Trong dịp cuối năm này, chúng tôi đã tìm đến thăm thôn Vạn Vĩ, thành phố Đông Hưng, Quảng Tây, nơi có nhiều người Kinh sinh sống nhất tại Trung Quốc. Sau chặng đường dài vài ngàn cây số từ Thủ đô Bắc Kinh xuống tới Đông Hưng - thành phố vùng biên, tiếp giáp với Móng Cái, Quảng Ninh - chúng tôi bỗng phấn chấn hẳn lên bởi con đường khang trang dẫn đến thôn Vạn Vĩ trước mắt chúng tôi là cổng chào mang dòng chữ Khu nghỉ dưỡng du lịch Kinh đảo, hai bên đường là những khu nuôi trồng hải sản, con giống và bến thuyền neo đậu. Vào tới trung tâm của thôn, chúng tôi bất ngờ với hình ảnh nhà cửa san sát, nhiều nhà cao tầng đã mọc lên. Đặc biệt ấn tượng khi đi đến đâu cũng có thể bắt gặp các cô gái mặc áo dài, đội nón lá, họ giao tiếp với chúng tôi bằng tiếng thuần Việt. Có lẽ chính bởi vậy mà hầu hết các biển hiệu quảng cáo ở đây đều có hình cô gái mặc áo dài truyền thống của người Kinh, đội nón và chàng trai đội khăn xếp đánh đàn bầu.
Nơi đây được biết đến với cái tên gọi là “Kinh tộc tam đảo”, bao gồm ba thôn Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm, với tổng diện tích là 20,8 km2, tập trung 13.000 người Kinh trên tổng số 21.000 người Kinh ở Trung Quốc. Ông Tô Minh Phương, Bí thư thôn Vạn Vĩ giới thiệu: “Thôn Vạn Vĩ là một trong ba đảo nơi tập trung đông người Kinh nhất ở Trung Quốc. Cả thôn hiện nay có khoảng 6.000 người, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá ven bờ, nuôi trồng và thu mua thủy hải sản. Những năm gần đây thương mại qua biên giới, du lịch biển, ngành dịch vụ cũng khá phát triển”.
Tiếng pháo nổ giòn giã ngoài sân đình đã thu hút sự chú ý của chúng tôi, hỏi ra mới biết hôm nay đúng là ngày người Kinh ăn mừng Lễ gạo mới, nhằm mùng 10 tháng mười (Âm lịch). Mỗi thôn người Kinh đều có một đình hát, đây là nơi cúng tế thần linh, tổ tiên và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng như hội thi hát chèo, đánh đàn bầu, hát đối… Cứ đến dịp này mỗi gia đình trong thôn đều mang lễ ra đình cúng, chỉ là đĩa xôi, khoanh thịt luộc hoặc con gà luộc, không bày vẽ màu mè song có thể thấy cộng đồng người Kinh nơi đây dù đã trải qua nhiều đời vẫn lưu giữ được bản sắc của dân tộc, uống nước nhớ nguồn, đa tạ thần linh cho mưa thuận gió hòa, nhớ về tổ tiên, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hai ông cháu nghệ nhân đàn bầu Tô Xuân Phát. |
“Người Kinh chúng tôi có ngôn ngữ dân tộc riêng (tiếng Việt), có chữ Nôm, được chính phủ Trung Quốc ủng hộ để biên soạn sách truyền dạy cho đời sau. Hơn thế, nhạc cụ truyền thống - đàn bầu được lưu truyền đến nay, cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể toàn quốc. Ngoài ra chúng tôi có lễ Hát, lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm theo nghi lễ cúng thần biển”, Bí thư Tô Minh Phương tự hào khoe. Năm 2006, lễ Hát chính thức được chính phủ Trung Quốc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là sự kiện thường niên có lịch sử hơn 500 năm, được coi là nét đẹp dân gian mang tính đại diện nhất của người Kinh. Lễ Hát truyền thống tổ chức thâu đêm suốt sáng, vừa có ca hát vừa có nhảy múa, vừa xem biểu diễn vừa ăn tiệc. Tuy nhiên ngày tổ chức của mỗi thôn khác nhau, ở thôn Vạn Vĩ và Vu Đầu là mùng 10 tháng Sáu, còn đảo Sơn Tâm là mùng 10 tháng tám, một số thôn làng khác ven biển lại tổ chức vào 20 tháng giêng.
Được biết, năm 2015 là năm thứ 30 tổ chức sự kiện này, với ý nghĩa cúng Thần biển, mừng mùa màng bội thu, cầu bình an và lưu truyền văn hóa. Lễ Hát đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước, ngoài ra còn có sự góp mặt của hơn 120 người đến từ Trà Cổ, Móng Cái, góp phần tăng cường giao lưu nhân dân, hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai bên.
Đường vào đình Hát, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng của người Kinh ở Vạn Vĩ. |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tô Xuân Phát, Đình trưởng đình Hát thôn Vạn Vĩ cho biết, lễ Hát được chia làm năm phần là nghênh thần, tế thần, vào tiệc, ca hát và tiễn thần. Trong đó phần ca hát là chiếm nhiều thời gian nhất. Đến nay người Kinh ở Vạn Vĩ vẫn lưu giữ được hơn 30 làn điệu, trong đó có tự sự, bài ca lao động, dân gian, ca tụng thần linh, tình ca, nhạc buồn… Ngoài ra, các “anh Hát”, “chị Hát” còn đệm đàn bầu hay đánh trống…
Với cấu tạo đơn giản song lại có thể phát ra âm thanh quyến rũ, đàn bầu - nhạc cụ độc đáo gắn liền với văn hóa của người Kinh đã được ngày càng nhiều người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến. Hiện nay, ông Tô Xuân Phát là nghệ nhân truyền dạy đàn bầu nổi tiếng nhất của Trung Quốc, đã có hơn 300 người theo học. Điều đáng quý là cả con và các cháu nội, ngoại của ông đều yêu thích và ham mê môn nghệ thuật này từ nhỏ. Vừa qua, cháu gái lên 10 của ông tên là Tô Kỳ Lan đã được đại diện cho thiếu nhi dân tộc Kinh biểu diễn đàn bầu tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
Không chỉ đem tiếng đàn phục vụ nhân dân mà Đình trưởng Tô Xuân Phát còn tổ chức các lớp luyện hát dân ca, tham gia biên soạn sách học chữ Nôm…, với mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ tất cả những nét văn hóa của dân tộc đã nhận được từ các bậc tiền bối.
Sau khi thăm bán đảo được mệnh danh là Kinh Đảo này, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện khi nghe bà con nơi đây nói tiếng Việt, viết chữ Nôm và chơi đàn bầu.
Hiện nay cùng với nghề đánh bắt cá, nuôi trồng hải sản truyền thống người dân nơi đây còn phát triển ngành dịch vụ du lịch biển, nhờ đó đời sống của người dân thôn Vạn Vĩ ngày càng được cải thiện, việc đi lại, thông thương giữa nhân dân nơi đây với nhân dân tỉnh Quảng Ninh vẫn diễn ra thường xuyên.
“Kinh tộc Tam Đảo” bao gồm 3 hòn đảo Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm với khoảng 13.000 người Kinh sinh sống. |