Gặp một gia đình Hàn - Việt trên đảo Jeju

Đứng trước cơ ngơi của gia đình Mai Thị Vĩ tại xã Namwon, thành phố Seogwipo trên đảo Jeju hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến ngôi nhà mơ ước: Hàng rào trắng, tường hoa đua nở và vườn quýt trĩu cảnh…

Chú thích ảnh
Gia đình Mai Thị Vĩ hạnh phúc trong ngôi nhà xinh đẹp với hàng rào trắng, tường hoa đua nở và vườn quýt trĩu cảnh…

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đảo Jeju còn có tên gọi là  “Hawaii của Hàn Quốc”, hấp dẫn hàng triệu lượt du khách với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những bãi biển, bảo tàng cùng các loại hình giải trí độc đáo và dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp. Đến Jeju, du khách vừa có cảm nhận về một thành phố xanh hiện đại thu nhỏ và vừa có cảm giác lạc vào các vùng quê, vựa cây trái yên bình, thích hợp để vừa vui chơi vừa thư giãn.  

Trong chuyến công tác Jeju, thông qua giới thiệu, chúng tôi đã đến thăm gia đình Vĩ (sinh năm 1983, quê Thái Nguyên). Sau khoảng hơn 30 phút lái xe, chúng tôi đã đến làng Namwon nhưng không có cảm giác gì về “làng” vì đường ô tô trải nhựa láng mịn vào tận cửa mà cảm giác đang vào một “làng nghỉ dưỡng” thanh sạch.

Vợ chồng Vĩ tiếp tôi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, tràn ngập ánh sáng. Chồng Vĩ - anh Yang Bong-gil (sinh năm 1976) với nụ cười hồn hậu, hiền lành cho biết gia đình giờ chủ yếu là làm nông, trồng các sản phẩm quýt và cam có giá trị kinh tế cao. Trước đây, anh cũng đã làm nhiều việc như giao hàng, xây dựng thu nhập hàng tháng cũng chỉ khoảng 2.000 USD. Sau khi Vĩ về làm dâu, cô cùng gia đình chồng làm quýt và thu nhập ngày càng khấm khá. Vĩ chăm chỉ, vừa sinh con vừa làm việc nên được gia đình chồng vô cùng yêu quý. 

Chú thích ảnh
Nhà chị Vĩ trồng cam Harabong, loại có thương hiệu của Jeju.

Anh Yang Bong - gil (sinh năm 1976) chia sẻ họ cưới nhau năm 2011 thông qua môi giới. Khi đó, anh là thanh niên ở ngoài đảo, thu nhập thấp và không thể lấy vợ. Mẹ anh nhiều lần năn nỉ con trai thông qua công ty môi giới để cưới vợ. Ở Hàn Quốc dịch vụ môi giới kết hôn là hợp pháp và rất phát triển. Các công ty môi giới sẽ nhận hồ sơ và yêu cầu của cá nhân để tìm kiếm đối tác phù hợp. Giá tiền dịch vụ sẽ tính theo những yêu cầu và điều kiện của người thuê dịch vụ. Tuy nhiên, phí môi giới không hề nhỏ.

Anh Yang không muốn nói về khoản phí mình đã chi mà kể về việc giao tiếp với Vĩ sau lần gặp đầu tiên tại Việt Nam. Khi đó, hai người không thể gọi điện trực tiếp vì không hiểu ngôn ngữ của nhau. Anh phải nhắn tin qua công ty môi giới, nhân viên công ty dịch lại rồi gửi tin nhắn cho Vĩ. Cứ thế hai bên hồi đáp nhau. Anh nói rất xin lỗi vì phí dịch tin nhắn rất đắt nên anh không thể gửi nhiều tin hàng ngày cho Vĩ. 

Trong câu chuyện vui vẻ và những cái nhìn chan chứa yêu thương của cặp vợ chồng Hàn - Việt chúng tôi thực sự cảm thấy ấm áp. Vĩ cho biết lúc mới sang em cũng rất ngỡ ngàng, lạ lẫm. Không thạo tiếng Hàn nên giao tiếp rất hạn chế. Tuy nhiên, tình yêu thương của chồng, đặc biệt là mẹ chồng làm cô cảm thấy tự tin dần lên. Bà luôn nắm tay Vĩ dắt đi chợ, đi chơi, đi khám và đi đâu bà cũng giới thiệu con dâu với mọi người. Vĩ sinh được 3 con (2 gái, 1 trai) và giờ các con đã cứng cáp. Gia đình có đất rộng nên cô động viên chồng về nhà tập trung làm vườn. Với khoảng 2 ha đất, bố mẹ chồng đã lớn tuổi nên chủ yếu việc chăm sóc vườn cây do vợ chồng cô đàm nhiệm. Đầu tư làm nhà vườn cũng tốn kém, song ở Jeju có chế độ vay ưu đãi để khuyến khích người dân đầu tư sản xuất. Vĩ cho biết, quýt và cam trồng đúng kỹ thuật cho năng suất cao.

Nhà chị Vĩ trồng cam Harabong, loại có thương hiệu của Jeju. Vào vụ, hàng ngày gia đình xuất bán vài trăm thùng cho đầu mối. Ở đây không phải lo đầu ra sản phẩm. Nếu không có thương lái đặt mua thì mang xuất cho Nonghiep (một cơ cấu kiểu như Liên minh hợp tác xã ở Việt Nam). Người dân chỉ việc chở cam, quýt đến nhập, công ty sẽ tự động phân loại, đo độ đường trong trái cây để định giá sản phẩm rồi tự động thanh toán tiền vào tài khoản. Với nụ cười thật tươi,  Vĩ cho biết: “làm nông ở đây không vất như ở mình đâu chị. Chỉ cần chăm chỉ thôi là mình sống khỏe”. 

Chú thích ảnh

Chia sẻ về việc đang theo học đại học Jeju, chuyên ngành Phúc lợi xã hội năm thứ 3, Vĩ cho biết muốn học thêm để có kiến thức cơ bản, đặc biệt là tiếng Hàn thật tốt để tự tin hòa nhập. Giờ đây, khi các con đã cứng cáp, các cháu đều rất tự lập nên Vĩ muốn đầu tư thêm cho bản thân vì học luôn hữu ích và có thể phát triển công việc tốt hơn.

Vĩ chia sẻ, em rất bận, ngoài làm nông nghiệp, em tham gia bán các sản phẩm nông nghiệp qua mạng. Mùa nào thức ấy, Vĩ nhập các sản phẩm từ nông trại của người Hàn và cung cấp cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. Bây giờ đang là vụ táo, hàng ngày cô bán khoảng trên trăm thùng, cao điểm có ngày hơn 400 thùng. Vĩ nói, riêng việc gõ địa chỉ giao hàng em cũng mất vài giờ mỗi ngày. Vì thế, ngày có nhiều đơn hàng quá, chồng cũng phải phụ ghi địa chỉ giúp. Nhờ tháo vát, Vĩ có thêm thu nhập để trang trải và lo cho gia đình. 

Chú thích ảnh
Mẹ chồng Vĩ chia sẻ bà vui vì gia đình đầm ấm, con dâu, con trai đều hiếu thuận, kinh tế ngày càng ổn định.

Mẹ chồng Vĩ chia sẻ bà vui vì gia đình đầm ấm, con dâu, con trai đều hiếu thuận, kinh tế ngày càng ổn định. Vợ chồng Vĩ mới xây ngôi nhà to, làm nhiều phòng dư vì con dâu tính sẽ làm dịch vụ homestay cho khách du lịch đến trải nghiệm miệt vườn ở Jeju. Bà vui và tự hào về cô con dâu người Việt lắm. 

Chia tay vợ chồng Vĩ, điều đọng lại trong chúng tôi là những dự định phát triển kinh tế gia đình của Vĩ, là cách thức cô phấn đấu, nỗ lực để kết nối các cô dâu Việt cùng sống trên địa bàn, chia sẻ giúp đỡ nhau để cùng phát triển.

Khánh Vân  (TTXVN)
Hàn Quốc khai trương Không gian ASEAN trên đảo Jeju
Hàn Quốc khai trương Không gian ASEAN trên đảo Jeju

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ngày 15/9, Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) đã long trọng tổ chức Lễ khai trương Không gian ASEAN (ASEAN Hall) trên đảo Jeju nhằm tạo địa điểm thường xuyên để quảng bá, giới thiệu văn hóa và du lịch của các quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN