Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tham dự buổi lễ có ông Benoit Guidée - Vụ trưởng Vụ châu Á và Châu Đại Dương, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, bà Simona Mirela Miculescu - Chủ tịch Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, cùng gần 500 quan khách là đại diện các cơ quan hữu quan Pháp, các hội đoàn hữu nghị với Việt Nam, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội người Việt tại Pháp, bà con kiều bào và bạn bè Pháp.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thời khắc diễn ra Lễ kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, khi nước Pháp vừa tổ chức thành công Thế vận hội Olympic và Paralympic ấn tượng nhất từ trước tới nay, khi tất cả người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế cùng hướng về Việt Nam với sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc trước những mất mát đau thương mà các nạn nhân của cơn bão Yagi đã phải hứng chịu trong những ngày gần đây ở miền Bắc Việt Nam và các khu vực lân cận của châu Á.
Nhắc lại những sự kiện lớn đánh dấu mốc son mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp như lễ kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ tại Việt Nam với sự hiện diện lần đầu tiên của Bộ trưởng Quân đội Sébastien Lecornu và Bộ trưởng Cựu chiến binh và Ký ức, Patricia Miralles, Đối thoại cấp cao thường niên lần thứ 8 về kinh tế Việt Nam - Pháp tại Paris, hay mới đây nhất là việc đưa vào sử dụng tuyến số 3 của Metro Hà Nội với sự giúp đỡ và một phần vốn ODA của Pháp, Đại sứ nhấn mạnh: "Lịch sử đã tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa hai nước chúng ta, với những mối quan hệ đặc biệt về chính trị, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, ngôn ngữ và giao lưu nhân dân. Vào năm 2024, hai nước chúng ta tiếp tục nỗ lực tăng cường sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ thân thiết, vun đắp tình hữu nghị và làm sâu sắc thêm sự hợp tác".
Đại sứ cho rằng sau hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao và một thập kỷ quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước kỷ niệm vào năm trước, quan hệ Việt Nam-Pháp đã phát triển về chiều sâu trên mọi lĩnh vực. Kết quả hữu hình của sự hợp tác này đã và đang mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Dù trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học hay giáo dục, hợp tác Pháp - Việt đều ngày càng phát triển. Mối quan hệ đặc quyền này dựa trên các giá trị và tầm nhìn chiến lược chung. Hai nước đã xác định lộ trình đầy tham vọng nhằm tăng cường quan hệ đối tác, đặc biệt trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo và chuyển đổi kỹ thuật số. Việt Nam và Pháp không bỏ lỡ mọi cơ hội gặp gỡ và bày tỏ rõ ràng mong muốn nỗ lực hơn nữa để đối mặt với những thách thức của hôm nay và ngày mai.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ niềm tự hào của Việt Nam về những thành tựu quan trọng đã đạt được, cả về hiệu quả kinh tế, tiến bộ xã hội và vị thế trên trường quốc tế. "Những thành tựu này là thành quả của chính sách đối ngoại độc lập, rộng mở và hội nhập mà chúng tôi không ngừng theo đuổi cả trong khu vực và quốc tế. Cam kết của chúng tôi đối với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế đã giúp củng cố vị thế của chúng tôi trên trường toàn cầu", Đại sứ khẳng định.
Chia sẻ thông điệp với đại diện các tổ chức quốc tế có trụ sở tại thủ đô Paris, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng đối mặt với những thách thức phức tạp của thế kỷ 21, hợp tác quốc tế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, Việt Nam quyết tâm đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng một thế giới công bằng hơn, bền vững hơn và thịnh vượng hơn.
Hoan nghênh những thành tựu đã đạt được trong hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế hàng đầu có trụ sở tại Paris. Đại sứ Đinh Toàn Thắng cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm thúc đẩy và tăng cường các mối liên kết đã được thiết lập giữa Việt Nam với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED), cũng như giữa các nước thành viên trong các tổ chức này, đồng thời kêu gọi Việt Nam, Pháp và tất cả các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác và đoàn kết, giống như phương châm của Olympic: "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh mẽ hơn, cùng nhau".
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện phía Pháp, ông Benoit Guidée, Vụ trưởng Vụ châu Á và Châu Đại Dương, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, gửi lời chúc mừng đất nước và nhân dân Việt Nam nhân dịp lễ Quốc khánh, nhưng cũng không quên bày tỏ tình đoàn kết và sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc của chính phủ và nhân dân Pháp tới các nạn nhân của cơn bão Yagi ở Việt Nam.
Ông Benoit Guidée cho rằng năm 2024 là một năm đặc biệt đối với Pháp khi chào đón một số sự kiện quốc tế lớn như Thế vận hội Olympic và Paralympic với tinh thần hòa nhập và tình huynh đệ giữa các châu lục, và sắp tới đây sẽ là Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ với sự hội tụ của các quốc gia cùng sử dụng chung ngôn ngữ tiếng Pháp, không chỉ được coi như là phương tiện của sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, mà còn là công cụ thúc đẩy sự đổi mới và thịnh vượng chung. Trong các sự kiện này, ông Benoit Guidée đánh giá cao sự tham gia của những người bạn Việt Nam, và coi đó như là "minh chứng cho chất lượng và sự đa dạng của mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước".
Mặt khác, theo ông Benoit Guidée, năm 2024 là một năm mới làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, trên ba trục: củng cố mối quan hệ đối tác để tăng cường chủ quyền trên mọi phương diện ; thiết lập các điều kiện cho sự phát triển bền vững ; đa dạng hóa các hình thức giao lưu giữa nhân dân hai nước. Viện dẫn nhiều ví dụ cụ thể góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Pháp và Việt Nam trên ba trục này, ông Benoit Guidée khẳng định "đội ngũ của chúng tôi, ở Paris và Hà Nội, đang nỗ lực đóng góp vào mối quan hệ này mỗi ngày và sẽ tiếp tục làm như vậy với sự nhiệt tình đặc biệt của họ". Nhân dịp này, đại diện của Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi : "Cùng nhau, chúng ta hãy tiếp tục thúc đẩy động lực này để ủng hộ mối liên kết vô cùng đặc biệt đó là mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam!"
Tại buổi lễ, những người tham dự đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam trình diễn. Bên cạnh đó, bạn bè quốc tế và kiều bào cùng nhau tận hưởng các món ẩm thực truyền thống và ngắm nhìn những bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như quá trình phát triển của đất nước và con người Việt Nam.