Khi mới lập gia đình, ông Thạch Hoài được cha mẹ cho 5 công đất trồng lúa. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, gia đình rất khó khăn. Hộ ông Thạch Hoài, cũng như nhiều nông dân khác, trước đây chỉ sản xuất 1 đến 2 vụ lúa/năm, năng suất không cao, do tình trạng thiếu nước sản xuất và chưa tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Mô hình nuôi bò của hộ ông Thạch Hoài. |
Ông Thạch Hoài quyết tâm học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Mặt khác, những năm gần đây, hệ thống kênh thủy lợi nội đồng được Nhà nước quan tâm đầu tư, việc sản xuất đã có bước phát triển, canh tác 3 vụ/ năm, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn. Năm 2011, hộ ông Thạch Hoài được chính quyền địa phương xét hỗ trợ nhà 167, giúp gia đình có ổn định nơi ở, an cư lạc nghiệp. Ngoài trồng lúa, ông Thạch Hoài còn đi làm thuê kiếm thêm thu nhập và nhận nuôi bò rẻ cho người dân địa phương. Với đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm trong chi tiêu, ông Thạch Hoài đã đưa gia đình thoát nghèo vào năm 2012 và mua được thêm 3 công đất sản xuất. Đã thoát nghèo, kinh tế gia đình cũng chưa gọi là khá giả, nhưng với tinh thần tương thân tương ái, ông Thạch Hoài đã cho hộ ông Thạch Siêu, mượn 1 công đất để trồng màu vài năm nay. Gia đình ông Thạch Siêu là hộ nghèo, đông con, lại không có đất sản xuất, cuộc sống hằng ngày chỉ dựa vào công việc thuê mướn ở địa phương, thu nhập bấp bênh, vợ chồng ông sức khỏe yếu, thường xuyên đau bệnh. Từ khi được ông Thạch Hoài cho mượn đất canh tác, hiệu quả kinh tế từ mảnh đất nghĩa tình giúp cuộc sống gia đình ông Siêu được cải thiện hơn…
Sự cần cù trong lao động sản xuất và ý chí vượt khó thoát nghèo, nông dân Thạch Hoài đã chăm lo tốt cho cuộc sống gia đình và có việc làm đầy ý nghĩa, thể hiện tinh thần nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ hộ nghèo vượt qua khó khăn, trở thành tấm gương sáng trong đồng bào học tập và noi theo.