Ông càng trở nên nổi tiếng hơn khi đã đi khắp thế giới để chữa lành những khiếm khuyết của tạo hóa, giúp hàng ngàn người dị tật bẩm sinh có được cuộc sống bình thường. Đặc biệt ông có mối duyên kỳ lạ với Việt Nam khi liên tục quay lại mảnh đất hình chữ S, mang theo hy vọng cho nhiều người kém may mắn.
"Nhiều bệnh nhân nghèo cần tôi"
Giáo sư McKinnon kể, ông biết đến Việt Nam trong một lần tình cờ được một tổ chức nhân đạo giới thiệu về trường hợp của chàng thanh niên “chân voi” Nguyễn Duy Hải – người đã mang khối u sợi thần kinh ở chân khổng lồ gần 30 năm. Ông đến Việt Nam vào một ngày cuối năm 2011, chẳng những giải phóng được khối “chân voi” đồ sộ cho anh Hải mà còn giải quyết thêm khối u khổng lồ trên mặt cho bệnh nhân Kiều Mỹ Dung và hàng trăm khối u nằm rải rác khắp cơ thể của chị Thạch Thị Saly.
Sau phẫu thuật, khối u chân dị dạng nặng đến hơn 80kg của bệnh nhân Nguyễn Duy Hải biến mất, còn bệnh nhân Kiều Mỹ Dung và chị Thạch Thị Saly trở về với cuộc sống đời thường với những khuôn mặt bớt dị dạng hơn. Ba ca phẫu thuật gây tiếng vang lớn trong cộng đồng y khoa Việt Nam lúc bấy giờ bởi đây là những ca khó, rủi ro cao mà các bác sỹ Việt Nam phải “bó tay”.
Trở về Mỹ, ông luôn trăn trở với những số phận người ở đất nước nhỏ bé này. Một quyết định được đưa ra ngay lập tức, ông tự hứa với mình mỗi năm sẽ quay lại Việt Nam ít nhất 1 lần. “Sau chuyến đi đầu tiên tôi cảm thấy Việt Nam vẫn còn nhiều người kém may mắn, bị các khối u hoặc mang trên mình những dị tật bẩm sinh. Họ không chỉ bị đau đớn về thể xác mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống kém. Đây hầu hết là những ca phẫu thuật phức tạp vì nằm ở vị trí khó, kích thước lớn, trong khi đó Việt Nam còn gặp khá nhiều khó khăn trong điều trị y khoa, điều trị cho những căn bệnh khó”, Giáo sư McKinnon bày tỏ lý do mình quay trở lại Việt Nam.
Giữ đúng lời hứa, từ đó đến nay, năm nào ông cũng đến Việt Nam 1-2 lần để thực hiện phẫu thuật cho người bệnh dị dạng nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Những chuyến đi đến Việt Nam của ông nhận được sự chào đón nồng ấm của bệnh nhân và cộng đồng y khoa. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng được Giáo sư McKinnon ưu tiên hơn cả, nhờ thế, hàng chục trẻ em Việt Nam mang trên mình dị tật bẩm sinh đã được chữa lành, cuộc đời bước sang một trang mới.
Vị Giáo sư nhân ái có đôi "bàn tay vàng"
Cho đến tận bây giờ, chị Phạm Thị Bé Tư (ngụ tỉnh An Giang) vẫn không ngờ con trai mình may mắn đến vậy khi được chính Giáo sư McKinnon tự tay thực hiện 2 lần phẫu thuật, trả lại gương mặt bình thường. Từ khi mới sinh ra, cậu bé Trương Thiện Nhân đã có một khối u trên mặt. Càng lớn, khối u càng to ra, che hết nửa khuôn mặt bên trái, kéo mắt xuống dưới khiến khuôn mặt cậu bé trở nên kỳ dị. “Hồi nhỏ em vẫn hay bị bạn bè trêu chọc là “dị nhân”, thậm chí nhiều bạn không cho em chơi chung, em buồn tủi lắm. Có những lúc muốn nghỉ học”, Thiện Nhân chia sẻ.
Lớn lên, mặc cảm về khuôn mặt dị dạng khiến Thiện Nhân thu mình lại, em ít nói ít cười, trầm mặc hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. “Thấy con như vậy cũng buồn lắm, gia đình đã từng đưa con đi phẫu thuật một lần nhưng sau đó khối u càng mọc lại lớn hơn. Đến khi nghe tin có bác sỹ nổi tiếng người Mỹ đến, tôi mạnh dạn liên lạc và được sắp xếp lịch để phẫu thuật. Cả gia đình vui đến không nói nên lời”, chị Bé Tư chia sẻ.
Đến nay sau 2 lần phẫu thuật, Thiện Nhân đã có thể tự tin hơn với gương mặt mới của mình. Cậu bé hồ hởi vì sắp trở lại trường học và đón chờ trang mới tươi sáng hơn của cuộc đời mình. Nhận xét về Giáo sư McKinnon, chị Bé Tư trầm trồ: "Chưa từng thấy bác sỹ nào giỏi mà lại tận tâm đến thế. Quả là một “ông Tiên” giữa đời thực".
Đây chỉ là một trong hàng trăm trường hợp trẻ em Việt Nam được Giáo sư McKinnon phẫu thuật giúp giải quyết những khối u dị dạng vùng hàm mặt trong những năm qua. “Ngoài việc trả lại cho người bệnh cuộc sống bình thường, tôi cũng mong muốn dùng những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã tích lũy được trong 30 năm qua hỗ trợ kỹ năng, kinh nghiệm y khoa giúp các bác sỹ Việt Nam nâng cao tay nghề, tự chủ được những kỹ thuật khó trong tương lai”, Giáo sư McKinnon bày tỏ.
Giáo sư McKay McKinnon được biết đến là một chuyên gia nổi tiếng thế giới về phẫu thuật tái tạo, chỉnh hình hàm mặt công tác tại Bệnh viện Saint Joseph ở Chicago, bang Illinois (Mỹ) và Bệnh viện Children’s Memorial trực thuộc Đại học Y khoa Chicago. Trước khi đến Việt Nam, ông đã đồng hành cùng với các tổ chức nhân đạo rong ruổi khắp thế giới thực hiện miễn phí nhiều ca phẫu thuật khó cho bệnh nhân nghèo. Đi đến đâu Giáo sư McKinnon cũng đều gây tiếng vang đó bởi tài năng cũng như tấm lòng nhân ái vì người nghèo, đặc biệt là các bệnh nhân bị khối u khổng lồ trên cơ thể. Ông đã thực hiện phẫu thuật thành công các ca bệnh đặc biệt như “giải phóng” thành công khối u nặng 90kg cho một bệnh nhân ở bang Michigan (Mỹ) vào năm 2000, tách khối u 36kg cho một phụ nữ người Rumani do chứng biến đổi gen vào năm 2004…
Được ví như người tạo ra “phép màu” hồi sinh cuộc đời cho những người không may mắn mắc các dị tật khiến cơ thể dị dạng, Giáo ưu McKinnon được giới chuyên môn đánh giá có “bàn tay vàng”, “phù thủy tạo hình” nhưng ông luôn khiêm tốn cho rằng mình chỉ làm tròn bổn phận của một người thầy thuốc chân chính.