CHẬT VẬT TÌM ĐẠO DIỄN
Năm 1955, tác giả Mario Puzo đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay “The Dark Arena” (Đấu trường u ám), viết về một cựu binh Mỹ và cô bạn gái người Đức sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Giới phê bình ca ngợi cuốn tiểu thuyết, nhưng không nhiều người mua cuốn sách.
Mãi đến 9 năm sau, nhà văn Puzo mới viết xong cuốn tiểu thuyết tiếp theo “The Fortunate Pilgrim” (Người hành hương may mắn), kể về một người nhập cư Italy lên là Lucia Santa sống ở khu vực Hell’s Kitchen thuộc thành phố New York. Sau hai cuộc hôn nhân bất hạnh, Lucia nuôi các con một mình và lo lắng về cô con gái đã bị Mỹ hóa quá mức và cậu con trai đang bị lôi kéo vào mafia.
Ngày nay, tác phẩm “The Fortunate Pilgrim” được coi là một tác phẩm kinh điển còn tác giả Puzo coi cuốn tiểu thuyết là cuốn sách hay nhất ông từng viết. Tuy nhiên, người đọc cũng không mấy hào hứng với cuốn sách thứ hai này. Với hai tiểu thuyết, tác giả Puzo chỉ kiếm được 6.500 USD. Lúc đó, ông 45 tuổi, nợ 20.000 USD và chán nản vì khánh kiệt. Ông muốn cuốn tiểu thuyết tiếp theo sẽ thành công. Nhiều năm sau, ông nhớ lại: “Tôi nhìn quanh và nói mình tốt hơn hết là phải kiếm chút tiền”.
Tác giả Puzo cho rằng một câu chuyện với cả gia đình làm găngxtơ sẽ hấp dẫn người đọc hơn là chỉ một thành viên gia đình như trong tác phẩm “The Fortunate Pilgrim”. Ông đặt tên tiểu thuyết thứ ba là "Mafia". Vận may của ông đã thay đổi khi ông được nhà xuất bản trả trước 50.000 USD. Sau khi ông mới chỉ hoàn thành cốt truyện và 114 trang, hãng phim Paramount Pictures đã mua bản quyền để dựng thành phim với giá 12.000 USD, đồng thời chấp nhận trả thêm 50.000 USD nếu bộ phim ra đời.
Đạo diễn Coppola năm 1976. |
Quyết định của ông Puzo đã thành công. Tác phẩm "Mafia", được đổi tên thành “The Godfather”, đã trở thành một hiện tượng xuất bản. Cuốn tiểu thuyết thành công nhất những năm 1970 này đã bám trụ 67 tuần trong danh sách bán chạy nhất. Hơn 21 triệu bản đã được bán hết trước khi cuốn sách này được chuyển thể thành phim.
Tuy nhiên, điều lạ lùng là thành công của cuốn tiểu thuyết đã làm ảnh hưởng tới quá trình đầu tư cho bộ phim. Các phim trường thường để mắt tới sách bán chạy vì họ biết bộ phim dựa trên sách đã có một lượng khán giả đảm bảo. Người hâm mộ cuốn sách kiểu gì cũng tới rạp để xem các nhân vật trong sách bước lên màn ảnh. Do đó, các hãng phim cho rằng không dại gì phải tốn thêm tiền cho bộ phim. Các giám đốc trường quay thiển cận thường tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất phim càng nhiều càng tốt. Tại thời điểm đó, hãng phim Paramount đang khó khăn về tài chính và bộ phim mới nhất về đề tài mafia “The Brotherhood” đã không thành công. Hãng phim này không có đủ tiền cho một sai lầm đắt giá nữa. Hãng chỉ dành ngân sách 2 triệu USD cho sản xuất phim “The Godfather”, một số tiền rất nhỏ ngay cả là vào thời đầu những năm 1970.
Bìa cuốn sách “The Godfather”. |
Số tiền này không đủ để làm một bối cảnh phim tử tế thời đương đại, chứ đừng nói là làm bối cảnh cho một tác phẩm có thời gian kéo dài từ năm 1945 đến 1955. Hơn nữa, bối cảnh lại ở Manhattan, một trong những nơi đắt đỏ nhất ở Mỹ để quay phim. Để tiết kiệm chi phí, hãng Paramount quyết định dịch bối cảnh thời gian phim lên những năm 1970 và dự định bấm máy ở một thành phố miền Trung Tây như Kansas hay một trường quay mô phỏng lại cảnh đường phố ở New York thay vì ra đường phố thật để quay. Tên phim vẫn sẽ là “The Godfather”.
Hãng Paramount đã ký hợp đồng với Albert Ruddy để sản xuất phim. Ruddy mới sản xuất có ba phim điện ảnh và cả ba đều thua lỗ. Tuy nhiên, điều khiến hãng phim ấn tượng là Ruddy cũng làm phim với ngân sách ít. Đó chính là điều hãng này đang tìm kiếm với phim “The Godfather”. Đối với họ, cho dù phim thất bại thảm hại thì họ cũng thu được lợi nhuận nhanh chóng nhờ lượng khán giả sẵn có và kinh phí bỏ ra thấp.
Ở Hollywood, ai cũng biết Paramount đang định lừa hàng triệu người hâm mộ cuốn tiểu thuyết của tác giả Puzo. Đạo diễn nào lại muốn làm một bộ phim cẩu thả như vậy? Chỉ cần làm vậy cũng đủ để hủy hoại sự nghiệp. Ruddy đã tiếp cận vài đạo diễn tên tuổi để mời họ làm phim nhưng tất nhiên không ai quan tâm. Vì thế, ông đã tìm tới một đạo diện trẻ đang “đói phim” tên là Francis Ford Coppola. Ngay cả đạo diễn này cũng từ chối.
Trong sự nghiệp non trẻ của mình, Coppola khi đó 31 tuổi mới chỉ đạo diễn 4 phim và đều thất bại thảm hại. Với “thành tích” đó, Coppola không thể quá kén chọn nhưng khi Albert Ruddy đề nghị anh làm đạo diễn “The Godfather” mùa xuân năm 1970, Coppola đã mua ngay cuốn sách, chỉ đọc một đoạn đầu cuốn sách rồi phán tác phẩm này là rác rưởi, sau đó bảo Ruddy tìm người khác.
Giới điện ảnh biết ơn nhà làm phim George Lucas với bộ phim “Star Wars” (Chiến tranh giữa các vì sao). Họ có thể cảm ơn ông vì đã đẩy Coppola tới với phim “The Godfather”. Tháng 11/1969, Coppola đã thành lập công ty phim riêng tên là American Zoetrope. Dự án đầu tiên của công ty là làm nhà sản xuất cho bộ phim THX-1138 của George Lucas. Ngày nay, phim này là phim kinh điển, nhưng khi mới ra mắt lần đầu, bộ phim đã suýt khiến công ty American Zoetrope phá sản. Coppola chật vật duy trì công ty, khó khăn đến mức khi Ruddy đề nghị anh làm đạo diễn cho “The Godfather” lần hai vào cuối năm 1970, anh đã đồng ý xem lại cuốn tiểu thuyết.
Lần này, Coppola đọc một mạch cuốn tiểu thuyết. Anh thấy thêm nhiều phần mình không thích nhưng cũng bị hấp dẫn bởi cốt truyện về mối quan hệ giữa Bố già Don Corleone và ba cậu con trai. Anh nhận thấy rằng nếu có thể bỏ những đoạn khủng khiếp và tập trung vào các nhân vật trung tâm thì “The Godfather” sẽ trở thành một bộ phim rất hay.