Giao lưu tại Ngày hội, vợ chồng anh Nguyễn Văn Út, chị Phạm Thị Thủy (hiện ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cho biết, anh sinh ra tại Kiên Giang, bị khuyết tật từ nhỏ. Anh lên thành phố học nghề ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi (huyện Hóc Môn). Sau 5 năm nỗ lực rèn luyện (2008-2013), anh Út trở thầy giáo của Trung tâm. Cũng tại đây, chị Thủy đã bị thuyết phục trước nghị lực, sự hăng say cùng những sản phẩm tranh ghép gỗ thủ công xinh xắn từ đôi bàn tay khéo léo của anh…
Hiện nay, anh Út đã có cơ sở sản xuất tranh ghép gỗ cho riêng mình. Đó cũng là kết quả của sự nỗ lực suốt thời gian dài tìm tòi, học hỏi, làm việc không nghỉ ngơi. “Để hoàn thành công việc, người bình thường làm mất 8 tiếng/ngày còn mình khiếm khuyết phải nỗ lực làm 12-16 tiếng/ngày”, anh Út chia sẻ.
Cũng bị khiếm khuyết đôi mắt từ nhỏ, vợ chồng anh Cao Thanh Trường và chị Phạm Thị Thanh Dung (hiện ở trọ tại Quận 10, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ bí quyết giữ gìn gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan chính là sự cảm thông, thấu hiểu và san sẻ cho nhau từ công việc gia đình đến việc làm hàng ngày.
Do quen biết nhau từ nhỏ, anh chị dễ thông cảm, hiểu nhau, không để xảy ra mâu thuẫn lớn…, chị Phạm Thị Thanh Dung chia sẻ.
Những tấm gương nghị lực của các gia đình khuyết tật đã và đang lan truyền năng lượng tích cực cho người khỏe mạnh. Nhiều người có mặt tại buổi giao lưu không giấu được xúc động.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật TP Hồ Chí Minh, xây dựng một mái ấm hạnh phúc là ước mơ đời thường của mỗi con người nhưng ước mơ đó đối với người khuyết tật lại càng khó khăn hơn. Có thể tàn tật, khiếm khuyết về thân thể nhưng họ không khiếm khuyết, tàn tật về tâm hồn. Họ đã vượt lên chính mình để xây dựng hạnh phúc gia đình, đó cũng là điều Bác Hồ sinh thời đã nói “tàn nhưng không phế”.
Cái đẹp và sự bền vững trong tình yêu của người khuyết tật nằm ở chính sự đồng điệu về tâm hồn, sự cảm thông và sẻ chia ở mọi lúc, mọi nơi. Những người đàn ông khuyết tật vẫn là trụ cột vững chắc của gia đình khi được bồi đắp bằng sự hy sinh, tình yêu của người phụ nữ bên mình. Với những người phụ nữ khuyết tật, gánh trách nhiệm làm vợ, làm mẹ nặng nề trên vai nhưng bằng tất cả nỗ lực, họ hoàn toàn có thể đảm đương sứ mệnh "giữ lửa" cho gia đình êm ấm, hạnh phúc, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Trao tặng, tôn vinh các gia đình khuyết tật tiêu biểu, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh chúc mừng, đồng thời khẳng định thành phố sẽ làm tốt nhất có thể cho người khuyết tật nói chung, các gia đình người khuyết tật tiêu biểu nói riêng, đặc biệt là thực hiện Quyết định 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, thành phố tập trung thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình. Các hoạt động chủ yếu của chương trình là trợ giúp y tế, giáo dục, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai, hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, trợ giúp phụ nữ khuyết tật, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng…