Hội chợ việc làm 'Chúng tôi cần bạn' hướng đến người khuyết tật

Với chủ đề “Chúng tôi cần bạn”, Hội chợ việc làm được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum phối hợp với dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (Dự án Hòa nhập 2) tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum vào sáng 27/5.

Đây là một trong những hoạt động vì người khuyết tật trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 2 được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) và Trung tâm Phát triển y tế cộng đồng (CCRD) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum thực hiện.  

Chú thích ảnh
Người khuyết tật được doanh nghiệp hướng dẫn đăng ký dự tuyển vào việc làm, giáo dục nghề nghiệp. 

Tham gia Hội chợ có gần 60 người khuyết tật đăng ký nhu cầu tìm kiếm việc làm và đào tạo nghề, kỹ năng nghề phù hợp. Ngoài ra, Hội chợ còn có 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tư vấn việc làm trên địa bàn tỉnh tham gia tìm kiếm, tuyển dụng lao động là người khuyết tật với đa dạng ngành nghề phù hợp như thủ công mỹ nghệ, may mặc, công nghệ thông tin, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… Hội chợ là dịp để kết nối các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người khuyết tật, mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua hoạt động phỏng vấn và tư vấn trực tiếp tại Hội chợ. Người khuyết tật tham gia có cơ hội tiếp cận những vị trí việc làm đến từ nhiều doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong các lĩnh vực khác nhau.

Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: Tại Hội chợ lần này, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất, đào tạo, dạy nghề gặp gỡ các lao động là người khuyết tật để có thể chia sẻ, trao đổi, phỏng vấn, tuyển chọn được nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Các bạn lao động là người khuyết tật cần mạnh dạn, tự tin trao đổi, chia sẻ thông tin, chủ động tìm kiếm, lựa chọn cho bản thân nghề nghiệp, việc làm phù hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân, gia đình. Người lao động là khuyết tật thường cần mẫn, ít nhảy việc. Doanh nghiệp khi tuyển dụng không chỉ mang lại lợi ích về chính sách, số lượng mà còn đa dạng về lao động. Đó là hình ảnh đẹp, nhân văn của doanh nghiệp. Người khuyết tật có việc làm sẽ khẳng định được giá trị bản thân.

Bà Bạch Thị Mân đề nghị các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể cùng các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp có hiệu quả và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, giúp lao động là người khuyết tật trong tỉnh có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng của việc làm, chủ động tìm kiếm, lựa chọn được việc làm phù hợp với năng lực của bản thân. Đây cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Tỉnh Kon Tum hiện có gần 7.400 người khuyết tật, trong đó có 1.220 người khuyết tật đặc biệt nặng và 4.390 người khuyết tật nặng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Toàn tỉnh hiện có 1.168 hộ gia đình hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí chăm sóc và nhận nuôi dưỡng người khuyết tật. Đa số người khuyết tật đều sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội, bản thân họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống.

Chú thích ảnh
Các đại biểu, doanh nghiệp, người khuyết tật thảo luận về việc tạo việc làm cho người khuyết tật. 

Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (Dự án Hòa nhập) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Trung tâm Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc phòng làm chủ dự án. Tại Kon Tum, Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng (CCRD) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (năm 2021- 2022) và giai đoạn 2 (từ 2023-2026). Mục tiêu của dự án là mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật; mở rộng các dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp; cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập cộng đồng và tăng cường năng lực quản lý và hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp… nhằm nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật trên địa bàn.

Tin, ảnh: Cao Nguyên (TTXVN)
Việc bổ nhiệm và xếp lương hướng dẫn viên du lịch phải căn cứ vào vị trí việc làm
Việc bổ nhiệm và xếp lương hướng dẫn viên du lịch phải căn cứ vào vị trí việc làm

Việc bổ nhiệm và xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên du lịch phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN