Sau hơn 2 năm bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội chợ Sản phẩm và hàng hóa xuất nhập khẩu Campuchia lần thứ 15 do Bộ Thương mại tổ chức trở lại với 268 gian hàng, trưng bày, giới thiệu các đặc sản và hàng hóa xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các hiệp hội kinh doanh, cơ quan Thương vụ nước ngoài tại Campuchia,...
Bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Chhuon Dara cho biết sự kiện thương mại quy mô quốc tế này có ý nghĩa quan trọng đối với Campuchia khi đánh dấu việc tái khởi động các hoạt động thương mại trong và ngoài nước, cải thiện kết nối kinh tế và đầu tư giữa Campuchia với cộng đồng quốc tế sau thời gian gián đoạn. Theo ông Chhuon Dara, đây cũng là dịp lý tưởng để các bên tham gia tìm kiếm cơ hội hợp tác mới, mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Campuchia, cũng như tại các quốc gia đối tác.
Bộ trưởng Chhuon Dara nhấn mạnh việc đạt được những tiến bộ trong mục tiêu chống dịch COVID-19 là cơ sở để Campuchia khởi động lại các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Quan chức Bộ Thương mại Campuchia cũng kêu gọi các công ty, doanh nghiệp và các quốc gia tham gia sự kiện triển lãm cùng xây dựng và phục hồi cộng đồng sau khủng hoảng COVID-19, thông qua tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, trao đổi công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, An Giang… cũng tham gia sự kiện triển lãm lần này, trong đó các doanh nghiệp trực thuộc Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) góp mặt với 14 gian hàng triển lãm.
Phó Chủ tịch, Trưởng ban Xúc tiến Thương mại HAMEE - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Ánh Dương Sài Gòn, ông Trần Hoài Nam cho biết, đây là cơ hội để các doanh nghiệp trực thuộc HAMEE quảng bá sản phẩm, giới thiệu các mặt hàng Việt Nam, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, đồng thời tăng cường tiếp cận thị trường, theo đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Campuchia. Theo ông Trần Hoài Nam, với những yếu tố như cùng là thành viên ASEAN, có dân số trẻ, lực lượng lao động và thị trường lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, hai nước Việt Nam và Campuchia có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất, cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới như công nghệ sinh học, nông nghiệp xanh, công nghệ nano, vật liệu mới…
Hội chợ Sản phẩm và hàng hóa xuất nhập khẩu Campuchia lần thứ 15 diễn ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á đang ưu tiên các mục tiêu xúc tiến thương mại và kết nối đầu tư, nhằm đẩy nhanh đà phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại Campuchia) Tan Yuvaroat cho biết, để định hướng, tạo điều kiện thuận lợi và tăng hiệu quả xuất khẩu, với sự tham mưu của Bộ Thương mại, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thành lập một ban chuyên trách nghiên cứu tối ưu hóa lợi ích của các hiệp định thương mại tự do, trước mắt là đối với thị trường Trung Quốc. Qua đó, Campuchia đã xác định 10 mặt hàng nông sản tiềm năng cho xuất khẩu, bao gồm lúa gạo, sắn (khoai mì), chuối, nhãn Peilin, xoài, hạt điều, thịt, mủ cao su, dứa và hồ tiêu. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Campuchia đang chú trọng cải thiện khả năng thâm nhập thị trường khác của các mặt hàng xuất khẩu. Các hội chợ - triển lãm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, tương tự như triển lãm sản phẩm và hàng hóa xuất, nhập khẩu Campuchia 2022 là một phần của nỗ lực đó.