Tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, Chủ tịch ICMEI Sandeep Marwah, hàng trăm khán giả trẻ tuổi và giới truyền thông.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã có những chia sẻ thông tin về ngành điện ảnh Ấn Độ, đồng thời bày tỏ háo hức rất muốn tìm hiểu về con người và đất nước Việt Nam tươi đẹp, nhất là qua các bộ phim và các bức ảnh về Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Tôn Sinh Thành gửi lời cảm ơn ICMEI đã giúp phối hợp tổ chức triển lãm ảnh và liên hoan phim, nhất là những sự kiện này diễn ra vào đúng dịp Việt Nam đang hướng tới lễ kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh 2/9. Đại sứ khẳng định triển lãm ảnh và liên hoan phim lần này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và trong đó, lĩnh vực hợp tác văn hóa cũng được chú trọng thúc đẩy phát triển.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết thêm tại triển lãm ảnh và liên hoan phim lần này, Việt Nam muốn giới thiệu các bức ảnh theo các chủ đề như Việt Nam hội nhập và phát triển; Làng nghề truyền thống Việt Nam; Lễ hội Việt Nam; Ẩm thực Việt Nam; Di sản văn hóa thế giới phi vật thể tại Việt Nam; Vẻ đẹp Việt Nam, đồng thời mang một loạt phim nổi tiếng của mình, trong đó có một số phim đã đạt giải cao tới trình chiếu lần này nhằm góp phần mang đến những món ăn tinh thần để giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam tới nhân dân Ấn Độ với mục đích thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và hợp tác nhiều mặt giữa hai bên cũng như củng cố sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc đã được hình thành và phát triển trong suốt 46 năm qua. Đại sứ khẳng định giao lưu văn hóa đang đi tiên phong trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa người dân với nhau, đồng thời bày tỏ tin tưởng liên hoan phim lần này là sự khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước trong lĩnh vực sản xuất phim trong thời gian tới.
Cũng tại sự kiện lần này, Đạo diễn Sudip Sen đã ra mắt cuốn sách ảnh viết về ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Các bộ phim Việt Nam được trình chiếu tại liên hoan phim lần này là "Mùi cỏ cháy", "Trên đỉnh bình yên" của Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, "Đừng đốt" của Đạo diễn Đặng Nhật Minh và "Ở đây có nắng" của Đạo diễn Đỗ Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại sự kiện trên, Chủ tịch ICMEI Sandeep Marwah cho hay ICMEI rất vinh dự được tổ chức triển lãm ảnh và liên hoan phim Việt Nam lần này. Hồi tháng trước, tổ chức này cũng đã tổ chức diễn đàn phim Việt Nam - Ấn Độ và quyết định sẽ tăng cường hợp tác với phía Việt Nam vì phim ảnh là cầu nối văn hóa, giáo dục, du lịch, kỹ năng và con người. Ông cho rằng thông qua các sự kiện được tổ chức lần này thì hàng nghìn sinh viên, giáo viên, các nhà sản xuất và nhà quản lý sẽ có dịp tham quan triển lãm cũng như xem phim và có thể học được rất nhiều diều về quan hệ hai nước. Ấn Độ có nền điện ảnh lớn nhất thế giới và luôn cố gắng tiếp cận mọi quốc gia trên thế giới. Tháng tới, ông sẽ cùng phái đoàn Ấn Độ tham gia liên hoan phim ở Việt Nam như là bước tiếp theo tăng cường quan hệ văn hóa vì theo ông, phim ảnh là đại sứ văn hóa tuyệt vời nhất của mỗi nước. Ông khẳng định chắc chắn, các sinh viên điện ảnh, truyền thông, phóng viên, thời trang, ... những người chưa từng đến Việt Nam, sẽ được học hỏi rất nhiều qua sự kiện này và họ sẽ có chuyến du lịch Việt Nam tuyệt vời qua phim và những bức ảnh tại sự kiện lần này.
ICMEI là một tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành công nghiệp truyền thông và giải trí ở Ấn Độ và nhiều nước khác. Theo tổ chức này, ngành công nghiệp truyền thông và giải trí của Ấn Độ có doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ rupee (khoảng 14,1 tỷ USD) và có mức tăng trưởng là 12,5% mỗi năm.
Trong khi đó, theo báo cáo PHD Chamber và tổ chức BnBNation của Ấn Độ, ngành điện ảnh nước này đến năm 2020 sẽ đạt tổng doanh thu 238 tỷ rupee (khoảng 3,35 tỷ USD). Và dù còn nhiều khó khăn song ngành điện ảnh Ấn Độ vẫn là ngành lớn nhất thế giới xét về số lượng phim được sản xuất, với 1.500-2.000 phim mỗi năm.