Đại sứ Trương Mạnh Sơn đã giới thiệu với các doanh nghiệp Séc tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam cũng như thực trạng trao đổi thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và CH Séc.
Đại sứ Trương Mạnh Sơn giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam Ảnh: Trần Quang Vinh |
Ông Ivo Gajdos, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Quản lý Séc, nhấn mạnh: CH Séc nằm trong danh sách những thị trường xuất khẩu chiến lược của Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Đồng thời, Việt Nam cũng được xem là một trong 12 thị trường tiềm năng hàng đầu của Séc. CH Séc cũng ủng hộ việc ký kết Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu.Theo ông, thị trường Việt Nam với sự phát triển năng động của một đất nước có gần 100 triệu dân và những chính sách thu hút đầu tư khá thông thoáng đáng để các doanh nghiệp Séc quan tâm tìm hiểu.
Tại Hội thảo Tham tán Thương mại Trần Hiệp Thương đã giới thiệu về các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cũng như các hiệp định hợp tác đã ký giữa Việt Nam với CH Séc và Liên minh châu Âu (EU). Ông cho biết, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CH Séc đã ký Hiệp định Xúc tiến và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thế đánh vào thu nhập và tài sản.
Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Văn phòng Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại CH Séc cung cấp cho những người tham dự Hội thảo thông tin về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Ông Milan Triska, Giám đốc Điều hành công ty Czechindustry company, chia sẻ với các đồng nghiệp Séc về kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam.
Còn ông Ales Bastin, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của công ty đầu tư AVANT, giới thiệu về Quỹ Đầu tư hạ tầng tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Tham tán Thương mại Trần Hiệp Thương cho biết: Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và CH Séc rất lớn và hiện nay việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã có sự tiến triển tốt với kim ngạch xấp xỉ 1 tỷ USD. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư còn yếu. Các doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam 35 dự án với tổng số vốn khoảng 100 triệu USD, còn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Séc chỉ có 4 dự án với tổng số vốn dự kiến là 5 triệu USD. Đây là con số nhỏ bé, khiêm tốn. Nguyên nhân là các doanh nghiệp Séc thiếu thông tin về môi trường kinh doanh và chính sách thu hút đầu tư ở Việt Nam, rất sợ rủi ro do những thông tin sai lệch.
Theo ông, mục đích chính của Hội thảo là cung cấp những thông tin mà các doanh nghiệp Séc muốn tìm hiểu để xóa đi định kiến và nỗi lo ngại về rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian tới Đại sứ quán Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động thiết thực để các nhà đầu tư Séc có thêm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam.