Căng mình vì người bệnh
Những ngày này có lẽ là những ngày cam go nhất với các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, đây là giai đoạn bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất, tất cả dồn toàn lực cho điều trị người bệnh.
Là một trong 4 bệnh viện được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; từ đầu đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay, Bệnh viện Đức Giang đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 400 bệnh nhân mắc COVID-19, cao điểm là những ngày cùng lúc điều trị cho khoảng 160 bệnh nhân.
BS. Lê Mạnh Trường, người trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang được phân công tiếp nhận và điều trị toàn bộ những bệnh nhân mắc COVID-19 từ không có triệu chứng đến nhóm bệnh nhân có triệu chứng nặng và nguy kịch, nhóm bệnh nhân: Nhi, sản, ngoại, người nước ngoài.
Bệnh viện đã dành riêng khu nhà C làm đơn nguyên điều trị người bệnh COVID-19, được chia 3 tầng điều trị theo các mức độ bệnh, các yếu tố nguy cơ nặng và chỉ số chu kỳ xét nghiệm PCR.
Riêng tầng 6 của đơn nguyên được bố trí để tiếp nhận bệnh nhân mới, khám sàng lọc đánh giá để phân loại theo các nhóm yếu tố nguy cơ diễn biến nặng như: Bệnh nhân tuổi cao, có bệnh lý nền, triệu chứng khởi phát rầm rộ như: Sốt cao liên tục, khó thở, Sp02 thấp dưới 96%. Tầng này cũng dành điều trị cho nhóm bệnh nhân nặng và nguy kịch với đầy đủ trang thiết bị như: Thở oxy gọng kính, thở oxy mask, thở máy HFNC (máy oxy lưu lượng cao), thở máy không xâm nhập, thở máy xâm nhập (đặt nội khí quản), lọc máu.
Tại tầng 5, là nơi tiếp nhận, điều trị nhóm bệnh nhân trung bình và bệnh nhân đã được điều trị ổn định ở tầng 6 chuyển xuống
Tầng 4 được bố trí tiếp nhận nhóm bệnh nhân không có triệu chứng và bệnh nhân đã dừng thuốc điều trị ở các tầng 5, tầng 6 chuyển xuống và sẽ theo dõi cho bệnh nhân đến khi đủ điều kiện ra viện.
Chia sẻ về công việc điều trị bệnh nhân COVID-19, BS. Lê Mạnh Trường cho biết: “Hàng ngày, công việc của chúng tôi tiến hành thăm khám cho từng bệnh nhân, nếu không có gì bất thường bệnh nhân được khám thường quy 2 lần/ngày. Trong ca trực, vất vả nhất là phải xử trí các bệnh nhân có diễn biến nặng như: Suy hô hấp phải thở oxy, nặng hơn nữa phải thở oxy mask, thở máy HFNC, thở máy không xâm nhập; đặc biệt các trường hợp nguy kịch cần phải đặt ống nội khí quản thở máy xâm nhập và lọc máu. Đối với các bệnh nhân nặng cần can thiệp như thở máy và lọc máu, bác sĩ và điều dưỡng chúng tôi phải thay nhau trực tại buồng bệnh để kịp thời xử trí sự cố của máy móc và diễn biến bất thường của bệnh nhân; bởi đối với bệnh nhân nặng luôn cần có sự theo dõi sát của nhân viên y tế”.
Ngoài thăm khám và xử trí các ca bệnh, BS. Lê Mạnh Trường cùng các y bác sỹ còn phải liên tục đánh giá diễn biến lâm sàng của mỗi ca bệnh, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết các bệnh vào phần mềm bệnh án điện tử cũng như bổ sung thuốc ngày hôm sau cho bệnh nhân.
“Sau khi có đầy đủ xét nghiệm máu, kết quả Xquang của bệnh nhân chúng tôi phải đánh giá lại, tùy thuộc vào diễn biến của từng bệnh nhân để quyết định tiếp tục cho y lệnh tiếp theo. Chúng tôi cũng phải thường xuyên trao đổi ý kiến với tổ điều trị COVID-19 của bệnh viện để hội chẩn các trường hợp ca bệnh nặng để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh”.
Là chỗ dựa tâm lý cùng bệnh nhân chiến thắng dịch bệnh
Ở nơi tâm dịch, bệnh nhân chỉ còn biết bấu víu vào y bác sĩ, các bác sĩ cũng sát sao với từng người bệnh, mỗi ngày gắn bó, họ đã như người thân trong gia đình.
Với bệnh nhân COVID-19, còn có đặc thù riêng là họ dễ hoang mang, lo sợ, nhất là trong những ngày cách ly xa gia đình, xung quanh chỉ có máy móc, giường bệnh. Những lúc như vậy, các y bác sĩ còn là chỗ dựa tinh thần, là liều thuốc tâm lý cho mỗi người bệnh mạnh mẽ vượt qua.
“Ngoài những giờ làm việc căng thẳng, chúng tôi phải lập nhóm Zalo các phòng bệnh, kết nối các bệnh nhân, thường xuyên nhắn tin vào nhóm, trò chuyện vui vẻ và động viên tinh thần cho các bệnh nhân, giúp họ thêm nghị lực để vững vàng mỗi ngày. Đây cũng là cách để trấn an người bệnh, giúp họ cảm thấy an tâm rằng họ luôn có chúng tôi bên cạnh, có người cùng họ vượt qua nỗi sợ hãi và lo lắng ấy”, BS. Lê Mạnh Trường chia sẻ.
Với các y bác sĩ ở đây, những ngày trong tâm dịch cũng là những ca trực đầy cảm xúc khi chứng kiến biết bao câu chuyện, hoàn cảnh của các bệnh nhân. Nhất là với những bệnh nhân là trẻ em, người già hay những gia đình đặc biệt.
Có lẽ trong các bệnh nhân đã từng điều trị, BS Lê Mạnh Trường ấn tượng nhất với một gia đình gồm ông bà và 2 cháu nhỏ dắt díu, bồng bế nhau vào bệnh viện điều trị COVID-19.
BS Lê Mạnh Trường kể: “Lúc chúng tôi tiếp nhận, gia đình gồm 2 ông bà (lúc đó mới được xác định là F1) cùng 2 cháu nhỏ 2 và 3 tuổi là F0; vì các cháu còn quá nhỏ phải có người thân nên hai ông bà đi cùng cháu. Lo sợ cho hai ông bà đã tuổi cao nếu mắc COVID-19 sẽ diễn biến nặng và nguy hiểm hơn so với người trẻ, tôi hỏi tại sao bố mẹ của các cháu không vào chăm, thì được biết bố mẹ các cháu đi làm ăn bị kẹt lại ở trong Thành phố Hồ Chí Minh, không thể ra Hà Nội chăm con được. Nhìn hoàn cảnh ấy chúng tôi không ai không khỏi xót xa, thương các em bé lại thương và lo cho cả hai ông bà nên chúng tôi cố gắng hỗ trợ tất cả những gì có thể”.
Sau đó cả hai ông bà cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Lúc mới vào chăm cháu, cả hai ông bà đều chưa có triệu chứng nhưng sau khoảng 1 tuần, cả hai ông bà đều bắt đầu có biểu hiện triệu sốt, ho. Sau đó, bà của 2 cháu bé bắt đầu diễn biến nặng hơn, phải nằm phòng cấp cứu thở máy HFNC rồi rất nhanh đã phải lọc máu.
“Nghĩ đến hoàn cảnh éo le ấy, chúng tôi đã quyết tâm phải cứu sống bằng được bệnh nhân. Là người bác sỹ điều trị trực tiếp, tôi đã phải trăn trở rất nhiều, sử dụng các biện pháp điều trị tốt nhất. Rất may, bà đã đáp ứng tốt với điều trị và hồi phục dần. Nhưng bà đỡ thì ông của 2 cháu bé lại nặng lên, chúng tôi phải chuyển ông tới phòng hồi sức, phải cho thở HFNC và lọc máu. Khi được chuyển đi, người ông đã gửi gắm việc chăm sóc 2 cháu nhỏ cho các y bác sĩ và những bệnh nhân cùng phòng. Nhìn cảnh ấy chúng tôi rơi nước mắt”, BS. Lê Mạnh Trường xúc động kể.
Trong thời gian cả hai ông bà cùng diễn biến nặng, việc chăm sóc cho 2 cháu nhỏ đều do các y bác sĩ và sự giúp đỡ của các bệnh nhân khác. Trong lúc điều trị cho hai ông bà, BS. Trường luôn phải động viên để ông bà cùng cố gắng mau khỏe, về với 2 cháu.
Và sự nỗ lực ấy đã có kết quả. Sau 1 thời gian điều trị tích cực, sức khỏe của 2 ông bà đã ổn định, họ được về cùng phòng và còn có thể chăm sóc được 2 cháu nhỏ của mình.
“Đó không chỉ là niềm vui của gia đình bệnh nhân, mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ bến với nhân viên y tế chúng tôi”, BS. Lê Mạnh Trường chia sẻ.
Với BS. Lê Mạnh Trường và các y bác sĩ đang công tác ở tuyến đầu chống dịch, ngay từ khi bùng phát dịch COVID-19 họ đã được giao nhiệm vụ phòng chống dịch là luôn trong tâm thế sẵn sàng khi mỗi đợt bùng phát.
Ở nơi tâm dịch, động lực lớn nhất với các y bác sĩ là sức khoẻ người bệnh, là sự hồi phục và nụ cười hạnh phúc đoàn tụ của mỗi gia đình; và chính nhân viên y tế cũng mong muốn dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống trở lại bình thường để chính họ cũng được đoàn tụ với gia đình mình.
“Có những ngày chúng tôi làm việc gần như 24/24h, không có cả thời gian để nghỉ ngơi dù chỉ ít phút. Chúng tôi cũng rất mệt mỏi nhưng không cho phép mình gục ngã, chỉ cần người bệnh còn tin tưởng chúng tôi, chúng tôi sẽ còn chiến đấu vì họ”, BS. Lê Mạnh Trường chia sẻ.