chia tay của mình, ông Eisenhower đã bàn cãi về tuyên bố “chịu trách nhiệm đối với toàn thế giới” đã đặt ra “những thách thức mới đối với sự thiết lập chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Cựu tướng thời Thế chiến Hai cũng cảnh báo về sự phát triển của các tổ hợp công nghiệp – quân sự. “Trong các hội đồng của chính phủ, chúng ta cần cảnh giác trước sự giành giật ảnh hưởng không chính đáng, cho dù mưu cầu hay không mưu cầu, bởi tổ hợp công nghiệp – quân sự”.
Bên cạnh đó, ông Eisenhower còn bày tỏ lo ngại đối với một số vấn đề nhức nhối, ví dụ như sự cần thiết phải dự trữ tài nguyên thiên nhiên.
Richard Nixon (năm 1974): Tổng thống Nixon, người đã từ chức sau vụ bê bối Watergate, ngày 9/8/1974 đã có đôi lời trước toàn thể nhân viên Nhà Trắng, mặc dù đó không phải là một bài diễn văn chia tay nhiệm sở chính thức giống với truyền thống.
Hôm đó, ông đã nói rằng: “Các bạn có mặt tại đây không phải để nói lời chào tạm biệt chúng tôi. Chúng ta sẽ còn gặp lại”. Dường như để tìm kiếm sự thương cảm, ông Nixon nói thêm: “Tôi chỉ ước mình là một gã giàu có. Hiện tại, tôi phải tìm cách để nộp tiền thuế”. Ngoài ra, ông cũng làm người nghe rớt nước mắt khi kể về những tấm gương kiên cường mà ông ngưỡng mộ, trong đó có cha của ông.