Cuộc đời bí ẩn của Tổng trấn La Mã, người ra lệnh đóng đinh Chúa Giêsu

Được biết đến nhiều nhất là người đã kết án tử hình Chúa Giêsu, Pontius Pilate còn là một nhân vật gây tranh cãi trong cả Kinh thánh và lịch sử.

Chú thích ảnh
Bức tranh "Ecce Homo" của Antonio Ciseri, tái hiện cảnh trước khi Chúa Giê-su bị đóng đinh câu rút. 

Pontius Pilate (hay Phongxiô Philatô) là Tổng trấn La Mã của xứ Judaea (vùng đất nay là Palestine và Israel), trong khoảng 10 năm. Được lịch sử nhớ đến nhiều nhất vì vai trò của ông trong vụ đóng đinh Chúa Giê-su, Pilate cũng là một nhân vật lịch sử bị những bí ẩn phủ bóng.

Những ghi chép trong lịch sử và mô tả trong Kinh thánh còn nhiều mâu thuẫn đã khắc họa Pilate như một bạo chúa tàn nhẫn không quan tâm đến luật pháp hay tâm tư của thần dân, hoặc một nhà lãnh đạo thất thường, dễ nổi nóng. Ngay cả những tình huống xung quanh việc ông ta kết án Chúa Giê-su cũng còn nhiều bí ẩn.

Pontius Pilate làm Tổng trấn xứ Judaea

Pontius Pilate là quan tổng trấn thứ năm của Judaea từ năm 26 đến năm 36 dưới triều đại của Hoàng đế La Mã Tiberius. Nhưng có rất ít ghi chép lịch sử về cuộc đời của Pilate trước khi ông trở thành tổng trấn.

Theo các tài liệu lịch sử, một số học giả tin rằng ông sinh ra ở Ý và xuất thân từ một gia đình cưỡi ngựa - một thành phần của giới quý tộc La Mã.

Từ đó, người ta tin rằng Pilate có thể đã gia nhập quân đội, một phần dựa trên chính cái tên của ông. Theo báo cáo của Hiệp hội Khảo cổ học Kinh thánh, từ “Pilatus” (tên Pilate theo tiếng Hy Lạp) có nghĩa là “được trang bị một cây lao”, cho thấy Pilate có thể đã phục vụ trong quân đội với tư cách là một tay ném lao điêu luyện.

“Dựa trên thông tin về các tổng trấn La Mã khác và về cách hệ thống đế quốc La Mã duy trì quyền kiểm soát, chúng ta có thể đoán một cách hợp lý rằng Pilate có lẽ đã từng trải qua một cuộc đời binh nghiệp mà rất có thể ông đã thểhiện nổi bật theo một cách nào đó với tư cách là một sĩ quan”, học giả Warren Carter trong cuốn sách "Pontius Pilate: Portraits of a Roman Governor" (Pontius Pilate: Chân dung một tổng trấn La Mã). “Chúng tôi cũng có thể khá tin tưởng rằng ông ấy thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội La Mã, rằng gia đình ông rất giàu có.”

Trong 10 năm giữ vai trò Tổng trấn, Pilate đã phụ trách thu thuế và giám sát các dự án xây dựng của Judaea. Tuy nhiên, ông nổi tiếng nhất với vai trò duy trì luật pháp và trật tự trong khu vực.

Mặc dù Pontius Pilate nắm giữ quyền lực cùng với một hội đồng Do Thái, nhưng các nhà sử học cho rằng ông có mối quan hệ sóng gió với những người mà ông cai trị. Theo Flavius ​​Josephus, một nhà sử học người Do Thái gốc La Mã ở thế kỷ thứ nhất, trong cuốn sách "Cuộc chiến của người Do Thái", Pilate đã từng khiến người Do Thái địa phương tức giận khi ra lệnh đặt hình ảnh của Caesar ở Jerusalem.

Josephus viết rằng Pilate “có ý định phá bỏ phong tục của người Do Thái bằng cách đưa vào thành phố tượng bán thân của hoàng đế Caesar, bất chấp luật pháp của chúng ta cấm tạo những hình tượng như vậy”.

Khi người dân phản đối, với 5 ngày bạo loạn, Pilate đã ra lệnh cho binh lính bao vây người biểu tình và đe dọa giết họ nếu họ không ngừng phản đối. Khi người Do Thái nói rằng họ thà chết chứ không thể chứng kiến luật pháp bị vi phạm, ông đành nhượng bộ, cho gỡ bỏ những hình ảnh về Ceasar.

Ngoài ra, Josephus viết rằng Pilate đã một lần nữa xúc phạm người Do Thái bằng cách sử dụng tiền từ Đền thờ Do thái để xây dựng cống dẫn nước đến Jerusalem. Khi một đám đông tập hợp để đối đầu với Pilate, ông đã cho quân lính đánh đập họ dã man cho đến khi họ giải tán, hoặc chết.

Kinh Phúc âm Lu-ca cũng nhắc lại một ví dụ về sự tàn bạo của Pilate, nêu rõ: “Một số người trong đám đông báo cho Chúa Giê-su biết rằng Pilate đã giết một số người Do Thái ở Ga-li-lê khi họ dâng lễ trong đền thờ, trộn máu của họ với đồ lễ mà họ dâng”.

Rõ ràng, các ghi chép trong lịch sử miêu tả Pilate là một nhà cai trị hà khắc và đôi khi tàn ác, sẵn sàng dùng vũ lực để bắt dân Judaea phải tuân phục. Nhưng nhiều văn bản Kinh thánh lại cho thấy Pilate thực ra có sự đồng cảm hơn, dù chính ông ta là người đã kết án tử hình Chúa Giê-su. Một số nhà thờ Thiên chúa giáo thậm chí còn công nhận vị tổng trấn La Mã là một vị thánh.

Phiên tòa và sự đóng đinh của Chúa Giêsu

Chú thích ảnh
Một bức tượng tạc Pontius Pilate (trái) và Chúa Giê-su ở Rome.

Theo kinh Phúc âm, Tòa Công luận đã cho bắt giữ Chúa Giê-su vì họ cảm thấy bị đe dọa bởi những lời dạy của ngài, cho rằng ngài tự xưng là “Vua của người Do Thái” và điều này bị coi là báng bổ và phản quốc.

Những người lính giải Chúa Giê-su đến trước Pontius Pilate để xét xử, nhưng Pilate đã miễn cưỡng kết án ngài. Các sách Phúc âm cũng miêu tả Pilate là người khá mâu thuẫn và thiếu quyết đoán khi phán xét số phận của Chúa Giê-su.

“Các ông buộc tội gì người đàn ông này?”, ông hỏi Tòa công luận. Hội đồng Do Thái trả lời: “Nếu ông ta không phải là tội phạm, thì chúng tôi đã không nộp ông ta cho quý vị.”

Không thấy bất kỳ cơ sở pháp lý nào để kết án tử hình Chúa Giê-su, Pilate đã tìm cách trì hoãn trách nhiệm, nói với các trưởng lão Do Thái: “Các ông hãy bắt hắn và xét xử theo luật của các ông”. Nhưng họ từ chối. Xét cho cùng, Pilate là người duy nhất có thẩm quyền ra lệnh tử hình, và họ muốn Chúa Giêsu bị xử tử.

Theo kinh Tân Ước, trước sự khăng khăng của các trưởng lão Do thái, Pilate cuối cùng đã nhượng bộ yêu cầu của chính quyền Do Thái và ra lệnh đóng đinh Chúa Giê-su. Người ta nói rằng vào thời điểm đó, Pilate đã rửa tay trước Hội đồng Do Thái theo đúng nghĩa đen, từ chối trách nhiệm của mình và đó đổ lỗi cho người Do Thái.

Nhà sử học Matthew viết: “Khi Pilate thấy mình chẳng được gì mà lại chuốc thêm náo loạn, thì ông lấy nước rửa tay trước mặt đám đông, rồi nói: ‘Ta vô tội với máu người này; hãy tự lo lấy'”.

Sau đó, Pilate được cho là đã ra lệnh khắc dòng chữ “Jesus of Nazareth, Vua dân Do Thái” trên thập tự giá treo Chúa Giê-su. Một số người nghĩ rằng điều này nhằm chế giễu Chúa Giê-su, nhưng những người khác tin rằng Pilate thực sự có ý đó và ông ta thực sự đã coi Chúa Giê-su là Vua của dân Do Thái.

Những năm cuối đời bí ẩn của Pontius Pilate

Theo "Những bức thư của Herod và Pilate" - một bộ sưu tập những bức thư trao đổi giữa Pontius Pilate và Vua Herod, Pilate được cho là đã bị dày vò bởi cảm giác tội lỗi sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ Pilate định tự sát sau khi bị thất sủng.

Trong một lá thư, Pilate nói về việc gặp Chúa Giê-su phục sinh và ăn năn về vai trò của mình trong cái chết của Ngài. “Còn chúng tôi, khi thấy Ngài, tất cả chúng tôi đều sấp mặt xuống dưới chân Ngài. Và tôi nói lớn, tôi đã phạm tội... Tôi biết rằng Ngài là Chúa, Con của Chúa, và tôi đã nhìn thấy nhân tính của Ngài chứ không phải thần tính. Nhưng vua Herod cùng với những người con của Israel đã dụ tôi làm điều ác cho vua. Vì vậy, xin thương xót tôi, hỡi Đức Chúa của Israel!”

Mặc dù nhiều học giả vẫn nghi ngờ tính xác thực của những bức thư này, nhưng những văn bản này khám phá một giả thuyết về những gì đã xảy ra với viên Tổng trấn sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh: ông đã cải đạo sang Cơ đốc giáo và trở thành một tín đồ sùng đạo của Chúa Giê-su.

Theo các tài liệu lịch sử khác, đáng tin cậy hơn, Pilate đã mất chức sau khi được cho là đã tàn sát một nhóm người Samari đang cố gắng lên một ngọn núi để tìm kiếm các thánh tích ở nơi mà họ tin rằng Moses (lãnh tụ Do thái) đã được chôn cất ở đó.

Pontius Pilate bị đưa tới Rome để tường trình về những hành động của mình với chính hoàng đế La Mã.

Các sử gia không chắc liệu ông có được an toàn trở về từ Rome hay không. Nếu ông làm thế, rất có thể hoàng đế đã cách chức ông hoặc ông xin nghỉ hưu, vì Pilate không bao giờ trở lại cai trị xứ Judae nữa.

Một số nguồn tin nói rằng Pontius Pilate đã cải đạo sang Cơ đốc giáo, trong khi những nguồn khác lại cho rằng kết cục của ông đen tối hơn. Một số người tin rằng Hoàng đế La Mã Caligula đã xử tử Pilate, hoặc ông bị lưu đày và chết do tự sát.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo ATI)
Đánh cắp gần 300 kiệt tác về ngắm, tên trộm ra tay vì đam mê
Đánh cắp gần 300 kiệt tác về ngắm, tên trộm ra tay vì đam mê

Chỉ với một dụng cụ nhỏ là con dao của quân đội Thụy Sĩ cùng sự trợ giúp của bạn gái, “siêu trộm” người Pháp Stéphane Breitwieser đã đánh cắp gần 300 tác phẩm nghệ thuật tại các bảo tàng và nhà thờ trên khắp châu Âu vào cuối những năm 1990, đầu năm 2000 với tổng giá trị ước tính vào khoảng 2 tỷ USD. Điều đáng chú ý ở đây là tay trộm này thú nhận hắn ăn trộm không phải vì tiền mà vì muốn thưởng thức nghệ thuật mà thôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN