Tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cùng các cán bộ, đảng viên cơ quan đại diện đã kính cẩn dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế, đồng thời thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn về những hy sinh và cống hiến trọn đời của Người cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới, Chiến sỹ Cộng sản mẫu mực và kiên trung đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Người là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết và đạo đức cách mạng. Đại sứ kêu gọi toàn thể cán bộ cơ quan đại diện tiếp tục đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ giữa việc học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt đường lối đối ngoại, tích cực góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống mọi mặt giữa Việt Nam và Đức.
Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác năm nay được tổ chức trong không khí hết sức phấn khởi của nhân dân cả nước với nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, trong đó có việc tổ chức thành công Đại hội Đảng hồi tháng 2 và chuẩn bị hướng tới cuộc tổng tuyển cử toàn quốc trong vài ngày tới.
Năm 2021 cũng là 64 năm Bác Hồ tới thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Đức. Trong những ngày ở thăm từ ngày 25/7 - 1/8/1957, Người đã đến nhiều thành phố, thăm các công ty, các tổ chức văn hóa - khoa học để tìm hiểu rõ hơn về cấu trúc xã hội chủ nghĩa cũng như các vấn đề phát triển của Cộng hòa Dân chủ Đức. Tại tất cả những nơi đến thăm, Người đều được các bạn Đức nhiệt liệt chào đón, trở thành chuyến thăm mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Đức và Việt Nam. Khu tưởng niệm Bác Hồ ở thị trấn Moritzburg, gần Dresden, thủ phủ bang Sachsen ở phía Đông nước Đức, là nơi còn ghi dấu kỷ niệm Bác tới thăm 350 học sinh được gửi sang Đông Đức học tập năm 1957.