Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Pháp, siêu thị nhỏ Saigon Store ở số 6 phố Doudart de Lagrée, thành phố Grenoble, là nơi hằng ngày hai vợ chồng ông bà Quan Du và Lê Ngọc Nga đi về. Hàng hóa nơi đây chủ yếu nhập từ châu Á, đặc biệt là hàng Việt Nam. Cửa hàng nhỏ nhưng luôn đông khách, đa số là Việt kiều và những người Pháp thích ăn đồ Á. Đây cũng là địa chỉ mà các du học sinh Việt Nam thường xuyên lui tới. Họ đến, một phần để mua đồ Việt, nhưng phần lớn là muốn được hưởng tình cảm yêu thương, chăm sóc của ông bà chủ, những người luôn sẵn sàng giúp đỡ đùm bọc các em du học sinh chân ướt chân ráo đến nhập học, hoặc lúc gặp khó khăn nơi đất khách quê người.
Là người gốc Kiên Giang, đến Pháp lập nghiệp từ đầu những năm 1980, ông bà Du cũng trải qua những tháng ngày khởi đầu đầy khó khăn, cơ cực nơi đất khách quê người. Với sự giúp đỡ của các hội đoàn từ thiện, ông bà dần ổn định cuộc sống, mua cửa hàng, mua nhà và phát triển được cơ ngơi đàng hoàng như hiện nay. Thấu hiểu nỗi vất vả của những bạn trẻ khi học tập và nghiên cứu nơi xa xứ, ông bà Du luôn sẵn sàng giúp đỡ họ từ tài chính đến tình cảm, từ thời gian đến công sức.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Du chỉ nghĩ đơn giản vì thương các em, các cháu đơn độc nơi đất khách quê người, nên mặc dù bận rộn kinh doanh, ông vẫn sẵn sàng giúp đỡ khi các em sinh viên nhờ: từ dọn nhà, sửa đồ, đến mua những chiếc tủ, chiếc ghế giá rẻ, tự mình sơn sửa lại rồi mang cho các em dùng khi cần; từ tìm kiếm bác sĩ cho các cháu sinh viên mới sang, đến hướng dẫn làm thủ tục giấy tờ giúp các học sinh, sinh viên tự tin ở lại học tập. Với các hoạt động lễ hội Tết, Trung thu do Hội sinh viên thành phố tổ chức, ông bà Du luôn nhiệt tình ủng hộ, trợ giúp, khi thì vật chất, lúc là tài chính, giản dị thôi nhưng ấm tình đồng bào. Và không chỉ người Việt Nam, mà với người Lào, người Thái, bất cứ ai cần ông bà đều giúp đỡ, do đó luôn được mọi người yêu quý. Với nụ cười hiền trên môi, ông Du tâm sự: “Tôi chỉ muốn người Tây thấy rằng bản chất người Việt Nam là rất tốt, không thể chê điểm nào”.
Luôn âm thầm đứng sau các hoạt động của Hội sinh viên Việt Nam tại Grenoble, ông bà Du từ lâu đã trở thành chỗ dựa vật chất và cả tinh thần, là một phần không thể thiếu của Hội để rồi mỗi khi đến, các bạn sinh viên thường gọi là “cô chú Du” đầy trìu mến và chào đón họ như những người thân trong gia đình.
Tiến sĩ Phan Hải Triều, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Isère, cựu Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Grenoble biết đến “cô chú Du” từ năm 2007 khi anh sang du học tại thành phố Grenoble. Anh chia sẻ: "Chúng tôi luôn nhận được sự chăm sóc quan tâm của cô chú mỗi lần đến mua đồ. Khi thì giảm giá, lúc tặng đồ ăn, khi thì cô chú gửi đồ ăn ủng hộ Ban tổ chức lễ hội Tết truyền thống của sinh viên, lúc lại làm lồng đèn, tặng quà cho các cháu nhỏ con em Việt kiều trong dịp lễ Trung Thu, mặc dù bận rộn với công việc thương trường, nhưng cô chú luôn dành thời gian giúp mọi người, không nề hà tuổi cao sức yếu. Với cô chú, lúc nào cũng là sự tận tâm, gần gũi và thân thiện".
Chị Trần Thị Thúy Hiền, Tiến sĩ ngôn ngữ thuộc Trung tâm ngôn ngữ GIPSA-Lab, thành phố Grenoble không giấu được những giọt nước mắt cảm động khi nhớ lại những tháng ngày chị mới đến thành phố miền Trung nước Pháp này. Chị tâm sự: “Cô chú Du là những Việt kiều đầu tiên tôi gặp và may mắn được giúp đỡ khi đến học ở Grenoble. Không chỉ với riêng tôi, cô chú rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt nói chung bởi tấm lòng nhân hậu và nhiệt thành. Còn Hội sinh viên Việt Nam ở Grenoble thì luôn biết ơn về sự giúp đỡ âm thầm và vô điều kiện của cô chú”.
Kể lại kỷ niệm những lần được ông bà Du giúp đỡ lúc khó khăn, chị Hiền xúc động khẳng định: “Cô chú là một phần không thể thiếu được đối với hội sinh viên chúng tôi”. Bày tỏ sự biết ơn đối với sự giúp đỡ đầy nhân văn của họ, chị Hiền cho rằng “đó không còn là hành động giúp đỡ đơn thuần mà là hiện thân của lòng nhân ái vô điều kiện, sự chia sẻ giữa những người Việt với nhau”.
Bước sang tuổi “Thất thập cổ lai hy”, cũng đã đến lúc nghỉ hưu, ông Du cho biết sẽ để lại cửa hàng cho các bạn trẻ và mong rằng những người tiếp quản cửa hàng sẽ tiếp tục giúp đỡ cộng đồng bà con và đặc biệt là các em du học sinh, để phát huy truyền thống cao đẹp của người Việt: Luôn tương thân, tương ái mọi lúc, mọi nơi.