Trong hai ngày 20 và 21/6, tại thành phố Bílina, thuộc tỉnh Ustí CH Séc, đã diễn ra Trại hè Thanh thiếu niên Phật tử Hương sen mùa Hạ với mục đích khuyến khích giao lưu, củng cố tiếng Việt, rèn luyện thân thể và đạo đức truyền thống cho những người Việt trẻ.
Ban tổ chức kết hợp trò chơi thể lực với việc nuôi dưỡng hồn Việt cho các "trại sinh". Ảnh: Đinh Văn Hóa |
Lần thứ hai tổ chức trại hè, Câu lạc bộ Hoa Từ bi, Ban Hộ trì Niệm Phật đường Vĩnh Nghiêm thành phố Most cùng đã thu hút 160 thanh thiếu nhi từ 3 tuổi đến 20 tuổi cùng 80 bậc phụ huynh người Việt ở vùng Bắc Séc. Điều đáng lưu ý trong trại hè lần này là không chỉ số lượng "trại sinh" tăng gấp đôi so với lần trước mà tỷ lệ trẻ em từ 10 tuổi trở xuống chiếm gần một nửa, một số em đến từ CHLB Đức và CH Hungary.
Tổ chức trại hè không còn là việc của các Phật tử mà có sự chung tay góp sức của Chi hội Người Việt Nam, CLB Phụ nữ tại Most và các vùng lân cận. Tham dự trại hè là tất cả các thanh thiếu nhi có nguyện vọng, không nhất thiết phải là con em của Phật tử và đều được miễn phí.
Đại đức Thích Thông Đạt, sư trụ trì Niệm Phật đường Vĩnh Nghiêm thành phố Most, cùng với hai cộng sự là Đại đức Thích Đồng Trình, Đại đức Thích Đồng Hòa từ thành phố Nuremberg của CHLB Đức đã chủ trì các trò chơi vui nhộn như mèo đuổi chuột, kéo co, nhảy trong bao tải, bịt mắt đánh ống bơ, chạy tiếp sức, đi tìm kho báu. Theo Ban tổ chức, các trò chơi không đơn thuần là nhằm rèn luyện thể lực, tạo sức hút với lứa tuổi thanh thiếu nhi mà là một hình thức để thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở Séc giao lưu với nhau và cảm nhận rõ hơn về văn hóa cội nguồn.
Đêm lửa trại trở thành "đỉnh" của Trại hè Hương sen mùa Hạ. Ảnh: Đinh Văn Hóa |
Đại đức Thích Thông Đạt quê Nha Trang, xuất gia từ năm 4 tuổi. Từ nhiều năm qua đối với sư thầy trẻ tuổi này, cộng đồng người Việt ở Most và các vùng lân cận, bất kể là Phật tử hay không, đã trở thành những người thân thích. Đại đức Thích Thông Đạt tâm sự với phóng viên TTXVN: "Thầy rút ra kinh nghiệm là các bậc phụ huynh, dù là Phật tử hay không, luôn mong muốn cho các con của mình có sân chơi đạo đức, sân chui vui vẻ và lành mạnh. Bên cạnh đó là sự ôn luyện tiếng Việt vì ở bên này bố mẹ đi làm nhiều nên không có thời gian trau dồi tiếng Việt cho các con. Qua trại hè các cháu giao lưu với nhau và nói với nhau bằng tiếng Việt vì trong các trò chơi thầy chỉ nói tiếng Việt, buộc các cháu phải suy luận, buộc phải cố gắng nghe và hiểu".
Đêm lửa trại kết hợp giữa việc trao phần thưởng xen kẽ các tiết mục văn nghê do CLB Phụ nữ Most, CLB Phụ nữ Teplice và các vùng lân cận đảm nhận thực sự cuốn hút các "trại sinh". Các bài hát về Bác Hồ, về quê hương Việt Nam, về thủ đô Hà Nội, về tình cảm gia đình... là cầu nối gắn kết những người Việt trẻ với đất Tổ.
Chị Trịnh Thị Bích Điệp ở ngoài đời là người vợ, người mẹ đảm đang, người chủ cửa hàng bách hóa tháo vát. Chị là Phó ban Hộ trì Niệm Phật đường Vĩnh Nghiêm thành phố Most với pháp danh Diệu Huyền. Chị Bích Điệp cho biết, từ khi ra nước ngoài định cư chị luôn nhớ về hình ảnh mái chùa thân quen ở thành phố Hải Phòng. Chị trở thành Phật tử Diệu Huyền để bản thân mình như gần hơn với quê hương và chị cũng cố gắng nuôi dạy hai con không được nhạt phai văn hóa dân tộc.
Đại đức Thích Đồng Hòa được các em trong Tiểu đội Anh Vũ (từ 3 đến 10 tuổi) ở trại hè hết sức quý mến. Thầy rất yêu trẻ và có ngoại hình "ông Tây mũm mĩm mặc áo cà sa". Sư thầy người Đức này nói tiếng Việt rất sõi và hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt. Ông khẳng định rằng ở dù ở Séc hay bất cứ nước nào trên Trái Đất hễ có đông người Việt là có mái chùa Phật dưới hình thức này hay hình thức khác, đơn giản là vì: "Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông".