Vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương “Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022”, với thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực”. Có 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu giàu nghị lực, đạt nhiều thành tích và có nhiều đóng góp cho cộng đồng trên cả nước được vinh danh. Trong đó, thành phố Cần Thơ có sự góp mặt của cô gái nhỏ nhắn Phan Bích Ngân, với những đóng góp miệt mài cho cộng đồng trong nhiều năm qua.
Lan tỏa năng lượng sống tích cực
Tiếp xúc với Bích Ngân, ấn tượng ban đầu của chúng tôi là sự cảm phục, tự hỏi nguồn năng lượng nào để cô gái sở hữu chiều cao 1m25, nặng 38kg, có thể hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ ở nhiều vai trò: Chủ nhiệm lâm thời Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật thành phố Cần Thơ, nhân viên Hội Người khuyết tật thành phố, thành viên tích cực trong Hội Phụ nữ khuyết tật thành phố, nhân viên phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong Câu lạc bộ người điếc, đồng hành cùng người khiếm thính…
Bích Ngân tâm sự, đối với chị, công việc là cứu cánh giúp chị thoát khỏi “bóng tối” của sự tự ti, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Do đó, chị luôn tâm niệm phải lan tỏa được suy nghĩ tích cực ấy đến với những người có hoàn cảnh tương tự mình, góp phần xây dựng một cộng đồng những người khuyết tật “tàn nhưng không phế”, sống có ích, đóng góp giá trị ngày càng nhiều cho xã hội…
Sinh năm 1987, trong gia đình các thành viên khác đều bình thường, do đó cô bé Bích Ngân cảm thấy mình rất “khác” khi đã hết Trung học Cơ sở nhưng chiều cao 1m25 vẫn không thay đổi. Những năm học Trung học Phổ thông, trong độ tuổi đẹp nhất của đời học sinh, cô nữ sinh Bích Ngân đã nhiều lần dấy lên cảm xúc mặc cảm. Khi khó khăn bước lên những bậc thang vào lớp học, cảm giác mọi người nhìn mình tò mò… khiến cô đôi lần muốn dừng lại tất cả.
Thế nhưng, có lẽ định mệnh đã ấn định Bích Ngân là một ngôi sao chỉ đường và lan tỏa năng lượng sống tích cực. Trong một dịp tình cờ, cô bạn thân cùng lớp đã rủ Bích Ngân đi xem chương trình biểu diễn văn nghệ. Từ đây, Bích Ngân nhận ra rằng, cuộc sống xung quanh có rất nhiều điều thú vị đang đợi mình khám phá, cộng đồng luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm và tình yêu thương đặc biệt. Từ gia đình đến bạn bè, ai cũng động viên và sẵn sàng đồng hành cùng Ngân trong học tập, cũng như những kế hoạch tương lai dài hơi hơn.
Năm 2011, cô sinh viên Bích Ngân đã vỡ òa hạnh phúc khi cầm trên tay tấm bằng Cử nhân ngành Công nghệ hóa học của Trường Đại học Cần Thơ. Bên cạnh sự nỗ lực gấp 10 những người bình thường khác, tấm bằng ấy còn là thành quả của sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng. Ngân bồi hồi nhớ lại, suốt 4 năm ngồi trên ghế giảng đường, cô và những bạn sinh viên khuyết tật đã thường xuyên nhận được rất nhiều sự hỗ trợ kịp thời từ Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật Trường Đại học Cần Thơ. Những hỗ trợ này rất đa dạng, từ học bổng đến xe lăn, nhu yếu phẩm... không chỉ giúp đỡ các bạn sinh viên khuyết tật vượt qua những giai đoạn khó khăn, mà còn là sự minh chứng cho sự tận hiến đối với cộng đồng, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”…
Cảm phục những hoạt động thiện nguyện ấy từ những anh chị đi trước có hoàn cảnh giống mình, sau khi tốt nghiệp, Bích Ngân đã nộp hồ sơ trở thành thành viên của Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật Trường Đại học Cần Thơ, với tâm thế sẽ là cầu nối để hỗ trợ những người khuyết tật khác, những đàn em lớp sau mình. Tại đây, Bích Ngân đã bắt đầu hành trình đi tìm học bổng, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ cho những sinh viên khuyết tật… như những gì cô đã được trao tặng trước đây.
Từ cơ duyên ban đầu ấy, năm 2016, Bích Ngân chính thức trở thành thành viên của Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ. Ở cương vị mới, công việc mới đã giúp Ngân mở rộng hơn nữa những hoạt động hỗ trợ, cũng như những đối tượng hỗ trợ. Với tâm niệm “người đã giúp mình, giờ mình giúp người”, Bích Ngân cùng thành viên trong Hội giới thiệu học bổng cho trẻ em hoặc người khuyết tật; vận động xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật; tìm nguồn vốn giúp họ mưu sinh, khởi nghiệp… Thông qua hành động nhỏ, chị muốn giúp người khuyết tật giữ tinh thần lạc quan, tự chủ cuộc sống của mình.
Ngoài ra, nhiều năm qua, Bích Ngân còn đóng vai trò là người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong Câu lạc bộ người điếc, đồng hành cùng người khiếm thính đi đến tòa án, bệnh viện, xin việc tại các doanh nghiệp. Đối tượng được Ngân giúp đỡ đa phần là người khuyết tật ở thành phố Cần Thơ, ngoài ra cũng có người khác tỉnh liên hệ bày tỏ những nỗi niềm suy tư. Nếu không trực tiếp hỗ trợ được, chị sẽ cố gắng làm cầu nối với các đơn vị để giúp đỡ cho những trường hợp này.
Bà Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ cho biết, Ngân là một thành viên nhiệt tình trong công việc, chịu khó học hỏi. Để làm tốt vai trò phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, Ngân phải tự học và trau dồi mỗi ngày. Hơn thế nữa, những người được Ngân giúp đỡ đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế trong giao tiếp và lĩnh hội những kiến thức xã hội cũng như pháp luật. Vì vậy, Ngân không chỉ là người “chuyển ngữ” đơn thuần, mà còn là người tư vấn, hướng dẫn pháp lý và những đặc quyền mà người khuyết tật được thụ hưởng.
Thêm động lực để cống hiến hết mình cho cộng đồng
Ngoài được công nhận danh hiệu cao quý của chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022, với sự cống hiến, nỗ lực không ngừng, những năm qua, chị Phan Bích Ngân còn nhận được nhiều khen thưởng từ Hội Người người khuyết tật thành phố Cần Thơ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố...
Mỗi lần được vinh danh là một lần chị thêm động lực để cống hiến hết mình cho cộng đồng. Bích Ngân bày tỏ: “Tôi học hỏi được từ các anh chị hội viên khác rất nhiều. Đó là không nên thu mình lại, cứ thoải mái và sống lạc quan. Mình cứ hoàn thành một cách tốt nhất những công việc được tập thể giao thì giá trị của mình sẽ được công nhận. Tôi hy vọng sự lạc quan của mình sẽ truyền cảm hứng cho các bạn thanh niên khuyết tật khác có thể phá bỏ rào cản và tự tin làm công việc của mình tốt nhất, đóng góp cho xã hội. “Tâm mình ở đâu thì tầm mình ở đó” - tôi rất thích câu nói này”.
Nhận xét về tấm gương tiêu biểu Phan Bích Ngân, anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Cần Thơ chia sẻ: Ở vai trò là Chủ nhiệm lâm thời Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật thành phố, hàng năm Bích Ngân đều tổ chức những hoạt động bổ ích hỗ trợ các bạn trẻ kém may mắn. Nhờ sự hỗ trợ này, các bạn trẻ có điều kiện được vui chơi, sinh hoạt, giao lưu với nhau. Chị cũng tích cực vận động các bạn trẻ khuyết tật vào Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật và vào Hội Người khuyết tật thành phố; phối hợp tổ chức các chương trình hỗ trợ gia cảnh vào những dịp lễ, Tết. “Phan Bích Ngân được Trung ương Hội công nhận là gương “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 đã góp phần làm lan tỏa những tấm gương sống có trách nhiệm, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Từ đó tạo được tính lan tỏa trong đoàn viên, thanh niên nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng, giúp các bạn có động lực vươn lên trong cuộc sống” - anh Trần Việt Tuấn nhận định.
Anh Trần Việt Tuấn cho biết thêm, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Người khuyết tật thành phố tiếp tục nhân rộng và triển khai nhiều nội dung, giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng thanh niên khuyết tật như tư vấn, chăm sóc sức khỏe; tổ chức diễn đàn, chương trình giao lưu, kết bạn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Bên cạnh đó, Hội tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ tay nghề; hỗ trợ tìm việc làm, kết nối tiêu thụ sản phẩm do thanh niên khuyết tật sản xuất; tuyên truyền kiến thức về hôn nhân gia đình...