Chuyện hậu trường sản xuất phim “Bố già” - Kỳ cuối

Quá trình đấu tranh với các ông chủ hãng phim Paramount đã giúp Coppola có thể làm được bộ phim theo ý muốn. Nhưng rủi ro của việc này là một khi bộ phim đã trở thành đứa con của Coppola và nếu có chuyện gì xảy ra, hãng phim sẽ tìm ngay ra được người để sa thải.

ĐẦU XUÔI ĐUÔI LỌT

Ngoài cuộc chiến căng thẳng khi chọn diễn viên, những người làm phim “The Godfather” còn phải đối đầu với mafia ngoài đời thực khi giới này không hài lòng với việc một bộ phim về găngxtơ Italy kinh phí lớn lên màn ảnh. 

Vượt qua chướng ngại vật

Joe Colombo, thủ lĩnh một trong năm gia đình mafia khét tiếng New York, cũng là sáng lập tổ chức Liên đoàn quyền dân sự người Mỹ gốc Italy. Đây là tổ chức vận động chống định kiến với người Italy trên truyền thông. Liên đoàn đã giành được một số chiến thắng trong những năm gần đây, đã vận động thành công các báo, mạng lưới truyền hình, thậm chí cả Bộ Tư pháp Mỹ để thay thế các cụm từ như mafia hay “La Cosa Nostra” bằng các từ trung tính hơn như băng đảng, thế giới ngầm... Liên đoàn này đang ở đỉnh cao quyền lực đầu những năm 1970 và đang để mắt tới “The Godfather”.

Câu hỏi được đặt ra là sẽ đối phó với các băng đảng như thế nào nếu họ tìm cách ngăn chặn dự án làm phim. Nhà sản xuất Albert Ruddy quyết định đối mặt với vấn đề. Anh gặp Colombo trong văn phòng của liên đoàn để thảo luận các mối quan ngại chung. Anh thậm chí còn cho Colombo xem kịch bản phim. Yêu cầu của Colombo hóa ra lại rất đơn giản: Ông ta không muốn phim có bất kỳ định kiến hay chất giọng Italy nào. Ruddy đảm bảo với Colombo rằng đạo diễn Coppola không định sử dụng kiểu nói đặc trưng của mafia Italy và cam kết bỏ mọi thứ liên quan tới từ mafia trong kịch bản.

Các diễn viên Al Pacino, Marlon Brando, James Caan, John Cazale.

Colombo không biết rằng việc bỏ các từ mafia trong kịch bản là điều quá dễ dàng vì những kẻ thuộc mafia không ngồi bàn tán về cái tên của mình. Colombo đã đồng ý không phản đối bộ phim “The Godfather” và thậm chí còn cho một số tay chân để kiểm soát đám đông và làm các việc vặt hỗ trợ quá trình quay phim. Năm 1971, trong quá trình quay phim “The Godfather”, Colombo đã bị kẻ thù bắn, rơi vào hôn mê tới năm 1978 và chết sau đó.

Quá trình đấu tranh với các ông chủ hãng phim Paramount đã giúp Coppola có thể làm được bộ phim theo ý muốn. Nhưng rủi ro của việc này là một khi bộ phim đã trở thành đứa con của Coppola và nếu có chuyện gì xảy ra, hãng phim sẽ tìm ngay ra được người để sa thải.

Việc quay bộ phim “The Godfather” khởi đầu gian nan. Diễn xuất của Brando trong những cảnh đầu vụng về và không cảm xúc đến mức Coppola đã phải dành thêm thời gian để ghi hình lại. Các cảnh quay đầu tiên của Al Pacino cũng không hứa hẹn nhiều. Trong đó, Pacino diễn cảnh một người con quyết tâm không dính líu đến “công chuyện” của gia đình. Pacino diễn cảnh này đúng với nhân vật tới mức, khi các ông chủ Paramount xem các đoạn đầu tiên, họ cho rằng anh này không thể vào vai một mafia.

Trong lúc đó, trường quay rộ tin đồn rằng Coppola và Pacino đều sắp bị sa thải. Cả hai tin rằng những ngày cuối cùng của mình đang đến gần. Đó là một trong những lý do mà Coppola chọn em gái Talia Shire vào vai con gái Don Corleone. Anh cho rằng nếu chẳng may có bị mất việc thì ít nhất em gái cũng có điều gì đó với bộ phim.

Hơn 30 năm sau, không ai biết tin đồn đó thực hư là thế nào, đặc biệt là khi bộ phim đã được coi là tác phẩm điện ảnh kinh điển. Những người muốn sa thải cặp đôi lúc đó giờ có thể chỉ thích “kể công” vì đã phát hiện ra họ. Tuy nhiên, thời đó, mối đe dọa là có thật. Diễn viên Marlon Brando đã cứu Coppola bằng cách dọa ngược lại rằng ông sẽ bỏ vai diễn nếu Coppola không làm đạo diễn.

Al Pacino cũng cứu chính mình khi anh đóng cảnh giết Virgil Sollozzo và đại úy McCluskey trong một nhà hàng Italy. Đó là cảnh đầu tiên mà anh có cơ hội đóng vai kẻ giết người máu lạnh và anh thực hiện khá thành công. Cuối cùng thì hãng Paramount có thể thấy rằng Pacino có thể đóng vai mafia.

Khi các chướng ngại vật ban đầu được loại bỏ, quá trình sản xuất tiến triển, đúng lịch trình và ngân sách. Marlon Brando làm việc hết mình và có một vai diễn tuyệt nhất sự nghiệp. Các diễn viên khác cũng diễn xuất xuất sắc. Khi các giám đốc Paramount xem xét các cảnh quay sau mỗi ngày bấm máy, mọi người đều sớm nhận ra rằng “The Godfather” sẽ là một phim xuất sắc.

Kỷ lục của “Bố già”

Trong 62 ngày quay phim, Coppola ghi hơn 90 tiếng hình. Sau đó, anh và 6 biên tập phim đã cắt xuống để cho ra đời một bộ phim dưới 3 tiếng. Paramount đã bắt Coppola cắt xuống còn 2,5 tiếng. Tuy nhiên, bản này khiến quá nhiều cảnh quay hay bị cắt bỏ nên cuối cùng hãng phim quyết định dùng bản lúc đầu của Coppola. Lúc hoàn thành phim và trước cả khi phim ra rạp, “The Godfather” đã thu về lợi nhuận. Có quá nhiều rạp đổ xô đăng ký trước, đến nỗi số tiền họ thu về đã gấp đôi chi phí bỏ ra.

Việc các rạp đặt trước là dấu hiệu đầu tiên cho thấy “The Godfather” sẽ kiếm được bộn tiền. Một dấu hiệu khác là vào ngày 15/3/1972, ngày bộ phim ra mắt ở Mỹ. Sáng hôm đó, khi Albert Ruddy lái xe đi làm, anh nhìn thấy mọi người xếp hàng chờ trước rạp đang chiếu “The Godfather”. Lúc đó mới chỉ 8 giờ 15 mà suất chiếu đầu tiên phải vài giờ sau. Các rạp khắp nước Mỹ đều như vậy.

Hàng dài khán giả chờ đợi kéo dài hàng tuần liền. Bộ phim thiết lập mọi kỷ lục phòng vé. Trong tháng 4, “The Godfather” trở thành bộ phim đầu tiên thu về hơn 1 triệu USD trong một ngày. Trong tháng 9, “The Godfather” trở thành bộ phim thu về lợi nhuận lớn nhất mà Hollywood từng sản xuất. Trong 6 tháng, bộ phim đã giúp hãng Paramount thu về số tiền nhiều hơn số tiền mà bộ phim kỷ lục trước đó là “Cuốn theo chiều gió” kiếm được trong 33 năm. Tổng cộng, phim này giúp hãng Paramount thu về hơn 85 triệu USD trong lần ra mắt đầu tiên.

Được đề cử 10 giải Oscar, “The Godfather” giành tượng vàng cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Brando), kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất (Coppola và Puzo) và phim hay nhất.

“The Godfather” đã phục hồi sự nghiệp của diễn viên Marlon Brando và làm bệ phóng cho đạo diễn Francis Ford Coppola cùng dàn diễn viên như Al Pacino, Robert Duvall, Diane Keaton, James Caan, Talia Shire... Nhiều năm sau, nhà sản xuất Albert Ruddy nói: “Điều mà tôi thích nhất về sự thành công của bộ phim là tất cả mọi người cố gắng hết sức với bộ phim này sau đó đều nhận được một điều đặc biệt và có một sự nghiệp tốt. Tất cả những người này cùng tập hợp trong một thời điểm thần kỳ và đó là ngã rẽ trong sự nghiệp của tất cả mọi người. Đó là điều tuyệt vời”.
Thùy Dương
Chuyện hậu trường sản xuất phim “Bố già” - Kỳ 2
Chuyện hậu trường sản xuất phim “Bố già” - Kỳ 2

Robert Evans, Phó Chủ tịch Paramount phụ trách sản xuất, ngần ngại với việc chọn Coppola làm đạo diễn. Hơn nữa, anh này chỉ đồng ý làm phim nếu có ngân sách đủ lớn để đạo diễn bộ phim theo ý muốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN