Trước những người cổ vũ hô vang “thêm 4 năm nữa”, ông Obama trả lời: “Tôi không thể làm việc đó", song ông nói thêm: “Tôi đã học được rằng thay đổi chỉ xảy ra khi những người bình thường cùng chung tay, tham gia và sát cánh cùng nhau để yêu cầu thay đổi. Sau tám năm làm tổng thống của các bạn, tôi vẫn tin điều đó. Và đó không chỉ là niềm tin của tôi. Đó còn là trái tim đang đập trong ý tưởng nước Mỹ của chúng ta, trong thí nghiệm của chúng ta về một chính phủ tự kiểm soát”.
Vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ cũng đề cập đến vấn đề sắc tộc, trong đó khẳng định đây là một vấn đề gây chia rẽ mạnh mẽ trong xã hội Mỹ và nước Mỹ cần đầu tư cho con em người nhập cư. Theo ông Obama, nếu như nước Mỹ không sẵn sàng đầu tư vào con em của người nhập cư chỉ vì họ không giống người Mỹ, thì điều đó có nghĩa là nước Mỹ đã triệt tiêu triển vọng của chính con em mình.
Theo Đài truyền hình CNN, thay vì tổ chức lễ chia tay tại Nhà Trắng thì ông lại chọn tới quê nhà Chicago, thành phố nơi ông từng tuyên bố chiến thắng hai mùa bầu cử 2008 và 2012, để phát biểu trước đám đông người ủng hộ, yêu quý ông.
“Tôi đến Chicago lần đầu khi tôi mới hơn 20 tuổi, vẫn đang cố gắng tìm ra bản ngã của mình, vẫn tìm kiếm một mục đích cho cuộc đời. Đây chính là nơi tôi ngộ ra rằng sự thay đổi chỉ xảy ra khi những con người bình thường gắn kết, đính hôn và tới bên nhau để đòi hỏi điều đó”, là những lời ông Obama sẽ nói trong bài diễn văn từ biệt của mình.
Chicago không chỉ là quê hương mà cũng là nơi ông Obama gặp gỡ “mảnh ghép” không thể thiếu trong cuộc đời mình là bà Michelle vào năm 1989 rồi kết hôn với bà 3 năm sau đó.
Trước thời điểm lễ từ biệt của ông sắp sửa diễn ra, nhà lãnh đạo 55 tuổi này đã viết trên Facebook rằng ông đang trở về thành phố “nơi mọi thứ bắt đầu”.
Trong thời khắc đáng nhớ hôm nay, Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ dự định làm sống lại tinh thần cấp tiến mà ông từng hy vọng nữ ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ sẽ lấy lại cho nước Mỹ.
Tổng thống Obama đăng status trên Facebook về sự kiện đọc diễn văn từ biệt. |
“Sau 8 năm làm Tổng thống của các bạn, tôi vẫn tin vào điều đó”, ông Barack Obama sẽ nói như vậy trước các khán giả Chicago, “Và đó không chỉ đơn thuần là niềm tin của riêng tôi. Nó là nhịp đập trái tim cho lý tưởng Mỹ của chúng ta – cuộc thử nghiệm dũng cảm của chúng ta trong một chính phủ tự trị”.
Theo các quan chức chính phủ, bài phát biểu chia tay Nhà Trắng của ông Obama sẽ không liên quan tới các chính sách hay công kích người kế nhiệm Donald Trump. Thông điệp của ông Obama sẽ chứa đựng một tầm nhìn “tràn hy vọng” cho tương lai.
Qua những lời từ biệt chân tình, Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ muốn đưa ra một tầm nhìn “hướng về phía trước” cho đất nước. Tuy không có ý chỉ đạo trực tiếp đối với tân tổng thống nhưng tầm nhìn của ông chắc chắn sẽ được xem như một lời khuyên dành cho nhà lãnh đạo tương lai.
Bên cạnh đó, ông cũng muốn khẳng định một lần nữa trước dân chúng Mỹ rằng “xứ sở cờ hoa” đã tốt đẹp hơn sau 8 năm nhiệm kỳ của ông.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng, Josh Earnest đã nói với các phóng viên có mặt trên chuyên cơ Không lực Một bay tới Chicago rằng ông Obama “biết ơn sâu sắc người dân Mỹ”.
Bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama là cốt lõi quan trọng nhất trong kế hoạch từ biệt đã được nhà lãnh đạo thực hiện suốt một tháng qua, bao gồm nhiều cuộc phỏng vấn báo chí, nhiều buổi trò chuyện trên truyền hình…
Trước đó, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama đã có cuộc chia tay đẫm lệ trên truyền hình. Ngồi bên cạnh người dẫn chương trình Oprah Winfrey và trước đám đông khán giả là các nhà giáo dục, bà Michelle đã rớt nước mắt nói: “Tôi hy vọng tôi làm mọi người tự hào”. Trên cương vị Đệ nhất Phu nhân, bà Michelle đã có 8 năm đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em Mỹ.