Sinh viên mắc kẹt giữa tâm dịch
Quyết định ở lại TP Hồ Chí Minh thay vì về quê tránh dịch vì lo lắng bản thân có khả năng làm lây lan dịch bệnh khi số ca nghi mắc COVID-19 ở thành phố diễn biến phức tạp, đây là suy nghĩ chung của nhiều bạn sinh viên đến từ các tỉnh, thành phố khác đang trọ học tại TP Hồ Chí Minh.
Bạn Lê Thị Anh Thư (quê ở Đăk Nông), sinh viên năm cuối Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đang trọ tại thành phố Thủ Đức cho biết: Bố mẹ mình cứ gọi trách sao được nghỉ học mà không về nhà, nhưng mình sợ về sẽ ảnh hưởng đến gia đình do tình hình dịch COVID-19 tại thành phố đang rất phức tạp. Mình sợ về quê mà bản thân có mầm bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người thân trong gia đình. Tình hình dịch đang căng thẳng, mình muốn hạn chế việc đi lại để góp phần nhanh chóng đẩy lùi đại dịch.
Bạn Nguyễn Thanh Thiên Long (quê ở Gia Lai), sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh đang trọ tại quận Bình Thạnh quyết định ở lại thành phố sau lệnh giãn cách xã hội. Nguyên nhân là Long có đến một địa điểm mà ca nghi mắc COVID-19 từng tới. Khi hết thời gian theo dõi y tế tại nhà cũng là thời điểm TP Hồ Chí Minh bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ở trọ xa nhà đúng đợt giãn cách xã hội này, sinh hoạt của Thiên Long bị xáo trộn như người dân thành phố.
“Những ngày đầu thực hiện giãn cách, mình gặp khó khăn khi phải chi cho quá nhiều thứ từ tiền trọ, tiền điện nước, thực phẩm… trong khi gia đình lại không trợ cấp được nhiều do công việc kinh doanh của bố mẹ bị ảnh hưởng bởi dịch. Mình chỉ còn biết cách chi tiêu hết sức tiết kiệm. Có lúc phòng trọ chỉ còn ít rau, thịt; mắm muối cũng hết nhưng mình không dám mua thêm, đành ăn mì gói cho qua bữa. Giờ mình chỉ mong sao cho đại dịch mau qua”, Thiên Long chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, bạn H'Tâm Cil (quê ở Đăk Lăk), sinh viên năm 3 Trường Đại học Sài Gòn đang trọ tại Quận 10 vốn làm gia sư dạy tiếng Anh tại trung tâm để kiếm thêm thu nhập. Vì dịch, trung tâm đã tạm đóng cửa, H'Tâm mất nguồn thu nên bạn phải sử dụng số tiền dành dụm trước đây để chi tiêu sinh hoạt. "Trong những ngày này, dù mình đã cố gắng hạn chế phát sinh thêm chi phí hết sức có thể nhưng tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống hằng ngày vẫn khá tốn kém. Không đi làm thêm được dẫn đến khó khăn về tài chính, ngồi nhà cả ngày cũng khó chịu, mệt mỏi", H'Tâm bày tỏ.
“Bên cạnh nỗi lo về chi phí, việc phải giãn cách ở trong nhà nhiều ngày cũng khá khó khăn với mình, vì mình học và làm việc trong môi trường nghệ thuật cần không gian mở, mà bây giờ suốt ngày phải loay hoay trong 4 bức tường phòng trọ, nhiều khi tâm trạng rất bức bối, khó chịu. Tuy nhiên, mình nhận thức được rằng đây là vấn đề chung và mình phải chấp hành thật tốt các quy định về giãn cách. Do đó, mình đã tìm đến nhiều cách để tự cân bằng tâm trạng, bao gồm việc thường xuyên gọi điện trò chuyện, chia sẻ với gia đình và tập thể dục”, Quỳnh Anh (quê ở Đắk Lắk), sinh viên Khoa Sư phạm âm nhạc, Trường Đại học Sài Gòn cho biết.
Đa dạng chương trình hỗ trợ
Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch COIVID-19 đang diễn ra, hàng ngàn sinh viên đang sinh học và học tập tại TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng rất lớn. Hầu hết các bạn sinh viên đều có hoàn cảnh khó khăn, phải tự lo nuôi sống bản thân và việc học hành của mình. Nắm bắt tình hình này, các trường đại học, tổ chức đoàn thanh niên và đơn vị tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo kịp thời.
Từ khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã triển khai tổ chức chương trình “Cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19” nhằm hỗ trợ cho sinh viên các trường thuộc khối Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và các trường đại học khác đang tạm trú tại các khu ký túc xá sinh viên trên địa bàn thành phố. Thông qua chương trình, các chuyến xe nghĩa tình đã chở rau, củ, quả, gạo, mì… cùng nhiều loại thực phẩm khác được các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ để chuyển đến Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Hàng hóa được các tình nguyện viên là các thầy cô giáo, sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sắp xếp, đóng gói để chuyển đến tận nơi ở của sinh viên. Đến nay, chuỗi chương trình đã hỗ trợ gần 25 tấn thực phẩm các loại cho 3.500 bạn sinh viên.
Nhận được phần quà với rau củ, lương thực cần thiết, bạn Nguyễn Thị Hồng Minh (quê ở Cà Mau), sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh kể: “Mình ở lại thành phố, không về quê để tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền đóng học phí học kỳ tới. Tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh ngày càng diễn biến phức tạp, mình đã phải nghỉ việc ở nhà gần 2 tháng nay. May mắn là suốt thời gian đó, mình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà trường từ chi phí sinh hoạt cho đến các loại thực phẩm. Mỗi lần được phát có thể nấu ăn được trong hơn một tuần. Do đó, mặc dù thành phố liên tục phải kéo dài việc thực hiện giãn cách nhưng đời sống của mình vẫn được đảm bảo”.
Bên cạnh đó, trong tháng 8/2021, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tiến hành trao 300 suất học bổng trị giá 5 triệu đồng/suất cho sinh viên các trường, đơn vị thành viên gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đối tượng hỗ trợ là sinh viên đại học hệ chính quy tập trung có cha, mẹ, người nuôi dưỡng hoặc bản thân sinh viên bị mất việc, tạm ngưng việc do dịch COVID-19; có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh nhưng chưa thể về quê, đang tạm trú ở Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn về chi phí sinh hoạt.
Các bạn sinh viên ở trọ bên ngoài, đặc biệt là sinh viên đang trú tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các trường cao đẳng, đại học. Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương”, vận chuyển cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm gồm gạo, sữa, rau củ quả đến hỗ trợ cho các bạn sinh viên hàng tuần. Bắt đầu triển khai từ ngày 12/8, đến nay chương trình đã hỗ trợ được gần 600 sinh viên trú trong khu phong tỏa tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Nhằm hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các sinh viên đang gặp khó khăn do dịch COVID-19, Thành Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện chương trình “Siêu thị mini 0 đồng”. Đối tượng thụ hưởng là các sinh viên đang tạm trú tại 37 ký túc xá sinh viên trên địa bàn thành phố. Mỗi sinh viên được nhận mã mua hàng trị giá 300.000 đồng để chọn và mua hàng trực tuyến trên trang web của chương trình với hơn 170.000 sản phẩm là các loại thực phẩm tươi, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm khô... Các sản phẩm được lực lượng tình nguyện viên của chương trình đóng gói và giao đến tận nơi ở của sinh viên, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các sinh viên trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Với cách làm này, chương trình đã hỗ trợ được 5.500 sinh viên khó khăn với tổng giá trị hỗ trợ là 1,6 tỷ đồng.
Trong những ngày qua, nhiều sinh viên ở trọ, đặc biệt là tại các khu cách ly, phong tỏa còn nhận được sự hỗ trợ từ phía các lực lượng công an, quân đội, các tổ hậu cần địa phương, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng. Theo chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh, đa số sinh viên từ các địa phương khác đang ở lại thành phố trong thời điểm này đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, các bạn không đơn độc khi từ những ngày đầu thành phố thực hiện giãn cách. Thành Đoàn cùng các cấp, ngành đã chủ động tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên trong mùa dịch bằng nhiều hình thức khác nhau.
"Mục tiêu chung là mang đến sự hỗ trợ thiết thực cả về vật chất và tinh thần để các sinh viên có thêm động lực vượt qua khó khăn hiện nay, đồng thời lan tỏa tinh thần tương thân tương ái để kêu gọi cộng đồng, xã hội cùng chung tay thực hiện nhiều hơn các hoạt động đồng hành, hỗ trợ sinh viên nói riêng và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch nói chung trong thời gian tới", chị Phan Thị Thanh Phương chia sẻ.