Tiểu thương Việt ở Séc cạnh tranh với “siêu đại gia”

Khi mới đặt chân đến Cộng hòa Séc, điều khiến các phóng viên TTXVN ngạc nhiên là hầu như ở con phố nào của Praha cũng có ít nhất một cửa hàng thực phẩm của người Việt. Sau một tháng, chúng tôi phát hiện ra rằng trên đất nước Trung Âu này gần như ngôi làng nào, thị trấn nào cũng có sự hiện diện của đồng hương trong vai trò “hậu cần”. “Không biết tiếng Séc cũng không lo đói trên đất Séc” là như vậy.


“Người hùng”


Đài phát thanh Praha dẫn nguồn của cơ quan thống kê: Ở Séc, cứ 5 cửa hàng bán thực phẩm, hoa quả, thuốc lá và rượu thì có 1 là của người nhập cư châu Á, chính xác là người Việt.


 

Đưa hàng Việt vào các đại siêu thị - hướng mới của doanh nghiệp Việt tại Séc.

 

Theo kết quả cuộc điều tra của hãng Nielsen, 14 năm trước, tại Séc có khoảng 20.000 cửa hàng bán thực phẩm, đồ uống và rau quả. Sau mỗi năm lại “rụng” đi một ít và đến năm 2013 còn lại 15.842 “người hùng”, gần 1/5 trong số đó do người Việt làm chủ. Gọi là “người hùng” vì phải thật giỏi chèo chống hoặc có “độ lì” khác thường thì mới trụ được trong thời buổi khủng hoảng kinh tế mà đến người dân Séc nổi tiếng vô lo cũng đã biết thắt lưng buộc bụng. Đặc biệt là trong thời kỳ mà các “ông lớn” trên thị trường bán lẻ xuyên quốc gia đang đổ bộ ồ ạt vào Séc. Họ ở vị thế “đá chọi trứng” so với các tiểu thương Việt nói riêng và các ông chủ nhỏ ở Séc nói chung.


Từ lâu, người Séc và cả khách du lịch đã nhận thấy rằng, hầu hết các cửa hàng nhỏ mở cửa từ sáng sớm đến tối muộn đều không còn do người bản địa hoặc cộng đồng nhập cư khác nắm giữ nữa mà đã “chuyển bản quyền” cho các tiểu thương Việt. Tại đó, người tiêu dùng có thể mua gần như đủ mọi thứ, từ bánh mì, giò, rượu, thuốc lá, đồ hộp dành cho chó mèo và cả xà phòng giặt. Tất và bao cao su cũng không thiếu. Điều thú vị là phần lớn rau quả, “gà quê” bán tại đây đều được trồng, được nuôi tại các nông trại của người Việt ngay trên đất Séc. Có nghĩa là người Việt không chỉ buôn bán mà còn làm ra sản phẩm cho xã hội.


Giá thấp, không kén khách


Khoảng 2/3 các cửa hàng thực phẩm kiêm tạp hóa của người Việt rộng không quá 50 m2, số còn lại có diện tích từ 50 đến 100 m2. Các phóng viên TTXVN đã đến một cửa hàng mini của anh Đinh P., quê Nghệ An, nằm bên lề con đường rất đẹp nhưng vắng vẻ tại một ngôi làng nên thơ cách thủ đô Praha hơn 100 km. Cái ki ốt vừa là nơi kinh doanh vừa là nơi ở của một gia đình gồm 3 người. Chiếc lò sưởi điện chỉ làm tăng nhiệt độ bên trong cửa hàng một chút so với bên ngoài. Đang ngày nghỉ cuối tuần nên việc kinh doanh của anh P. rất chậm, bởi đây là thời điểm khách hàng đến mua sắm ở các siêu thị và đại siêu thị. Anh P. cho biết: “Tôi chỉ ‘vợt’ được khách trong những ngày làm việc bình thường vì họ tiện thể ghé qua trước hoặc sau giờ hành chính”.


Nhìn chung, ở Séc, các cửa hàng thật lớn không quá phổ biến. 86% các cửa hàng thực phẩm rộng chưa tới 200 m2. Báo chí Séc đánh giá cao sự kiên trì của các tiểu thương Việt, ăn lãi rất ít vì bán giá thấp và không kén khách, coi sự thuận tiện cho khách hàng là cơ may tồn tại của mình. Người Séc nhớ tới cửa hàng của người Việt khi họ cần mua một thứ gì đó mà ngại lái xe hay đi các phương tiện giao thông công cộng, chỉ cần dăm phút dạo bộ là tới.


Một con số do hãng Neilsen đưa ra rất đáng được quan tâm: Tại Séc, số lượng các đại siêu thị thực phẩm tăng (hiện tại chốt ở con số 309) nhưng các siêu thị lại giảm (còn 1.352).”Thủ lĩnh” trong số các đại siêu thị trên thị trường đồ ăn uống là mạng lưới Kaufland. Trong năm qua, hãng này đã mở thêm 8 điểm mới. Đứng thứ hai là hãng Interspar với hai điểm kinh doanh mới được khai trương. Trong khi đó, các mạng lưới siêu thị nhỏ, từ 10 cửa hàng trở xuống, thì làm ăn chật vật ở Séc và có không ít siêu thị đã phá sản.


Về số lượng cửa hàng thực phẩm tính theo đầu người, Séc gần như đội sổ so với các nước Đông Âu: 15 đơn vị cho 10.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Slovakia là 17, Hungary 19 và Ba Lan 22. Nhưng tỷ lệ cửa hàng so với 10.000 dân của Séc vẫn là quá cao với Áo (7 đơn vị) và Đức (4 đơn vị). Đó là do thói quen và tính cách của người Séc khác với các dân tộc láng giềng ở Tây Âu. Dân Áo và Đức chỉ thích đánh xe đến các siêu thị và đại siêu thị để khuân đồ ăn cho cả tuần. Rất nhiều người Séc vẫn giữ lệ thả bộ ra cửa hàng quanh nhà mua lặt vặt. Mua ít thôi nhưng ngày nào cũng đi. Và đó là một trong những lợi thế để các tiểu thương người Việt tồn tại trong cuộc cạnh tranh không cân sức với các các mạng lưới siêu thị và đại siêu thị xuyên quốc gia.


Bài và ảnh: Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)

Doanh nhân Séc hãy ngon giấc sau khi… nộp thuế
Doanh nhân Séc hãy ngon giấc sau khi… nộp thuế

Tại Séc đã đến thời điểm cuối cùng để nộp thuế cho năm 2013, tức ngày 31/3/2014. Quá ngày này ai chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế của năm cũ đối với nhà nước sẽ khó có được giấc ngủ ngon.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN