Các nhà sư trao quà cho học sinh nghèo vượt khó tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào
|
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Ủy viên Trung ương Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ Tịch Hội đồng trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Vatsevelai, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hội Phật giáo Lào; Hòa thượng Khamma Bannavichith, Phó Chủ tịch Liên minh Hội Phật giáo Lào; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, cùng nhiều chư tăng Việt Nam, chư tăng Lào và rất đông phật tử là bà con Việt kiều sinh sống tại thủ đô Viêng Chăn.
Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, trụ trì đời thứ 5 chùa Bàng Long cho biết chùa được hình thành từ năm 1942 ở thủ đô Viêng Chăn, do cộng đồng người Việt tại Lào đứng lên xây dựng để làm nơi quy hướng tâm linh, bù đắp những giá trị tinh thần nơi quê người đất khách. Kể từ khi chùa được thành lập đến này đã trải qua nhiều đời tổ sư trụ trì, trông nom phục vụ tín ngưỡng và hướng dẫn nhân dân phật tử tu học. Trong đó, người để lại dấu ấn sâu đậm và có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt tại Lào cũng như Phật giáo Việt Nam tại Âu Châu hải ngoại là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trung Quán, trụ trì đời thứ 4 của chùa Bàng Long và là người đầu tiên truyền bá tư tưởng Đại thừa Phật giáo tại Lào.
Quang cảnh lễ tưởng niệm. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào |
Hòa thượng Thích trung Quán đạo hiệu Thanh Quất, thế danh Vũ Thanh Quất sinh ngày 9 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1918) tại làng Hạ Kỳ, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh. Từ năm 1969 – 1978, Hòa thượng Thích Trung Quán đã mở nhiều khóa tu học tại chùa Bàng Long, xây dựng và là lãnh đạo tinh thần khoảng 10 ngôi chùa trên khắp 3 miền Thượng – Trung – Hạ Lào. Trong khoảng thời gian gần 10 năm hoằng hóa tại Lào, Ngài đã được rất nhiều người ở nhiều nơi mến mộ tìm đến quy y, học hỏi và xuất gia tu hành; nhờ vậy, mà chùa Bàng Long đã trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam tại Lào, có hiệu là: “Chùa Trung Ương Bàng Long” và “Như Lai Sở Đô”.
Giữa năm 1978, Hòa thượng Thích Trung Quán sang châu Âu hoằng dương Phật pháp truyền bá giáo lý Đại thừa và lập chùa Hoa Nghiêm ở thủ đô Paris. Cũng tại đạo tràng này, ngài đã thế phát độ cho 12 vị tăng, 26 vị ni xuất gia và trao truyền Tam Quy, Ngũ Giới, Bồ Tát giới cho hàng nghìn phật tử. Với hạnh nguyện và đôi chân không biết mệt mỏi, Hòa thượng đã du hóa khắp đất Pháp và lập thêm nhiều ngôi chùa tại các nước ở châu Âu.
Hòa thượng Thích Trung Quán viên tịch vào ngày 1/4/2003. Hơn 60 năm xuất gia tu đạo, với trình độ Phật học uyên thâm, quảng bác và giới đức trang nghiêm, thanh tịnh; Hòa thượng được suy tôn là một trong những tàng cây đại thụ cho Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Ngoài sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng dành nhiều thời giờ cho việc phiên dịch và biên soạn kinh điển để giúp tăng, ni, phật tử có thêm tài liệu nghiên cứu, tu học. Hòa thượng đã để lại trên 20 tác phẩm có giá trị. Chính vì vậy mà cộng đồng người Việt tại Viêng Chăn ai ai cũng biết đến và luôn tôn xưng Ngài là bậc Thượng thủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào.
Tại lễ kỷ niệm lần thứ 14 ngày Trưởng lão Hòa thượng Thích Trung Quán viên tịch và Hiệp kỵ chư lịch Đại Tổ sư chùa Bàng Long vào sáng 24/3, bất chấp thời tiết mưa bão, hàng trăm phật tử là bà con Việt kiều ở khắp thủ đô Viêng Chăn vẫn lặng lẽ xếp hàng vào chùa thắp hương và niệm Phật cho Trưởng lão Hòa thượng Thích Trung Quán Viên tịch và Hiệp kỵ chư lịch Đại Tổ sư chùa Bàng Long. Nhân sự kiện này, Ban trị sự chùa Bàng Long và một số phật tử đã trao tặng 50 suất quà khuyến học cho các học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn là con em Việt kiều và người Lào.