Huỳnh Kim Nhân (người thứ 4 từ bên phải sang) cùng chính quyền xã Nhị Long vận động hộ dân xây dựng mô hình cải tạo vườn kém hiệu qủa để phát triển kinh tế. |
Lớn lên ở vùng quê nghèo xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, từ khi còn cắp sách đến trường, Huỳnh Kim Nhân luôn mong muốn trở thành một kỹ sư để vận dụng những kiến thức khoa học làm giàu cho gia đình, quê hương.
Với ước vọng đó, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Nuôi trồng thủy sản, Huỳnh Kim Nhân nhận công tác trong ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cho đến nay. Hơn 25 năm công tác, công việc của kỹ sư Nhân gần như gắn bó xuyên suốt với vùng nông thôn, giúp nông dân nuôi cá, tôm, xây dựng các mô hình sản xuất kết hợp lúa - tôm, lúa - cá, vườn - tôm, vườn - ao - chuồng… Chính sự nhiệt tình cùng kinh nghiệm thực tiễn, năm 2011, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, anh Huỳnh Kim Nhân được điều về Chi cục Phát triển nông thôn kiêm nhiệm vụ Phó Chánh văn phòng Ban điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh.
Tỉnh Trà Vinh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới trong điều kiện nguồn lực đầu tư yếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn thiếu. Căn cứ theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Trà Vinh có nhiều địa phương không đạt từ 8 - 10 tiêu chí; trong đó nhiều tiêu chí không dễ thực hiện trong thời gian ngắn như: Môi trường, lao động việc làm, thu nhập hộ dân, cơ sở hạ tầng…
Đảm nhận nhiệm vụ tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, anh Huỳnh Kim Nhân không chỉ làm tốt công tác nghiên cứu văn bản, xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan, mà anh còn đóng góp xây dựng nông thôn mới bằng tấm lòng của một người xuất thân từ nông dân. Anh Nhân nói: “Đã xây dựng nông thôn mới thì phải thực sự mới và vững chắc”.
Với kinh nghiệm trong những năm gắn bó ở các vùng nông thôn, anh Huỳnh Kim Nhân nhận thấy, xây dựng nông thôn mới đối với tỉnh có nhiều khó khăn, muốn thành công phải xây dựng nông thôn mới từ hộ dân, người dân là chủ thể. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào xây dựng Bộ tiêu chuẩn ấp nông thôn mới và Bộ tiêu chuẩn hộ nông thôn mới có những nội dung phù hợp với điều kiện vùng nông thôn, nội lực của hộ nông dân để đề xuất với Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét ban hành thực hiện. Bộ tiêu chuẩn mà anh xây dựng không cứng nhắc về chỉ tiêu cụ thể mà hướng đến sự nâng cao nhận thức, tinh thần xây dựng gia đình, xóm ấp đổi mới, phát triển bền vững. Điển hình, một số chỉ tiêu được các xã, ấp, hộ dân đồng thuận và nhiệt tình chung sức thực hiện như: Chỉ tiêu về thu nhập, chỉ tính mức bình quân của ấp từ bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của xã; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt từ 90% trở lên và tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt từ 40% trở lên; 95% hộ dân sử dụng nước sạch; có phong trào giúp nhau giảm nghèo; gia đình không có bạo lực, bình đẳng, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền; trẻ em trong độ tuổi đi học đạt 100%…
Áp dụng bộ tiêu chuẩn này, các xã đã vận dụng trong toàn hệ thống chính trị địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động từng hộ dân đăng ký xây dựng hộ nông thôn mới, góp sức cùng nhau xây dựng ấp nông thôn mới. Xây dựng xã nông thôn mới bắt đầu từ “nền móng” chủ thể là hộ dân, rồi vươn lên toàn ấp, tạo sức lan tỏa toàn xã để đạt đích nông thôn mới. Đến nay, Trà Vinh đã có 30/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 234/682 ấp được công nhận ấp nông thôn mới, 148.613 hộ dân được công nhận hộ nông thôn mới, chiếm gần 67% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Với những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 3 năm liền anh Huỳnh Kim Nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng về thành tích xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2017. Vinh dự hơn, anh là một trong 70 cá nhân trong toàn quốc sẽ được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948-11/6/2018) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6 tới.