Chung niềm vui, nỗi buồn với công nhân
Nhớ lại lần Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh đến tận phòng trọ tặng quà trong dịp Tết Sum Vầy năm 2019, công nhân Quách Thị Mơ chia sẻ: "Ấn tượng đầu tiên của mình về chị Hạnh là sự nhanh nhẹn, quyết đoán và đầy cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của các công nhân lao động”.
Do ảnh hưởng của chất độc da cam, chị Mơ mắc căn bệnh khó chữa về máu. Khi biết mình không thể sinh con, chị Mơ lặng lẽ rời bỏ quê hương tới Bình Dương làm công nhân lao động. Biết hoàn cảnh khó khăn của chị Mơ, sau lần thăm hỏi dịp Tết Sum Vầy năm 2019, chị Trương Thị Bích Hạnh tiếp tục quan tâm và dõi theo cuộc sống sau này của chị Mơ, tạo điều kiện giúp đỡ khi khó khăn.
Tại Bình Dương, nơi có trên 1,2 triệu công nhân lao động, với vai trò là người đứng đầu tổ chức Công đoàn tỉnh, chị Trương Thị Bích Hạnh luôn nỗ lực không ngừng, thường xuyên chỉ đạo và tận tâm đối với đội ngũ cán bộ công đoàn trong toàn tỉnh. Qua đó thực hiện tốt các chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động. Chị thường xuyên đề xuất cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện tốt nhất về an sinh xã hội cho công nhân lao động như: nhà ở xã hội, nhà trẻ, các chương trình phúc lợi, suất ăn ca, lương thưởng, giờ làm, giải quyết các chế độ chính sách....
Chị Thu Mỹ, công nhân tại Khu Công Nghiệp Việt Nam - Singapore (Thuận An, Bình Dương) nhớ lại: “Có lần, chị Hạnh đến ăn cơm trưa tại công ty để tìm hiểu về chất lượng bữa ăn ca của người lao động. Khi cùng ăn, chị rất gần gũi và hỏi về cuộc sống cá nhân có gặp những khó khăn gì, công ty đối xử ra sao, rồi hỏi thêm về thu nhập, sức khỏe… Sau lần chị tới, chất lượng bữa ăn và lợi ích của công nhân lao động đã có cải thiện. Bữa cơm của công nhân ngon và sạch sẽ hơn, thực đơn đa dạng và còn được kèm thêm bữa ăn, phụ cấp thêm sữa, gạo…”.
Trưởng thành từ cán bộ Công đoàn cơ sở, gần 2 năm giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, vì vậy, chị Hạnh rất thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người lao động. Mọi chương trình, kế hoạch, phương pháp lãnh đạo, điều hành... chị đều thực hiện với mục tiêu đảm bảo nhu cầu, lợi ích thiết thực của đoàn viên và hiệu quả hoạt động của tổ chức. Đối với chị Hạnh, khi làm một cán bộ công đoàn, điều hạnh phúc nhất là mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động. “Hoạt động công đoàn hướng tới những giá trị tốt đẹp. Khi làm cán bộ Công đoàn, chúng ta thể hiện được giá trị của bản thân: Luôn làm việc vì tập thể đoàn viên, người lao động đã tín nhiệm bầu mình, hướng tới sự công bằng, bình đẳng trong xã hội”, chị Hạnh chia sẻ.
Vững tin trong thời kỳ mới
Khi Quốc hội góp ý sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012, trong thảo luận, chị Hạnh thẳng thắn chỉ rõ thực tế tiền lương không đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho công nhân và gia đình nên phải làm thêm giờ. Chị Hạnh đã đề nghị phải cân nhắc mối quan hệ giữa làm thêm giờ và tiền công làm thêm; giữa mối quan hệ giữa làm thêm giờ với việc nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động của người lao động; đặc biệt cách tính lương phải thay đổi. Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, chị đã chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về quyền khởi kiện của Công đoàn với các doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội người lao động.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang bước vào quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tham gia vào những cam kết từ các Hiệp định thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, cùng với những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên các lĩnh vực lao động và công đoàn, sự cạnh tranh về lao động, việc làm, sản phẩm, hàng hoá diễn ra ngày càng gay gắt, quyết liệt. Vấn đề giải quyết nhu cầu nhà ở, y tế, giáo dục, sinh hoạt, giải trí của công nhân lao động; vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa… đã và đang đặt ra nhiều thử thách cho phong trào công nhân và tổ chức công đoàn.
Bối cảnh mới yêu cầu tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động. Chị Hạnh đã cùng Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương xây dựng Đề án "Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn tỉnh Bình Dương trong tình hình mới" với tinh thần đổi mới trong từng hoạt động, thiết thực, làm lợi cho người lao động, tạo điều kiện cho công đoàn các cấp hoạt động với nhiều mô hình hay như: thành lập tổ công tác hỗ trợ thương lượng tại cơ sở, mô hình tư vấn pháp luật công đoàn, xây dựng đội ngũ cộng tác viên tư vấn đến từng nhà trọ... Sắp tới, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương sẽ ra mắt "Quỹ hỗ trợ đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn".
Với đặc thù là một tỉnh công nghiệp có đông công nhân lao động, vai trò của tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của tỉnh Bình Dương. Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Lưu Thế Thuận nhận xét: "Chị Trương Thị Bích Hạnh chính là một thủ lĩnh có tâm, có tầm, từ chủ trương đến hành động mà chị khởi xướng và chỉ đạo luôn gắn với lợi ích thiết thân của đoàn viên, người lao động. Trong công việc, chị luôn tận tâm, chỉ đạo với tinh thần nghiêm túc đồng thời luôn biết gắn bó với đồng nghiệp, thực sự là người lãnh đạo công đoàn đáng trân trọng".
Với những đóng góp của mình cho phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn, chị Trương Thị Bích Hạnh đã được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2015, Bằng khen Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2016, Bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương năm 2018, nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019...